Đề xuất giảm mức hưởng BHXH một lần: Tiền nào cũng là mồ hôi công sức của người lao động

(PLO)-  Nhiều bạn đọc không đồng tình đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về việc giảm mức nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

PLO ngày 26-10 có đăng bài viết “Đề xuất giảm mức hưởng BHXH một lần, BHXH Việt Nam nói gì ?”. Nội dung bài nêu ý kiến của BHXH Việt Nam đối với đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về việc sửa Luật BHXH, trong đó có phương án giảm mức hưởng của người lao động (NLĐ) nhận BHXH một Lần.

Cụ thể, NLĐ chưa đến tuổi nghỉ hưu, yêu cầu hưởng BHXH một lần thì chỉ được nhận lại phần mình đã trích lương đóng quỹ BHXH, tức trên cơ sở 8% chứ không phải theo giá trị tính trên toàn bộ 22% như trước đây.

Người lao động làm việc ở khu công nghiệp. Ảnh: V.LONG

Người lao động làm việc ở khu công nghiệp. Ảnh: V.LONG

Bài viết đã thu hút được sự quan tâm, bình luận của bạn đọc. Đa số bạn đọc mong mỏi các cơ quan chức năng cần nghiên cứu thật kỹ đề xuất này.

“Phần đóng của chủ sử dụng lao động (14%) thật ra cũng là tiền mồ hôi, công sức của NLĐ tạo ra cho doanh nghiệp, sau khi họ cân đối mức lương. Có ai tự dưng đi đóng bảo hiểm cho người không tạo ra lợi nhuận cho công ty mình không? Không cho NLĐ rút phần tiền công sức của mình là khiên cưỡng!

Nếu chúng ta so sánh với thế giới thì phải thật đầy đủ, toàn diện. Phúc lợi xã hội ta đã đầy đủ như họ chưa, đừng lấy một khía cạnh không đầy đủ so sánh có lợi cho mình. Phải tự nhìn nhận lại tại sao NLĐ phải rút BHXH một lần và khi rút phải chấp nhận thiệt thòi”- bạn đọc Mai nêu ý kiến.

“NLĐ như chúng tôi có ai muốn rút bảo hiểm một lần bao giờ. Nếu không phải hai năm liền vì dịch bệnh chúng tôi có cần đến rút bảo hiểm một lần không ?. Số lượng người rút gia tăng cũng là chuyện bình thường trong tình trạng sống chung với dịch như hiện nay, đặc biệt khi doanh nghiệp suy sụp vì ảnh hưởng từ dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa thì NLĐ họ thất nghiệp nên mới rút BHXH một lần.

Việc rút BHXH một lần cũng là quyền lợi của NLĐ của chúng tôi khi tham gia BHXH. Giờ chúng tôi không còn cách nào khác nên phải rút BHXH 1 lần để có kinh phí xoay xở cho việc riêng và gia đình, con cái của chúng tôi nữa. Tôi tin rằng nếu luật BHXH theo tính toán như trên sẽ không công bằng cho tất cả những NLĐ như chúng tôi.

NLĐ như chúng tôi cũng phải có quyền lợi và tự chọn cho mình một hướng đi riêng. NLĐ như chúng tôi khi tham gia bảo hiểm chỉ còn có một quyền lợi là để hưởng lương hưu hay hưởng một lần là do tất cả người lao động chúng tôi quyết định. Cho dù quyết định đó đúng hay sai thì chúng tôi cũng chấp nhận hết. Vì quyết định là do tất cả NLĐ chúng tôi. Nên hãy trả lại quyền quyết định cho NLĐ chúng tôi...”- bạn đọc Chích Chòe viết.

Trái lại, bạn đọc Thương Ngô cho rằng: “Nhất trí giảm BHXH một lần, nhưng cần cân đối mức hưởng lương hưu để giữ chân người lao động. Như mức hiện nay NLĐ hưởng lương hưu bị giảm khá nhiều, phải đóng 20 năm mới được hưởng 45% lương hưu. Mức nhận lương hưu này cũng rất ít ỏi, sống ở nông thôn cũng khó không nói gì ở thành phố, do đó rất khó giữ chân người tham gia BHXH. Nên cùng với việc giảm thanh toán BHXH một lần phải tăng mức chi trả lương hưu, từ đó NLĐ sẽ tự tin và tham gia nhiều hơn do đảm bảo được cuộc sống khi đã không còn sức lao động…”.

Các cô, dì, chú bác ở trên xin thấu hiểu dùm, không phải NLĐ nào cũng muốn rút BHXH 1 lần. Họ rút vì một lý do nào đó phải nghỉ việc hoặc chuyển đổi công việc không thể tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc. Nên họ chỉ có hai phương án, một là rút BHXH một lần, hai là đóng tiếp để nhận lương hưu.

Nhưng các cô dì chú bác có thấu hiểu không nếu người mới tham gia BHXH có vài năm, hoặc dưới 10 năm, vậy số tiền còn lại để tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện là bao nhiêu nữa và mỗi năm phải đóng bao nhiêu để được hưởng mức lương như chúng ta đang tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi đó nhà nước hỗ trợ chỉ được 33 nghìn đồng 1 tháng. Vậy nếu đóng BHXH với mức lương năm triệu NLĐ mỗi tháng phải đóng trên 1 triệu đồng, tương ứng mỗi năm hơn 12 triệu đồng, và phải đóng bao nhiêu năm cho đến tuổi nghỉ hưu đây.

Nếu nói giảm tiền hưởng BHXH một lần vì người dân rút nhiều quá và nếu lo cho an sinh xã hội thì sao các bác không cho NLĐ nợ BHXH cho đến lúc nhận lương hưu rồi trừ dần…”- bạn đọc Lan Nguyễn góp ý.

“Các bác nên nhớ doanh nghiệp tư nhân họ trả lương trong đó đã trừ BHXH. Nên tiền của doanh nghiệp cũng là tiền của NLĐ, tại sao nói phần đó là của doanh nghiệp. Các bác không nắm được đâu, tôi lấy ví dụ lương một lao động 10 triệu đồng một tháng, nếu đóng BHXH họ chỉ trả 7,6 triệu thôi…”- bạn đọc Đỗ Văn Tuyên nói.

Hai phương án nhận BHXH một lần

Theo quy định hiện hành, NLĐ phải đóng vào quỹ BHXH 8% và người sử dụng lao động là 14% lương hàng tháng. NLĐ tham gia BHXH tối thiểu 20 năm sẽ được nhận lương hưu.

Để giảm tình trạng rút BHXH một lần, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất hai phương án để giảm tình trạng đóng BHXH một lần. Phương án thứ nhất, giữ nguyên quy định hiện hành.

Phương án thứ hai, NLĐ khi hết tuổi lao động nhưng đóng chưa đủ thời gian và không tiếp tục tham gia nếu có yêu cầu nhận BHXH một lần thì được tính trên cả phần đóng góp của NLĐ và người sử dụng lao động (giống quy định hiện nay). Trường hợp khi chưa đến tuổi nghỉ hưu (còn trẻ) mà yêu cầu hưởng BHXH một lần thì NLĐ được nhận toàn bộ phần đóng góp của NLĐ. Phần đóng của người sử dụng lao động vào quỹ hưu trí và tử tuất được sử dụng chung đảm bảo sự bền vững và chia sẻ giữa người hưởng lương hưu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm