Bộ Công an đề xuất giám sát điện tử đối với người chấp hành án ngoài xã hội

(PLO)- Bộ Công an đang đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), trong đó bổ sung quy định về giám sát điện tử đối với người chấp hành án tại cộng đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công an đang đề xuất sửa Luật Thi hành án hình sự. Theo dự kiến, Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025).

Bộ Công an
Luật Thi hành án hình sự được Quốc hội thông qua năm 2019 nay có nhiều vướng mắc, bất cập

Sửa đổi để tháo gỡ vướng mắc

Theo Bộ Công an, qua 4 năm triển khai, Luật Thi hành án hình sự (2019) bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Các quy định về thực hiện chế độ của phạm nhân, đội phạm nhân còn thiếu, chưa có quy định về khen thưởng, thời gian thăm gặp thân nhân, chưa có quy định về việc cho phép phạm nhân thực hiện liên lạc với thân nhân bằng cuộc gọi có hình ảnh…

Chưa có quy định về trách nhiệm của UBND cấp xã, đơn vị quân đội trong quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; chưa có quy định về việc xếp loại chấp hành án phạt tù theo tháng đối với phạm nhân.

Luật hiện hành cũng chưa có quy định về việc tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam. Việc này hiện đang thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 54/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam...

Ngoài ra, một số quy định của Luật chưa đồng bộ với luật chuyên ngành.

Từ những cơ sở nêu trên, Bộ Công an cho rằng việc xây dựng Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) là cần thiết nhằm tiếp tục nâng cao, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án hình sự, phù hợp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Về cơ bản, phạm vi điều chỉnh và đối tượng của Dự thảo Luật giữ nguyên so với Luật hiện hành. Những nội dung được đề nghị sửa đổi tập trung vào việc quy định thực hiện giám sát điện tử đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, hoàn thiện quy định về cơ sở giam giữ và bổ sung, sửa đổi các quy định khác còn vướng mắc, bất cập.

Gần 70.000 người chấp hành án tại cộng đồng

Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách của Bộ Công an, ngành công an đang thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục 10 loại đối tượng chấp hành án hình sự tại cộng đồng, phân thành 3 nhóm.

Thứ nhất là những người chấp hành án hình sự tại địa phương gồm: án treo, cải tạo không giam giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Thứ hai, người bị kết án phạt tù còn ngoài xã hội, gồm người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại (bản án đã có hiệu lực pháp luật), người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Thứ ba, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Hiện nay, lực lượng Công an trên toàn quốc hiện đang quản lý 69.523 người chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Trong đó có 63.691 người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn, 4.595 người bị kết án tù còn ngoài xã hội và 1.237 người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

So với thời điểm Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có hiệu lực thi hành (từ 1-1-2020) tăng thêm gần 20.000 người, tương ứng 40%. Số người chấp hành án hình sự tại cộng đồng tăng cao, số người chấp hành án bỏ trốn lớn, số người chấp hành án phạm tội mới tăng thêm dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.

Chưa kể, với chủ trương “giảm hình phạt tù, tăng hình phạt ngoài cộng đồng”, số người chấp hành án hình sự tại cộng đồng sẽ ngày càng tăng.

Do đó, Bộ Công an cho rằng cần đặt ra yêu cầu đổi mới công tác quản lý, giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục thay cho phương pháp thủ công truyền thống là rất cần thiết.

Đề xuất xây dựng Trung tâm giám sát điện tử

Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định giám sát điện tử đối với người chấp hành án tại cộng đồng. Các đối tượng áp dụng bao gồm người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, án treo, cải tạo không giam giữ, phạt cấm đi khỏi nơi cư trú, phạt quản chế trong trường hợp những người này đã vi phạm 1 lần nghĩa vụ của người chấp hành án theo quy định.

Đồng thời, quy định trình tự, thủ tục, điều kiện, phương thức áp dụng, hình thức thực hiện phương pháp giám sát này; cơ quan có thẩm quyền quyết định giám sát điện tử đối với người chấp hành án tại cộng đồng; tổ chức thực hiện và quản lý.

Quy định về vị trí pháp lý của Trung tâm giám sát điện tử, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này trong việc giám sát điện tử, máy chủ trung tâm, đường truyền kết nối, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Tuy nhiên, giải pháp này sẽ làm phát sinh chi phí Ngân sách Nhà nước. Bộ Công an dự kiến kinh phí ban đầu khoảng 656 tỉ đồng.

Trong đó, chi phí xây dựng Trung tâm giám sát điện tử cấp bộ khoảng 313 tỉ đồng, Trung tâm giám sát điện tử cấp tỉnh, huyện khoảng 48 tỉ đồng. Chi phí trang bị ban đầu thiết bị giám sát điện tử dự kiến khoảng 294 tỉ đồng

Dự kiến tổng kinh phí duy trì hàng năm là hơn 95 tỉ đồng. Ngoài ra, còn phát sinh thêm chi phí sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản hướng dẫn; chi phí tổ chức triển khai thi hành Luật...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm