Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản đề nghị với UBND TP.HCM về việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo bảng giá đất điều chỉnh trên địa bàn TP.
Cụ thể, Hiệp hội đề nghị sửa đổi dự thảo bảng giá đất áp dụng từ ngày 1-8-2024 đến ngày 31-12-2024 thành dự thảo Quyết định điều chỉnh quyết định số 02/2020 của UBND TP.HCM quy định về bảng giá đất trên địa bàn TP áp dụng từ ngày 1-8-2024 đến ngày 31-12-2025.
Theo HoREA, việc sửa đổi dự thảo bảng giá đất áp dụng đến hết năm 2025 sẽ thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TP.HCM. Đó là sớm tháo gỡ ách tắc trong công tác tính tiền sử dụng đất đối với hồ sơ của các hộ gia đình, cá nhân xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ, sổ hồng) và tạo điều kiện thực hiện các trường hợp áp dụng Bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai.
Hiệp hội đề nghị xây dựng các mức giá đất trong Dự thảo bảng giá đất điều chỉnh trên cơ sở tích hợp và điều chỉnh trong trường hợp cần thiết các mức giá đất của Bảng giá đất theo Quyết định số 02/2020 của UBND TP.HCM.
Đồng thời bổ sung giá đất của 570 tuyến đường mới vào bảng giá đất vì 570 tuyến đường mới này chưa có trong bảng giá đất hiện hành.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đề nghị dự thảo bảng giá đất áp dụng từ 1-8-2024 đến hết năm 2025 cần áp dụng cách tính tích hợp các hệ số điều chỉnh giá đất theo quy định tại các Quyết định số 56/2023 và Quyết định số 11/2024 của UBND TP.HCM, để tính tiền sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình xin cấp sổ đỏ, sổ hồng.
Cách tính tiền sử dụng đất sẽ tương đương như cách tính tiền sử dụng đất đã áp dụng từ ngày 1-1-2024 đến ngày 31-7-2024 để cho người dân TP.HCM yên tâm. Và cũng là cơ sở để áp dụng bảng giá đất đối với các trường hợp theo quy định của Luật Đất đai.
Lấy ví dụ trường hợp ông C làm hồ sơ xin tách thửa 1.000 m2 đất nông nghiệp liền kề với thửa đất có nhà ở của ông, đồng thời xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành 5 thửa đất ở, mỗi thửa có diện tích 200 m2 để chia cho các con.
Phần diện tích 1.000 m2 đất nông nghiệp này nằm tiếp giáp đường Nguyễn Văn Linh thuộc khu dân cư ổn định tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Nếu phải tính tiền sử dụng đất theo Dự thảo bảng giá đất đối với trường hợp đất nông nghiệp tiếp giáp đường Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh có giá là 3,2 triệu đồng/m2 (vị trí 1) và giá đất đường Nguyễn Văn Linh là 65 triệu đồng/m2 thì ông C sẽ phải nộp tiền sử dụng đất lên tới 61,8 tỉ đồng.
Tiền sử dụng đất tính theo công thức sau:
Tiền sử dụng đất phải nộp = 1.000 m2 x (65 triệu đồng/m2 - 3,2 triệu đồng/m2) = 61,8 tỉ đồng
Nếu tính tiền sử dụng đất theo bảng giá đất quy định tại quyết định số 02/2020 và hệ số điều chỉnh giá đất là 3.3 lần đối với Khu vực II quy định tại Quyết định 56/2023 thì ông C phải nộp tiền sử dụng đất gần 22 tỉ đồng tính theo công thức sau đây:
Tiền sử dụng đất phải nộp = 1.000 m2 x (6,8 triệu đồng/m2 - 0,2 triệu đồng/m2) x 3.3 = 21,7 tỉ đồng
Như vậy, số tiền sử dụng đất mà ông C phải nộp theo dự thảo bảng giá đất của Sở TN&MT TP.HCM lấy ý kiến góp ý là 61,8 tỉ đồng sẽ tăng 2,83 lần so với số tiền sử dụng đất là 21,78 tỉ đồng phải nộp theo Quyết định 02/2020 và Quyết định 56/2023 của UBND TP.HCM.
Nếu đặt câu hỏi cho các trường hợp của ông C (trên đây) được đề nghị lựa chọn số tiền sử dụng đất phải nộp theo cách tính nào, thì chắc chắn là ông C sẽ đề nghị lựa chọn số tiền sử dụng đất phải nộp theo cách tính tích hợp Quyết định 02/2020 và Quyết định 56/2023 để phù hợp với khả năng tài chính của nhiều cá nhân, hộ gia đình hơn.
“Đồng thời trong thời gian này, đề nghị Sở TN&MT tập trung xây dựng Bảng giá đất lần đầu áp dụng kể từ ngày 1-1-2026 theo quy định tại khoản 3 Điều 159 Luật Đất đai 2024” – HoREA kiến nghị.