Đề xuất chế độ thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện

(PLO)- Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung chế độ thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện, đồng thời khuyến khích người về hưu đóng tiếp vào Quỹ hưu trí.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan về dự án Luật BHXH (sửa đổi). Điểm đáng chú ý ở dự thảo mới nhất lần này là việc cơ quan soạn thảo bổ sung chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, họ sẽ được hưởng ba chế độ là lương hưu, thai sản và tử tuất.

Chế độ thai sản do Nhà nước đảm bảo

Dự luật quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản là người lao động (NLĐ) phải đóng BHXH tự nguyện từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Mức hưởng chế độ thai sản là 2 triệu đồng cho một con mới sinh, nguồn chi do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH tự nguyện mà bị tử vong sau khi sinh con, cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng sẽ được hưởng trợ cấp thai sản. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH tự nguyện đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng chế độ thai sản 2 triệu đồng.

Nhân viên BHXH Việt Nam tuyên truyền người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: V.LONG
Nhân viên BHXH Việt Nam tuyên truyền người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: V.LONG

Lãnh đạo BHXH một địa phương thừa nhận số người tham gia BHXH tự nguyện hiện còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng. Nguyên nhân một phần do việc tăng mức thu nhập theo chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn từ 700.000 lên 1,5 triệu đồng/tháng đã tác động rất lớn đến số người tham gia BHXH tự nguyện do mức đóng tăng gấp đôi so với năm 2021.

Song song đó phải thừa nhận chính sách BHXH tự nguyện không hấp dẫn khi chỉ có hai chính sách là lương hưu và tử tuất. Do đó, khi đi vận động người dân cũng rất khó bởi các loại hình bảo hiểm khác đều có những chế độ hấp dẫn hơn. “Với việc đưa thêm chế độ thai sản tôi cho là phù hợp và hấp dẫn người dân tham gia, từ đó tăng tỉ lệ bao phủ BHXH…” - vị này nhận định.

Nên thay đổi thời hạn nhận BHXH một lần

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất khuyến khích NLĐ tham gia BHXH khi về hưu. Theo đó, người đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà tiếp tục đóng BHXH thì khi tính mức lương hưu hằng tháng, mỗi năm đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu là 2,5%, mức tối đa bằng 75%,

Trường hợp NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu mà tiếp tục đóng BHXH thì khi tính mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, mỗi năm đóng BHXH sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng hai tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Nếu quy định này được thông qua, NLĐ nếu nghỉ hưu chưa được mức lương hưu tối đa 75% mà đóng tiếp sẽ có tỉ lệ cộng tương ứng là 2,5% mỗi năm thay vì mức cộng bình thường là 2%. Đồng thời mức hưởng trợ cấp một lần cũng cao hơn gấp đôi. Tuy nhiên, một chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho rằng quy định này thiếu cơ sở khoa học, không khả thi, gây bất bình đẳng giữa các đối tượng thụ hưởng chính sách. Mặt khác, có thể làm giảm cơ hội việc làm đối với NLĐ trẻ.

Về điều kiện nhận BHXH một lần, Bộ LĐ-TB&XH giữ nguyên quy định NLĐ phải chờ đủ một năm kể từ ngày nghỉ việc hoặc không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Nhưng vừa qua BHXH Việt Nam đề xuất nên bỏ quy định này. Thực tiễn cho thấy việc đưa ra rào cản phải chờ một năm là không có tác dụng và cũng do phải chờ một năm nên phát sinh tình trạng thu gom sổ BHXH dưới hình thức ủy quyền nhận BHXH một lần, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, gây mất trật tự, an toàn xã hội khi phát sinh tranh chấp.

Ủng hộ bổ sung chế độ thai sản với người tham gia BHXH tự nguyện

Tôi đã nghỉ việc sau chín năm làm kế toán cho một trường tiểu học, đang có ý định rút BHXH một lần. Nếu đề xuất này được thông qua, tôi chắc chắn sẽ tham gia BHXH tự nguyện.

Chị NGUYỄN THỊ HẰNG, huyện Chương Mỹ, Hà Nội

Sau hai năm tham gia BHXH tự nguyện, cũng đồng tình với đề xuất này, tuy nhiên mức hỗ trợ cần điều chỉnh phù hợp với từng vùng, miền. Có thể ở nông thôn mức hỗ trợ là 2 triệu đồng, khu vực thành thị nên ở mức 4-5 triệu đồng sẽ hấp dẫn và hợp lý hơn. Tất nhiên là từ không có đồng nào đến việc Nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng cũng là tốt nhưng tôi vẫn kỳ vọng ở mức cao hơn.

Chị NGUYỄN THỊ THÚY, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Thêm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất thêm một số nhóm người lao động tham gia BHXH bắt buộc, bên cạnh nhóm người lao động có hợp đồng từ một tháng trở lên hiện hành gồm: Người làm việc không toàn thời gian (làm theo giờ) nhưng có tiền lương tháng bằng mức tiền lương tối thiểu tính đóng BHXH trở lên (từ 2 triệu đồng/tháng trở lên); chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã không hưởng lương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm