Đề xuất cơ chế đặc thù mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Ngày 11-12, tại buổi tọa đàm về hàng không Việt Nam cơ hội và thách thức do Bộ GTVT tổ chức, nhiều vấn đề nóng của ngành hàng không đã được đặt ra. Tại đây, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đã nói rằng ACV nhận thức rõ không được phép để thị trường chạy theo năng lực, mà năng lực phải đi trước nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tăng trưởng nóng nhưng trong tầm kiểm soát

Theo ông Lại Xuân Thanh, hàng không phát triển nóng càng tốt, bởi đó là minh chứng cho kinh tế phát triển, xã hội ổn định. Tuy nhiên, phát triển nóng mà nhân lực yếu sẽ ảnh hưởng đến an toàn và cung cấp dịch vụ. Dẫn chứng, ông Thanh cho biết năm qua các hãng bay ồ ạt dừng vào sân bay Tân Sơn Nhất bởi vì không có slot (giờ cất, hạ cánh). Năng lực để cấp cho các hãng bay thêm ở Tân Sơn Nhất chỉ tăng 2%-3% và tăng trưởng chỉ khoảng 5%.

“Không phải các hãng không có nhu cầu bay vào mà vì vấn đề an toàn. Nhà ga chịu khó một chút không sao. Bà con chật chội một chút, chất lượng dịch vụ xuống cũng có thể khắc phục. Nhưng kẹt là ở khu bay, vì nằm trong kiểm soát an ninh, an toàn nên không có cách nào khác để tăng. Rất tiếc vì Tân Sơn Nhất không thể nóng hơn được nữa vì vấn đề hạ tầng, vấn đề kiểm soát an toàn khai thác…” - ông Thanh nhìn nhận.

Trong khi đó, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không, cho rằng các sân bay hiện nay năng lực khai thác vẫn đảm bảo và tiếp tục phát triển. Về sân bay Tân Sơn Nhất, để khắc phục vấn đề hạ tầng, thời gian qua ngành đã áp dụng rất nhiều giải pháp công nghệ. 3-4 năm trước, năng lực Tân Sơn Nhất chỉ khoảng 36 chuyến/giờ, hiện tăng lên 44 chuyến. “Tôi khẳng định năng lực điều hành bay trên trời đang đảm bảo 54 chuyến. Vừa rồi chúng ta tính đến chuyện tăng năng lực Tân Sơn Nhất lên 46 chuyến…” - ông Thắng khẳng định.

Bên cạnh đó Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong tháng 12 này, Tân Sơn Nhất và Nội Bài sẽ ra đời hai trung tâm điều hành sân bay nhằm tạo lập một quy trình để nâng cao và sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Trước hạn chế của hạ tầng, các chuyên gia cho rằng cần áp dụng công nghệ để tăng các chuyến bay đến sân bay. Ảnh: V.LONG

Vì sao ba năm Tân Sơn Nhất chưa làm được gì?

Liên quan đến hạ tầng hàng không, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng hiện đang tắc nghẽn chủ yếu là ở sân bay Tân Sơn Nhất. “Sân bay này tắc cả trên lẫn dưới. Chúng ta đã có kế hoạch mở rộng cách đây 3-4 năm, sao đến nay chưa làm được gì?” - ông Cung đặt câu hỏi.

Vì vậy ông Cung cho rằng để giải quyết vấn đề sân bay Tân Sơn Nhất được nhanh phải dùng giải pháp phi truyền thống. “Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất tôi nghĩ rất đơn giản. Tài sản ở sân bay hiện nay thuộc ACV quản lý, khai thác thì đơn vị này cứ mở rộng ra, đâu nhất thiết phải đi tìm ông khác. Tài sản ông khai thác lâu này rồi, giờ bảo ông khác vào là vô lý. Chúng ta phải nhìn cách đơn giản để làm chứ vấn đề này bàn quá nhiều rồi…” - ông Cung nói.

Đồng tình, ông Đinh Việt Thắng cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất đang giao ACV quản lý, khai thác nhưng tại sao khi nâng cấp, mở rộng lại đặt vấn đề chọn nhà đầu tư. “Rõ ràng điều này rất bất cập. Để giải quyết, khi sửa đổi Nghị định 102/2015 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, chúng tôi sẽ đưa vào và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thông qua. Chúng tôi cho rằng ngay cả dự án sân bay Long Thành cũng phải có cơ chế đặc thù mới đảm bảo hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025 theo kế hoạch…” - ông Thắng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lại Xuân Thanh thừa nhận rất sốt ruột về hạ tầng hàng không. “Nhà nước sốt ruột, Chính phủ, Bộ GTVT, doanh nghiệp cũng rất sốt ruột. Hãng hàng không sốt ruột về phát triển hạ tầng cảng. Có mỗi “anh cơ chế” cứ đủng đà đủng đỉnh…” - ông Thanh nói và cho rằng để giải quyết nút thắt trên, Luật Hàng không dân dụng phải sửa đổi.

Khi nào khởi công mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất? Trả lời câu hỏi này của PV, ông Đinh Việt Thắng cho biết trước đây dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất chỉ trình lên Bộ GTVT. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư (vừa ban hành - PV), dự án sẽ phải trình Sở KH&ĐT TP để lấy ý kiến. Nếu sở này đồng thuận lại tiếp tục trình Bộ KH&ĐT thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư.

“Hiện việc đầu tư đang mất thời gian vì chúng ta thực hiện quy trình này. Theo tôi biết thì hiện nay Bộ KH&ĐT đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về chủ trương đầu tư cho dự án. Tôi nghĩ sau khi có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ, dự án này sẽ được đẩy nhanh” - ông Thắng cho biết.

Bay thẳng tới Mỹ cần tính hiệu quả

Ông Dương Trí Thành, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, cho rằng từ khi FAA trao chứng chỉ giám sát an toàn hàng không mức 1 cho Cục Hàng không Việt Nam, việc bay tới Mỹ được nhiều người đề cập. Thực tế United Airlines và American Airlines cũng đã bay đến Tân Sơn Nhất, sau đó dừng vì hiệu quả kinh tế thấp. Đối với hãng, trong kế hoạch năm năm, hãng xác định sẽ bay đến Mỹ từ năm 2018, tuy nhiên ngoài lý do phương tiện, kỹ thuật thì vấn đề hiệu quả đường bay cũng cần được cân nhắc.

GS Nawal Taneja, cố vấn cấp cao Trường kinh doanh Fisher, ĐH Ohio (Mỹ), cho rằng không cần đặt vấn đề về năng lực, hiện Vietnam Airlines hoàn toàn có thể thực hiện chuyến bay thẳng. Tuy nhiên cần phải tính toán nhiều vấn đề.

Năm 2012 đến nay công suất thiết kế toàn hệ thống mạng cảng hàng không là 45 triệu khách/năm, đến năm 2019 thành 112 triệu khách/năm. Tuy nhiên, sản lượng hành khách thông qua cảng hàng không năm 2012 là 38 triệu, năm 2019 dự báo khoảng 115,8 triệu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm