Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định mức thuế cao hơn khi 'đầu cơ, ôm đất'

(PLO)- Chính phủ cho biết dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chính phủ vừa có báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi đến Quốc hội.

Hơn 12 triệu lượt góp ý

Theo kết quả tổng hợp, để góp ý cho dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), các cơ quan, tổ chức đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo và nhận được hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý vào dự thảo luật.

Trong đó, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận tới 8,36 triệu lượt ý kiến, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận gần 2,35 triệu lượt ý kiến và UBND các tỉnh thành nhận hơn 1,3 triệu lượt ý kiến, còn lại các ý kiến góp ý từ các bộ ban ngành, tổ chức và cá nhân…

Mô hình quy hoạch TP Hà Nội. Ảnh: TRỌNG PHÚ
Mô hình quy hoạch TP Hà Nội. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Về nội dung góp ý, trong số 16 chương của dự thảo luật thì nội dung chương VII về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất với gần 1,23 triệu lượt ý kiến.

“Nhiều ý kiến góp ý của Nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) rất tâm huyết, có chất lượng, vừa có tính lý luận và thực tiễn, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển của thế giới” - báo cáo nêu.

Quy định mức thuế cao hơn đối với tình trạng đầu cơ, ôm đất

Báo cáo của Chính phủ khẳng định dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có nhiều điểm đổi mới phù hợp với các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách pháp luật về đất đai theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022.

Các quy định của dự luật phù hợp với quy định của Hiến pháp và các điều ước quốc tế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai từ Trung ương đến cơ sở. Dự thảo Luật đã được xây dựng công phu, khoa học và có nhiều điểm tiến bộ, có tính khả thi cao.

Một dự án ôm đất nhiều năm chưa triển khai tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Một dự án ôm đất nhiều năm chưa triển khai tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Đặc biệt, dự luật cũng đưa ra những quy định đổi mới để giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Luật Đất đai.

Những sửa đổi đó đã thể hiện được quan điểm quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững.

Dự luật cũng hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định…

Dự luật quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

‘Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư; quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đào tạo việc làm để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn…” báo cáo của Chính phủ nêu.

Đặc biệt, dự luật đã hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng bảng giá đất. Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại…

Cùng với đó, dự luật đã hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.

Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang. Thể chế chính sách ưu đãi thông qua việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư và các đối tượng chính sách.

Một số tồn tại, hạn chế của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

Báo cáo của Chính phủ cũng cho hay, sau khi lấy ý kiến Nhân dân, rộng rãi, dự luật cần tiếp tục hoàn thiện một số nội dung “tồn tại, hạn chế”.

Trong đó bố cục của dự luật cần hoàn thiện để đảm bảo tính chặt chẽ, lôgíc, khoa học và dễ theo dõi. Một số chính sách còn quy định chung chung, một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng.

Cần cụ thể hóa toàn diện và chi tiết hơn các nội dung về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (làm rõ các tiêu chí cụ thể) và đặc biệt là thu hồi đất đối với các trường hợp chủ đầu tư thực hiện dự án vi phạm pháp luật đất đai, đã được giao đất nhưng chậm triển khai thực hiện dự án.

Cần làm rõ hơn nữa các chế độ, chính sách trong quá trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư như giá đất tính bồi thường, các khoản hỗ trợ và đặc biệt là việc tái định cư để đảm bảo cuộc sống cho người có đất bị thu hồi...

Đồng thời làm rõ hơn các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và cơ chế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.

Về công tác định giá đất, chưa có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, bảo đảm tính độc lập của Hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên theo như tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong thu hồi đất, giao đất và xác định giá đất cụ thể để bồi thường cho người bị thu hồi đất, tính tiền sử dụng đất...; cơ chế về xác định giá đất phải bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm