Đề xuất công nhận liệt sĩ đối với dân quân bị sát hại khi điều tiết giao thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Anh NTH (SN 2001, ngụ quận Gò Vấp), dân quân tự vệ thuộc Phường đội phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM bị dâm tử vong trong lúc làm nhiệm vụ phân luồng giao thông. Gia cảnh anh NHT thuộc diện khó khăn.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp, cho biết việc anh H phân luồng giao thông là được phân công nhiệm vụ. Công việc này được anh H thực hiện thường xuyên và có sự phối hợp cùng CSGT để điều tiết giao thông trong những giờ cao điểm.

“Gia đình anh H. cũng khó khăn, không có nhà, phải đi thuê nhà trọ để ở. Sau khi vụ việc xảy ra, các cơ quan ban ngành đã hỗ trợ gia đình cùng lo đám tang cho anh H. Hiện các bộ phận chính sách đang có những đề xuất chế độ đối với anh H theo đúng quy định”- ông Dũng.

Một lãnh đạo UBND quận Gò Vấp thông tin: Sáng ngày 5-4 quận đã có cuộc họp giao cho Ban Chỉ huy quân sự quận, Phòng LĐ-TB&XH để thực hiện các thủ tục chính sách trình lên TP theo hướng đề xuất trao tặng bằng khen, công nhận liệt sĩ đối với trường hợp của anh H vì đã tử vong khi đang thi hành nhiệm vụ.

Công an khám nghiệm hiện trường, điều tra.Ảnh: NGUYỄN TÂN

Việc anh dân quân tử vong trong lúc đang thi hành nhiệm vụ có được công nhận là liệt sĩ không? Đây cũng là câu hỏi thắc mắc của nhiều bạn đọc.

Về vấn đề này, Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: Căn cứ khoản 1 điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2021) quy định người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận là liệt sĩ khi thuộc một trong một số trường hợp. Trong đó có trường hợp dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm... 

Căn cứ điều 15 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, chế độ đối với liệt sĩ, bao gồm: Tổ chức báo tử, truy điệu, an táng và ghi danh tại công trình ghi công liệt sĩ; truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" theo quy định của Chính phủ; hài cốt liệt sĩ được tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính và an táng; liệt sĩ không còn thân nhân hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định thì người được giao, ủy quyền thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.

 

Người đâm anh dân quân có thể chịu mức án tử hình

Ngày 5-4, Công an quận Gò Vấp, TP.HCM lập hồ sơ, lấy lời khai với người đàn ông tên Tuấn (khoảng 50 tuổi, tạm trú quận 12, TP.HCM) để điều tra về hành vi giết người.

Trước đó, chiều ngày 4-4, anh H làm nhiệm vụ phân luồng giao thông trước Trường THCS Phạm Văn Chiêu (giáp ranh giữa phường 8 và phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM).

Lúc này, trời mưa, đường kẹt xe. Anh H đứng phân luồng giao thông thì phát hiện ông Tuấn chạy xe ngược chiều nên yêu cầu đi đúng làn đường, tránh gây kẹt thêm.

Ông Tuấn không chấp hành khiến hai bên nảy sinh mâu thuẫn, cự cãi. Trong lúc hỗn loạn, ông Tuấn rút dao đâm nhiều nhát khiến anh H tử vong. Sau khi gây án, ông Tuấn đã rời khỏi hiện trường.

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: Hành vi của ông Tuấn có thể được xem là hành vi giết người được quy định tại Điều 123 Bộ Luật Hình sự.

Cụ thể, tại khoản 1 điều 123 Bộ Luật Hình sự quy định người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết 02 người trở lên; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;….

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm