Thế nào là 'luật sư phải có bản lĩnh chính trị'?

(PLO)- Dự thảo Luật Luật sư bổ sung tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị đối với luật sư; nhiều đại biểu tại hội thảo bàn luận sôi nổi về đề xuất tiêu chuẩn này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-8, Trường ĐH Luật TP.HCM cùng Đoàn Luật sư TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia Góp ý đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi).

17 năm thi hành

Phát biểu khai mạc, TS Lê Trường Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) nêu rằng Luật Luật sư năm 2006 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2007; được sửa đổi, bổ sung năm 2012) sau hơn 17 năm thi hành đã góp phần tạo hành lang pháp lý cho nghề luật sư, luật sư và tổ chức hành nghề luật sư phát triển nhanh chóng, góp phần vào công cuộc bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức...

Tuy nhiên, trải qua thời gian dài áp dụng, Luật Luật sư cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập; chưa phù hợp với thực tiễn phát triển nghề luật sư. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Luật sư là điều rất cần thiết.

ban-linh-chinh-tri-TS son.jpg
TS Lê Trường Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM). Ảnh: UL

Theo TS Sơn, Trường ĐH Luật TP.HCM là trường đào tạo hàng đầu về luật, Đoàn Luật sư TP.HCM với vị thế quy mô luật sư đứng đầu cả nước; hai đơn vị phối hợp tổ chức hội thảo góp ý đề cương. Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ ký kết hợp tác giữa 2 bên.

TS Sơn hy vọng hội thảo sẽ tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học và các luật sư có thể trao đổi, thảo luận, đề xuất các ý kiến góp ý cho dự kiến đề cương chi tiết Luật Luật sư.

Cần cụ thể về tiêu chuẩn bản lĩnh chính trị

Tại hội thảo, TS-LS Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ TAND Tối cao) nêu một số vấn đề của dự thảo. Về tiêu chuẩn luật sư, dự thảo bổ sung tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị đối với luật sư, theo LS Hoài, cần phải cụ thể hóa nội hàm của "bản lĩnh chính trị" nếu đưa vào luật.

Theo ông Hoài, về chức năng xã hội của luật sư, dự thảo đề nghị điều chỉnh chức năng của luật sư trong việc bảo vệ “các quyền tự do, dân chủ của công dân” thành “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức”. Tuy nhiên lại chưa làm rõ lý do và căn cứ của việc điều chỉnh này.

ban-linh-chinh-tri-LS Hoai.jpg
TS-LS Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: UL

Ông Hoài cho rằng một trong các chức năng xã hội của luật sư chính là sứ mệnh bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân. Nội hàm của nó rộng hơn nhiều so với “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức”, phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Cũng theo ông Hoài, về mô hình quản lý luật sư Việt Nam, cần phải hài hòa giữa nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư...

ban-linh-chinh-tri-chu-tri.jpg
Ban chủ trì hội thảo (từ trái qua phải): Luật sư Hà Hải (Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM), GS-TS Đỗ Văn Đại (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM), Luật sư Nguyễn Văn Trung (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM). Ảnh: YC

LS Nguyễn Thế Phong (Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, kỷ luật - Liên đoàn Luật sư Việt Nam) thì cho rằng bản lĩnh chính trị của một cá nhân là năng lực phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài mới hình thành, thể hiện rõ. Và tiêu chuẩn bản lĩnh chính trị phù hợp với việc đánh giá để cơ cấu nhân sự vào các chức danh lãnh đạo, quản lý ở Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư.

Theo ông Phong, một cá nhân khi gia nhập Đoàn Luật sư để trở thành thành viên với tư cách Luật sư hoặc Luật sư tập sự (như định hướng) thì Đoàn luật sư chỉ cần kiểm tra về văn bằng, chứng chỉ và xác nhận của chính quyền địa phương về việc chấp hành pháp luật, đạo đức sống nơi cư trú là phù hợp. Việc xác định, đánh giá bản lĩnh chính trị trong trường hợp này là không khả thi. Vì đa số những người gia nhập là người trẻ tuổi, chưa trải qua hành nghề luật sư và sinh hoạt chính trị và hầu hết chưa phải là Đảng viên nên không có cơ sở để đánh giá, xác định “bản lĩnh chính trị” của một cá nhân.

Vì vậy, theo luật sư Phong, việc bổ sung tiêu chuẩn bản lĩnh chính trị là một tiêu chuẩn đầu vào của luật sư là không phù hợp; do đó cần giữ nguyên như Điều 10 Luật Luật sư hiện hành.

ban-linh-chinh-tri-quang canh.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Bế mạc hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Trung (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) tổng kết lại các ý kiến góp ý. Ông Trung cũng cho biết đây mới là dự kiến đề cương chi tiết Luật Luật sư, khi có đề cương chính thức, Đoàn Luật sư sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo để tiếp tục góp ý.

Không nên miễn đào tạo luật sư

Về “miễn đào tạo nghề luật sư”, không nên quy định việc miễn đào tạo nghề luật sư; mà chỉ quy định về cơ chế đào tạo nghề luật sư rút ngắn chương trình (khoảng 3 tháng) cho một số chức danh tư pháp nhất định hoặc học hàm, học vị cao trong ngành luật như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên...

Về miễn thời gian tập sự, tôi tán thành chỉ miễn thời gian tập sự đối với: Giáo sư, Phó Giáo sư luật, Tiến sĩ luật; Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên trung cấp trở lên, Chuyên viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật hoặc các chức danh tương đương trong ngành Thi hành án dân sự, Thanh tra nhà nước nhưng phải có thời gian đảm nhiệm chức danh ít nhất 5 năm.

Còn việc giảm thời gian tập sự cũng chỉ nên áp dụng cho một số chức danh; đồng thời việc giảm thời gian tập sự chỉ ở mức 1/3, không nên phân chia và áp dụng giảm 2/3 thời gian tập sự như một số trường hợp hiện nay. Bởi lẽ, thời gian tập sự chỉ 4 tháng (do được giảm 2/3) là quá ngắn, hoàn toàn không đủ để người tập sự chọn, hoàn thành một chuyên đề để tiếp cận thực tiễn, học tập, nghiên cứu và tham gia kỳ kiểm tra tập sự.

Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, kỷ luật - Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm