Ngày 28-3, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra quyết định cuối cùng về phương án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, Công ty tư vấn ADP-I (Pháp) đề xuất sáu phương án mở rộng Tân Sơn Nhất.
Mở hướng Bắc chi phí lớn
Cụ thể, phương án mở rộng về phía Bắc đạt công suất 70 triệu hành khách/năm, với các công trình chính gồm: Xây dựng đường cất hạ cánh dài 2.600 x 45 m cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ tàu bay đồng bộ; nhà ga hành khách công suất 40 triệu hành khách/năm.
Phương án mở rộng được công ty tư vấn Pháp đề xuất.
Phương án mở rộng về phía Bắc đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, với các công trình chính gồm: Xây dựng nhà ga hành khách công suất 20 triệu hành khách/năm; xây dựng hệ thống đường lăn và sân đỗ tàu bay.
Bốn phương án mở rộng về phía Nam và phía Bắc, với các công trình chính gồm: Xây dựng nhà ga hành khách công suất 20 triệu hành khách/năm phía Nam cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ tàu bay đồng bộ.
Trong đó, đơn vị tư vấn kiến nghị không lựa chọn phương án mở rộng về phía Bắc đạt công suất 70 triệu hành khách/năm vì diện tích giải phóng mặt bằng rất lớn (61,37 ha, chưa bao gồm tĩnh không đầu đường cất hạ cánh khoảng 73,3 ha).
Bên cạnh đó, với phương án này, chi phí xây dựng rất lớn, tiến độ triển khai chậm (khoảng 7-9 năm), tác động môi trường lớn vì dự kiến khu vực ảnh hưởng tiếng ồn được mở rộng gấp gần hai lần so với các phương án khác. Ảnh hưởng về vấn đề môi trường là lâu dài và nghiêm trọng. Phương án này cũng làm giảm năng lực khai thác khu bay, không thuận tiện trong dây chuyền phục vụ hành khách.
Tư vấn cũng kiến nghị không lựa chọn phương án mở rộng về phía Bắc đạt công suất 50 triệu hành khách/năm vì diện tích giải phóng mặt bằng lớn, chi phí xây dựng lớn, tiến độ triển khai chậm (khoảng 5-7 năm). Ngoài ra, việc khai thác dây chuyền hàng không là không thuận lợi, làm giảm năng lực khai thác khu bay.
Trong nhóm các phương án mở rộng sân bay về cả phía Nam và phía Bắc, đơn vị tư vấn kiến nghị lựa chọn phương án mở rộng với công suất 50 triệu hành khách/năm.
Theo ADP-I, phương án này sẽ đảm bảo tiến độ xây dựng các hạng mục công trình thiết yếu gồm hệ thống sân đường khu bay và nhà ga hành khách nhanh nhất có thể. Bởi việc xây dựng hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối phần lớn là đất hiện hữu của cảng, vì vậy có thể triển khai được ngay.
Việc xây dựng nhà ga T3 công suất 20 triệu hành khách/năm tại khu phía Nam có thể phân kỳ đầu tư xây dựng theo tiến độ giải phóng mặt bằng. Theo đó, sẽ triển khai xây dựng giai đoạn 1 trên phần đất Bộ Quốc phòng có thể bàn giao được ngay với diện tích khoảng 16,37 ha, tổng thời gian xây dựng 2-3 năm. Giai đoạn 2 sẽ triển khai mở rộng nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay phía Nam, đồng thời mở rộng các công trình dịch vụ sang phía Bắc khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Với phương án này, chi phí xây dựng thấp hơn so với các phương án khác, thuận tiện cho quy trình quản lý điều hành bay, đảm bảo quy trình khai thác kết nối giữa các nhà ga và quy trình cung cấp dịch vụ mặt đất cho các đơn vị.
Khi triển khai phương án này, khu bay sẽ được nâng cấp để đảm bảo có thể khai thác với tần suất 57 lượt cất hạ cánh/giờ, tương đương 50 triệu hành khách/năm.
Khu hàng không dân dụng sẽ tiến hành xây dựng nhà ga hành khách T3 với diện tích sàn khoảng 200.000 m2, đạt công suất 20 triệu hành khách /năm.
Cùng với đó mở rộng nhà ga hàng hóa, hangar, suất ăn, xăng dầu, khu vực tập kết phương tiện mặt đất và các công trình hạ tầng kỹ thuật hàng không đồng bộ đảm bảo nhu cầu khai thác đến năm 2025.
Về kết nối giao thông, sẽ xây dựng tuyến đường nối nhà ga T3 ra đường Trường Chinh, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, xây dựng đường giao thông kết nối giữa các nhà ga T1, T2, T3.
Về tiến độ triển khai và phân kỳ đầu tư (chưa bao gồm thời gian giải phóng mặt bằng), dự kiến giai đoạn 1 sẽ xây dựng các công trình khu bay gồm hoàn thiện lại đường cất hạ cánh 25L, xây mới hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối, đường lăn vòng; xây dựng nhà ga T3, mở rộng sân đỗ tàu bay. Thời gian thi công 2-3 năm.
Trong giai đoạn 1, tư vấn đã tính toán, nghiên cứu xây dựng ngay một phần nhà ga hành khách T3 (công suất đạt khoảng 10-15 triệu hành khách/năm) tại khu vực khoảng 16,37 ha đất quân sự đã được Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao cho Bộ GTVT.
Giai đoạn 2 sẽ mở rộng nhà ga hành khách (công suất đạt 20 triệu hành khách/năm) và sân đỗ tàu bay phía Nam (106 vị trí đỗ). Mở rộng khu nhà ga hàng hóa, khu logistics và các công trình dịch vụ hàng không khác tại khu phía Bắc. Thời gian thi công 1-2 năm khi giải phóng mặt bằng xong.
Triển khai nhanh phương án đã lựa chọn
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, khẳng định nghiên cứu của ADP-I là hoàn toàn độc lập và nghiên cứu trên cơ sở khoa học.
Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định ủng hộ phương án này và Bộ sẽ bàn giao nốt 16 ha còn lại trong 36 ha đất đang quản lý để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Trong khi đó, các thành viên Thường trực Chính phủ cũng ủng hộ phương án chỉ nâng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên 45-50 triệu hành khách chứ không thể là 60-70 triệu. Vì đây vừa là quy hoạch, vừa không có một nước nào có sân bay quá lớn trong lòng thành phố.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt việc thuê tư vấn độc lập để xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học và người dân; đánh giá cao công ty tư vấn đã nghiên cứu một cách khoa học, kỹ lưỡng, bài bản về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo Thủ tướng, các phương án do ADP-I đưa ra đã tính toán tất cả khả năng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Đặc biệt, căn cứ trên các yêu cầu của Chính phủ đặt ra về việc nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, đơn vị tư vấn đã xây dựng được bộ tiêu chí để đánh giá ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, từ đó giúp Thủ tướng có cơ sở để lựa chọn một cách chính xác nhất.
Các tiêu chí này bao gồm tuân thủ các quy định về hàng không, tiết kiệm kinh phí đầu tư, thời gian xây dựng nhanh đáp ứng yêu cầu cấp bách giảm ùn tắc tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất; lưu ý việc kết nối đồng bộ hệ thống giao thông và hạ tầng liên quan trong và ngoài cảng hàng không với các hệ thống chính của thành phố.