Ngày 7-10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ) tiếp tục gửi văn bản đến Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan về đề xuất đưa quy định giảm thời gian làm việc trong tuần từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và tăng ba ngày lễ trong năm vào Bộ luật Lao động để xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (diễn ra vào cuối tháng 10 này).
“NLĐ còn có gia đình, không thể vắt kiệt sức”
Theo TLĐ, kết quả khảo sát 154 nước và vùng lãnh thổ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường trong tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên), cùng với khoảng hơn 40 nước khác nhưng thu nhập đứng cuối bảng các nước được khảo sát.
Bên cạnh đó, qua điều tra đời sống công nhân lao động của Viện Công nhân và Công đoàn (TLĐ) và của các tổ chức khác, cho thấy làm việc kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động (NLĐ). Cụ thể, mất cơ hội tìm bạn đời, thể hiện tình cảm, quan tâm chăm sóc giữa vợ chồng đến thực hiện trách nhiệm chăm sóc con cái…
“Trong khi đó, qua khảo sát tại bảy doanh nghiệp ở Việt Nam đang duy trì chế độ làm việc 40-44 giờ/tuần, chúng tôi thấy rằng năng suất và hiệu quả lao động không bị ảnh hưởng, có ba doanh nghiệp năng suất còn cao hơn, NLĐ gắn bó và tin tưởng hơn với doanh nghiệp…” - đại diện TLĐ nhận định.
Giảm giờ làm theo TLĐ sẽ đảm bảo hài hòa với các yếu tố sức khỏe, xã hội, góp phần tăng thu nhập, việc làm cho NLĐ, tạo điều kiện để họ có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, hướng tới việc làm bền vững.
“Nếu tiếp tục duy trì cạnh tranh bằng khai thác nguồn nhân công giá rẻ và kéo dài thời gian làm việc, NLĐ sẽ tiếp tục bị vắt kiệt sức lực với mức lương không đủ sống. Không chỉ dừng ở thế hệ họ mà còn ảnh hưởng đến hàng chục triệu thế hệ con cháu họ sau này khi lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn về dinh dưỡng và giáo dục…” - TLĐ nêu quan điểm.
Tổng Liên đoàn cho rằng người lao động cần có thời gian nghỉ ngơi như khu vực hành chính. Ảnh: V.LONG
Từ đó đơn vị này đề xuất thời giờ làm việc bình thường của NLĐ phải giảm từ “48 giờ/tuần” xuống “44 giờ/tuần”. Với đề xuất này, NLĐ sẽ có thêm ngày nghỉ thứ Bảy.
TLĐ cũng tiếp tục đề xuất tăng thêm ba ngày nghỉ trong năm. Cụ thể, phương án một nghỉ Quốc khánh bốn ngày từ ngày 2 đến 5-9 hằng năm (tăng thêm ba ngày so với quy định hiện hành). Phương án này ngoài mang lại lợi ích chung cho mọi người, còn giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, bố mẹ đưa con đến trường trong ngày khai giảng năm học.
Phương án hai, nghỉ một ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 và hai ngày thêm vào ngày nghỉ tết dương lịch.
Nguyên nhân, hiện nay số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực (Campuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonesia là 16 ngày; Malaysia là 13 ngày; Myanmar là 21 ngày…).
“Việc tăng thêm ba ngày nghỉ lễ giúp cho NLĐ có thêm một số ngày nghỉ trong năm để NLĐ được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển…”. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam |
Năm lý do tăng tuổi hưu
Cũng liên quan đến Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó nhấn mạnh đến năm lý do điều chỉnh tăng tuổi hưu và đưa quy định tuổi hưu vào Bộ luật Lao động (nam từ 60 lên 62 tuổi, nữ từ 55 lên 60 tuổi) thay vì điều chỉnh trong Luật Công chức, viên chức...
Thứ nhất, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định việc tăng tuổi hưu từ năm 2021 là thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Trong thị trường lao động, việc dịch chuyển từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài nhà nước và ngược lại diễn ra phổ biến. Xu hướng chung của các nước là tiến tới bỏ chế độ công chức, viên chức suốt đời, vì vậy việc quy định tuổi nghỉ hưu cần được thống nhất trong Bộ luật Lao động.
Thứ hai, Bộ luật Lao động là luật gốc điều chỉnh mọi vấn đề về lao động, việc làm, trong đó có vấn đề tuổi nghỉ hưu. Do đó, vấn đề tuổi nghỉ hưu cần được quy định trong Bộ luật Lao động làm cơ sở cho việc dẫn chiếu áp dụng cho các nhóm lao động trong các luật chuyên ngành.
Thứ ba, quan hệ bảo hiểm xã hội là quan hệ giữa quỹ bảo hiểm xã hội và người tham gia bảo hiểm xã hội với các quy định về mức đóng, thời gian đóng, mức hưởng, độ tuổi hưởng chế độ hưu trí mà không phân biệt người tham gia bảo hiểm xã hội làm việc ngành nghề, khu vực nào. Pháp luật các nước đều quy định tuổi hưởng chế độ hưu trí trong cùng một luật mà không quy định trong các luật khác nhau.
Thứ tư, theo thông lệ quốc tế cho thấy không có nước nào quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau giữa khu vực hành chính sự nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp.
Thứ năm, mục tiêu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là nhằm mở rộng độ tuổi lao động để thích ứng với quá trình già hóa dân số và nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai gần.
Liên quan đến giờ làm việc trong tuần, tại cuộc họp gần đây của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh Đắk Lắk, cho rằng hiện nay khu vực hành chính làm việc 40 giờ/tuần, còn khu vực doanh nghiệp làm việc 48 giờ/tuần là bất bình đẳng. Không thể để khu vực doanh nghiệp làm việc quần quật còn khu vực hành chính nhàn nhã. Theo đó, ông nhất trí với đề xuất của TLĐ là giảm giờ làm việc khu vực doanh nghiệp xuống 44 giờ/tuần. |