Đề xuất bỏ sàn giao dịch bất động sản

(PLO)- Góp ý dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, nhiều ý kiến đề xuất bỏ sàn giao dịch bất động sản và quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội khi làm dự án nhà ở thương mại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo Doanh nghiệp góp ý dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS). Tại hội thảo, các vấn đề liên quan đến dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội (NƠXH) và sàn giao dịch BĐS được nhiều ý kiến quan tâm, đóng góp.

Nhiều ý kiến đề xuất bỏ 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội. Ảnh: VIỆT HOA

Nhiều ý kiến đề xuất bỏ 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội. Ảnh: VIỆT HOA

Cơ hội tốt để sửa các vướng mắc pháp lý

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết: Giá BĐS thời gian qua tăng cao, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Cạnh đó là tình trạng lừa đảo trong mua bán nhà ở, nhất là nhà ở hình thành trong tương lai (gần đây có giảm nhưng vẫn còn). Nguy cơ vỡ bong bóng BĐS ảnh hưởng đến nền tài chính, kinh tế của đất nước với nhiều hệ lụy, khắc phục hậu quả rất lâu.

Theo ông Công, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là “các vấn đề pháp lý không rõ ràng” khiến một nguồn lực rất lớn đổ vào thị trường BĐS bị ách tắc. Pháp luật về nhà ở và BĐS sau nhiều năm thực hiện đã bộc lộ hạn chế, chồng chéo, mâu thuẫn với các luật Đất đai, Đầu tư, Đấu thầu… Thậm chí có những vấn đề không gỡ được nếu không sửa luật.

“Năm 2019, VCCI đã có đề xuất gửi các cơ quan có thẩm quyền đề nghị gỡ vướng 25 điểm mâu thuẫn, chồng chéo liên quan đến nhà ở, BĐS… nhưng đến nay chưa giải quyết thấu đáo. Hiện các luật này đang được Quốc hội xem xét sửa đổi cùng lúc và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2023). Đây là cơ hội tốt để tập trung tháo gỡ, sửa đổi luật, từ đó gỡ vướng cho thị trường” - ông Công nói.

Dự thảo đã hoàn thiện với 10 chương, 92 điều và đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét.

Đề xuất xem xét bỏ sàn giao dịch BĐS

Góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, đề xuất xem xét bỏ sàn giao dịch BĐS. Theo ông, quy định giao dịch BĐS phải thực hiện thông qua sàn giao dịch (Điều 57 dự thảo Luật Kinh doanh BĐS) là “quá cứng” và khiến giá nhà tăng cao.

Ông Hiệp cho hay hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp BĐS sử dụng linh hoạt việc phối hợp giữa lực lượng bán hàng trực tiếp của chủ đầu tư và một số sàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bộ phận bán hàng của chủ đầu tư luôn bán được nhiều hàng hơn các sàn giao dịch bên ngoài. Chi phí hoa hồng cho các sàn giao dịch bên ngoài luôn ở mức gấp hai lần so với bộ phận bán hàng của chủ đầu tư.

Cũng theo ông Hiệp, các giao dịch BĐS không nhất thiết phải qua sàn mà chỉ cần quy định các giao dịch phải công khai, minh bạch, có tiêu chí cụ thể hơn.

Liên quan đề xuất bỏ sàn giao dịch BĐS, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho hay đây là nội dung đã được cơ quan soạn thảo báo cáo các cơ quan thẩm quyền cụ thể, chi tiết về cả thực tiễn và cơ sở lý luận. Đây cũng là nội dung được Nghị quyết 18 của Trung ương chỉ rõ là phải đảm bảo quyền lợi của người dân, phát triển lành mạnh thị trường BĐS.

“Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp tự bán hàng do không đủ năng lực dẫn đến huy động vốn của người mua nhà, sau đó dẫn đến lừa đảo và rơi vào vòng lao lý, người mua nhà thì không nhận được nhà. Bây giờ có sàn giao dịch thì sàn giao dịch phải có trách nhiệm với khách hàng, điều này là cần thiết. Vấn đề là cần quy định cách thức, điều kiện, tiêu chí cụ thể một cách hoàn thiện về nội dung này…” - ông Khởi nói.

Dự thảo được trình Quốc hội trong tháng 5

Thông tin về việc sửa Luật Nhà ở, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện và có tờ trình chính thức gửi Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ năm (khai mạc ngày 22-5 tới).

“Theo đó, dự thảo mới nhất của Luật Nhà ở (sửa đổi) có 13 chương, 196 điều, tăng 13 điều, bãi bỏ bảy điều của luật hiện hành, sửa đổi một số điều so với luật năm 2014. Trong đó, Chính phủ xin phép nhóm chính sách NƠXH sẽ có hiệu lực ngay sau khi dự luật được thông qua” - ông Sinh nói.

Đối với dự thảo Luật Kinh doanh BĐS, ông Sinh cho hay đến thời điểm này đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, theo đó dự thảo luật đã được hoàn thiện với 10 chương, 92 điều. “Cơ quan soạn thảo mong muốn tiếp tục lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, đặc biệt là các doanh nghiệp, những người đang chịu tác động trực tiếp bởi các chính sách này” - ông Sinh nói.

Kiến nghị bỏ 20% quỹ đất làm NƠXH với dự án thương mại

Các ý kiến cho rằng vấn đề NƠXH là trách nhiệm của Nhà nước, vì vậy không nên bắt doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở thương mại phải gánh.

“Chúng tôi ủng hộ không nên phân định cứng nhắc chủ đầu tư dành 20% quỹ đất để làm NƠXH do nhu cầu phát triển NƠXH của mỗi địa phương khác nhau, vị trí khác nhau. Nội dung này nên để các địa phương đưa vào công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thì hợp lý hơn” - ông Phạm Minh Đức, Tập đoàn Tân Á Đại Thành, góp ý.

Về ý kiến dành 20% quỹ đất làm NƠXH là không hợp lý, ông Nguyễn Mạnh Khởi cũng đồng tình và cho biết vấn đề này đã được tiếp thu trong dự thảo luật. Theo đó, địa phương phải có trách nhiệm trình HĐND để dành quỹ đất, vốn ngân sách để phát triển dự án NƠXH, từ đó tổ chức đấu thầu để các doanh nghiệp tham gia.

“Hiện nay có tình trạng nhiều địa phương đang thừa nhà ở thương mại nhưng lại thiếu NƠXH. Do đó, mỗi địa phương cần lập chương trình phát triển nhà ở cho từng giai đoạn khác nhau, trong đó có dành quỹ đất, nguồn vốn.

Vấn đề là phải có khung pháp lý, cơ chế để các địa phương làm. Hiện chúng tôi đã nghiên cứu, đánh giá thực tế và dự thảo luật đã thiết kế riêng một chương để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện” - ông Khởi nói.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm