Luật Tư pháp người chưa thành niên:

Đề xuất bổ sung biện pháp giám sát điện tử thay thế tạm giam

(PLO)- Việc bổ sung biện pháp giám sát điện tử vừa đáp ứng yêu cầu giám sát chặt chẽ vừa bảo đảm tốt hơn lợi ích cho người chưa thành niên…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 23-10, theo nghị trình, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm liên quan đến quy định về việc áp dụng biện pháp giám sát điện tử (GSĐT).

Chỉ áp dụng với bị can, bị cáo đang bị tạm giam

Theo Điều 136 dự thảo luật, GSĐT là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào nhân thân và tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nếu xét thấy cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền nhưng không cần thiết phải tiếp tục tạm giam, NCTN sẽ được xem xét áp dụng biện pháp GSĐT.

Dự thảo luật quy định hiệu lực thi hành đối với biện pháp GSĐT từ ngày 1-1-2028, muộn hơn hai năm so với hiệu lực chung của luật để bảo đảm có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện thi hành. Chính phủ được giao hướng dẫn chi tiết việc thực hiện biện pháp này.

giám sát điện tử
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: PHẠM THẮNG

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ QH cho hay việc bổ sung biện pháp này vào hệ thống các biện pháp ngăn chặn nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về “hạn chế tạm giam”. Đồng thời, vừa đáp ứng yêu cầu giám sát chặt chẽ để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử; vừa bảo đảm tốt hơn lợi ích cho NCTN, không bị gián đoạn quá trình học tập, lao động…

“Căn cứ và thủ tục áp dụng biện pháp đã bảo đảm chặt chẽ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân do đây là biện pháp thay thế tạm giam và phải được VKS phê chuẩn trước khi thi hành” - báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH nêu rõ.

Quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định người được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng phải bị GSĐT. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH nhấn mạnh biện pháp này chỉ áp dụng với bị can, bị cáo đang bị tạm giam.

“Nếu đồng thời quy định GSĐT áp dụng đối với người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng là tăng nặng hơn trách nhiệm đối với NCTN so với pháp luật hiện hành và không phù hợp” - theo Ủy ban Thường vụ QH.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu đồng thời quy định giám sát điện tử áp dụng đối với người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng là tăng nặng hơn trách nhiệm đối với người chưa thành niên so với pháp luật hiện hành và không phù hợp.

Cần làm rõ các điều kiện thi hành

Nêu ý kiến, đại biểu (ĐB) QH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cơ bản nhất trí với quy định tại dự thảo. “Đây là biện pháp phù hợp với xu thế” - bà Hằng nói.

Tuy nhiên, để biện pháp này phát huy tính hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với nhận thức, trình độ, điều kiện sinh sống của NCTN của từng vùng, miền, ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng dự thảo cần quy định “sát thực tiễn hơn”.

“Trong quá trình áp dụng GSĐT phải tôn trọng, không làm ảnh hưởng đến đời tư cá nhân của các thành viên khác của hộ gia đình” - bà Trần Thị Thu Hằng nói.

Nữ ĐB cũng đánh giá khi áp dụng biện pháp này sẽ làm phát sinh tăng nhiệm vụ cho chính quyền ở cơ sở, cụ thể là UBND cấp xã. Vì vậy, bà đề nghị nghiên cứu, xem xét, giao nhiệm vụ đồng thời giao nguồn lực để thực hiện, nhằm giảm áp lực cho cơ sở.

ĐB Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) nhận xét đây là biện pháp mới so với quy định tại BLTTHS 2015. “Với tính chất là một biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, việc thi hành các biện pháp ngăn chặn có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân” - bà Thu Phước lưu ý.

Do đó, để đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 14 Hiến pháp và để thống nhất với quy định về các biện pháp khác của dự thảo, ĐBQH tỉnh Kon Tum kiến nghị cần làm rõ các điều kiện thi hành để bảo đảm tính khả thi.

Cụ thể, mô hình quản lý thiết bị GSĐT gồm hệ thống máy chủ thiết bị giám sát như thế nào, cơ quan nào quản lý, cách thức quản lý ra sao, việc gắn thiết bị GSĐT và kinh phí bảo đảm. Đặc biệt là việc xử lý vi phạm khi người bị áp dụng phá hủy thiết bị, vi phạm nghĩa vụ…•

Phạm nhiều tội, người chưa thành niên chỉ phải chịu án tối đa 18 năm

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng và thấy rằng quy định như BLHS hiện hành về tổng hợp hình phạt là bất hợp lý, dẫn đến thiếu công bằng. Chẳng hạn, NCTN phạm hai tội nhẹ hơn nhưng mức tổng hợp hình phạt lại cao hơn NCTN phạm hai tội nặng hơn. Quy định tại dự thảo đã khắc phục được sự thiếu công bằng nêu trên.

Về mức tổng hợp hình phạt chung, dự thảo đề xuất chỉnh lý theo hướng không quá 12 năm tù với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và không quá 18 năm tù với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Mức tổng hợp hình phạt áp dụng thống nhất với mọi tội phạm, mà không chỉ áp dụng với năm tội giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi và sản xuất trái phép chất ma túy.

Theo bà Lê Thị Nga, quy định như vậy vừa bảo đảm phân hóa được chính sách xử lý giữa NCTN phạm một tội với NCTN phạm nhiều tội; vừa không tăng nặng trách nhiệm xử lý so với quy định của BLHS; vừa khắc phục được bất cập trong quy định của BLHS về tổng hợp hình phạt; vừa không phát sinh những mâu thuẫn mới trong tổng hợp hình phạt.

Ngoài hình phạt tù có thời hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay dự thảo luật tiếp tục kế thừa quy định của BLHS về ba loại hình phạt khác, gồm cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ.

Quy định này nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của từng hành vi phạm tội, đồng thời thể chế hóa Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị “giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ...”.

“Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng nội dung quy định của từng loại hình phạt trên để vừa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm vừa đề cao tính nhân văn, hướng thiện trong xử lý NCTN phạm tội” - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm