Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo (lần hai) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 49/2016 quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (BOT).
Bỏ nhiều nội dung
Điểm đáng chú ý của dự thảo lần hai là quy định: Đối với quốc lộ, trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án và có ý kiến thống nhất của các cơ quan địa phương (HĐND, UBND).
Như vậy, so với dự thảo lần trước thì lần này bỏ lấy ý kiến của Hiệp hội Vận tải ô tô và ý kiến của nhân dân địa phương.
Nguyên nhân bỏ là trước đó Bộ Tài chính có ý kiến cần cân nhắc sự cần thiết khi đưa thêm tiêu chí “lấy ý kiến của nhân dân địa phương”. Trường hợp nếu đưa tiêu chí lấy ý kiến tham gia của nhân dân địa phương phải xây dựng thêm tiêu chí định lượng tỉ lệ thống nhất/không thống nhất để có cơ sở thực hiện.
“Bộ GTVT tiếp thu ý kiến trên và bỏ nội dung lấy ý kiến của người dân địa phương do đã lấy ý kiến của HĐND và bỏ nội dung lấy ý kiến của Hiệp hội Vận tải ô tô” - đại diện Bộ GTVT cho biết.
Dự thảo lần này cũng bỏ quy định khoảng cách giữa hai trạm thu giá ở trên cùng một tuyến đường phải đảm bảo cự ly tối thiểu là 70 km trừ những trạm thu giá hoàn vốn cho các dự án cầu đường bộ, hầm đường bộ.
Nguyên nhân bỏ quy định này được Bộ GTVT giải thích là tiếp thu các ý kiến cho rằng việc quy định khoảng cách gặp khó khăn vì có thể rơi vào khu vực dân cư đông, chưa rõ cơ sở khoa học để đưa ra quy định, không phù hợp với các thông tư hiện hành…
Tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng thực hiện thu phí kín. Ảnh: VIẾT LONG
Không nên cứng nhắc
Liên quan đến việc bỏ lấy ý kiến người dân và hiệp hội vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng việc đầu tư các dự án BOT thời gian tới phải thực hiện theo đúng quy định. Cụ thể, các dự án BOT phải đầu tư mới hoàn toàn và thu phí kín (theo km), không được cải tạo nâng cấp đường độc đạo rồi bắt dân đóng tiền…
“Còn việc lấy ý kiến quá nhiều vừa kéo dài thời gian thực hiện dự án, tốn kém kinh phí. Chúng ta cũng không nên dân chủ hình thức, chỉ cần thực hiện đúng các quy định trên” - ông Thanh nói.
Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng những phản ứng của người dân thời gian qua là do một số dự án BOT làm trên đường độc đạo, cải tạo đường cũ, dân không có quyền lựa chọn, thu phí kiểu cào bằng, thậm chí không sử dụng dịch vụ cũng đóng phí. Nhưng nếu làm đường mới hoàn toàn như cao tốc Bắc-Nam thì không cần hỏi ý kiến.
“Theo đó, ai muốn đi vào đường tốt thì trả tiền, đi bao nhiêu thu phí bấy nhiêu, còn không thích trả phí có thể lựa chọn tuyến đường khác. Như vậy chắc chắn không người dân nào ý kiến cả” - ông Thanh nhấn mạnh.
Đối với quy định khoảng cách giữa hai trạm thu giá trên cùng một tuyến đường phải đảm bảo cự ly tối thiểu là 70 km, ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định cần xem xét và không nên cứng nhắc. “Ví dụ đường cao tốc, chưa đến 70 km nhưng chỉ có một lối ra thu phí, vậy cấm đặt trạm thì không được” - ông Thanh nêu ý kiến.
Còn theo đại diện Bộ Tài chính, quy định khoảng cách như trên chỉ phù hợp với các dự án áp dụng phương pháp thu hở (không theo km) song không phù hợp với các dự án thu kín (theo km) theo quy định của Thông tư số 35/2016 của bộ này.
Dự thảo lần hai quy định vị trí trạm thu giá phải được xác định trong thời gian lập dự án BOT. Bên cạnh đó, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan (Nhà nước, nhà đầu tư, người dân địa phương), đồng thời phải thuận lợi cho việc thu giá, đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án BOT. Trong đó, đối với đường địa phương, trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ GTVT. |