Đề xuất doanh nghiệp được tự dán phù hiệu, biển hiệu ô tô

Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng ô tô. Theo Bộ GTVT, việc sửa nghị định sau chưa đầy hai năm ban hành là do một số nội dung chưa phù hợp với hoạt động của đơn vị KDVT và công tác quản lý của các cơ quan, đơn vị.

Để các sở GTVT dán phù hiệu, biển hiệu là chưa phù hợp

Theo ban soạn thảo, tại điểm a khoản 9 Điều 22 Nghị định 10 quy định các sở GTVT phải trực tiếp thực hiện dán phù hiệu, biển hiệu lên phương tiện KDVT được cấp. Nội dung này trong hơn một năm triển khai đã gây khó khăn cho cả cơ quan thực hiện và đơn vị KDVT.

Bộ GTVT đề xuất doanh nghiệp tự dán phù hiệu, biển hiệu lên ô tô và
chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ảnh: ĐÀO TRANG

Đặc biệt là đối với các tỉnh, thành có số lượng phương tiện nhiều như TP Hà Nội, TP.HCM hay những tỉnh có địa bàn rộng và vùng sâu, vùng xa, hải đảo như Thanh Hóa, Yên Bái, Hà Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang… thì việc giao Sở GTVT trực tiếp dán phù hiệu, biển hiệu lên phương tiện là khó khả thi và khó khăn cho đơn vị KDVT…

Ngoài ra, ban soạn thảo cho rằng Bộ Công an đã thực hiện phân tách giữa phương tiện KDVT và phương tiện cá nhân bằng màu biển số; tem đăng kiểm cũng đã phân biệt màu của tem đăng kiểm đối với phương tiện KDVT; phù hiệu, biển hiệu chỉ đảm bảo để phân định từng loại hình KDVT để lực lượng chức năng đối chiếu khi xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh. Do đó, việc Sở GTVT phải thực hiện dán trực tiếp lên phương tiện hiện không còn phù hợp.

Theo đó, Bộ GTVT đề xuất dự thảo nghị định chỉ quy định trách nhiệm của Sở GTVT là cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định; còn việc dán phù hiệu, biển hiệu lên ô tô nên giao cho đơn vị KDVT chịu trách nhiệm.

Chưa thể bỏ ngay việc đăng ký cấp phù hiệu, biển hiệu

Đồng tình với đề xuất trên của Bộ GTVT nhưng đại diện Bộ Tư pháp còn muốn bỏ luôn việc đăng ký với Sở GTVT để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Vì quy định như hiện nay có thể tạo cơ chế xin - cho, tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp. “Nghị định 10 đã quy định doanh nghiệp phải có phù hiệu, biển hiệu đối với xe KDVT, do đó cơ quan quản lý chỉ nên quy định mẫu phù hiệu và giao cho các đơn vị KDVT chịu trách nhiệm lắp phù hiệu, biển hiệu theo đúng quy định…” - Bộ Tư pháp nêu ý kiến.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng việc cấp phù hiệu để phân định phương tiện tham gia KDVT phải đúng với từng loại hình (xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe tuyến cố định), qua đó kiểm soát việc đáp ứng thực hiện đúng các điều kiện đối với từng loại hình KDVT. Do đó, Sở GTVT cấp phù hiệu, biển hiệu là cần thiết và đã được quy định thực hiện từ năm 2008 cho đến nay...

Cạnh đó, cơ quan soạn thảo cho rằng thủ tục cấp phù hiệu, biển hiệu đã thực hiện cấp độ 3, cấp độ 4 và tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị KDVT bằng ô tô nên không tồn tại cơ chế xin - cho trong việc thực hiện. Vì vậy, sửa việc giao Sở GTVT chủ động tổ chức thực hiện và không bắt buộc Sở GTVT phải dán trực tiếp là phù hợp.

“Về lâu dài, khi Luật Giao thông đường bộ 2008 sửa đổi được ban hành thì sẽ thực hiện quản lý toàn bộ thông qua ứng dụng công nghệ, ngoài ra nội dung này cũng đang được các bộ, ngành từng bước triển khai thực hiện...” - Bộ GTVT lý giải thêm.•

Không lùi thời gian lắp camera

Liên quan đến kiến nghị tỉnh Hải Dương về việc sửa đổi Nghị định 10 theo hướng giãn thời gian lắp camera đối với xe KDVT từ chín chỗ ngồi, Bộ GTVT cho rằng phải giữ nguyên thời gian xử phạt đối với xe không lắp camera (từ năm 2022) theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Vì theo Bộ GTVT, việc áp dụng lắp camera giám sát đã có hiệu quả nhất định và phát huy tác dụng trong việc phòng chống dịch COVID-19, đã hỗ trợ trong việc giám sát hoạt động của người lái xe cũng như hành khách trên xe trong việc truy vết. Mặt khác, quy định này nhằm mục tiêu tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của xe và tài xế trong quá trình KDVT, giám sát một số hành vi của người lái xe, giám sát tình hình an ninh trật tự trên xe nhằm đảm bảo an toàn giao thông. 

 

Điều chỉnh quy định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải

Bộ GTVT cũng đề xuất Thủ tướng sửa một số nội dung khác tại Nghị định 10. Chẳng hạn như việc quy định đơn vị KDVT phải có tài liệu chứng minh đã khắc phục vi phạm sau khi bị tước quyền sử dụng giấy phép KDVT, phù hiệu, biển hiệu xe KDVT nếu như muốn tiếp tục KDVT. Quy định này đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện của đơn vị vận tải cũng như của các sở GTVT.

Vì vậy, dự thảo nghị định sửa đổi theo hướng bỏ quy định đơn vị KDVT phải có tài liệu chứng minh đã khắc phục vi phạm sau khi bị tước quyền sử dụng giấy phép KDVT, phù hiệu, biển hiệu xe KDVT nếu như muốn tiếp tục KDVT.

Đối với việc thu hồi giấy phép KDVT, Bộ GTVT cho rằng cũng cần điều chỉnh làm rõ nội dung cần khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị thu hồi giấy phép KDVT; quy định rõ khi thu hồi giấy phép KDVT thì trong thời gian bao nhiêu lâu đơn vị KDVT phải nộp lại giấy phép KDVT…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm