Điều 174 dự án Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can. Có hai loại ý kiến xung quanh quy định này.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị để chống bức cung, nhục hình, mớm cung, bảo đảm tính minh bạch, tăng khả năng kiểm soát đối với hoạt động tố tụng hình sự, cần quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn thì quy định này khó bảo đảm thực thi. Vì vậy cần giữ như hiện nay là bắt buộc lập biên bản khi hỏi cung và đưa vào hồ sơ, trường hợp xét thấy cần thiết có thể ghi âm hoặc ghi hình hoạt động này.
Khi thẩm tra dự luật, đa số thành viên Ủy ban Tư pháp cho rằng việc bắt buộc trong mọi trường hợp là không khả thi. Trong trường hợp cần thiết như trường hợp bị can không nhận tội, bị can trong các vụ án giết người không quả tang, bị can tố cáo bị bức cung nhục hình hoặc bị can mà BLHS quy định hình phạt chung thân, tử hình thì có thể ghi âm, ghi hình.
Góp ý cho vấn đề này trong buổi thảo luận chiều nay 20-4, ông Vũ Phi Long, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM không đồng tình với dự thảo bộ luật. Ông Long cho rằng vần đề này chưa thể thống nhất trên toàn quốc bởi điều kiện mỗi địa phương mỗi khác.
“Hơn nữa, việc ghi âm, ghi hình cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu điều tra viên, cán bộ điều tra cố tình không ghi, không quay những vấn đề mà họ có sai trái trong khi lấy cung. Chẳng hạn như khi có hành vi bức cung, mớm cung, dùng nhục hình bị can thì họ che camera lại, như vậy hiệu quả của việc ghi âm, ghi hình mặc nhiên bị vô hiệu hóa” – ông Long nói.
Không nên đặt ra quy định khiến người bị hại chịu áp lực Điểm a khoản 2 Điều 29 dự án BLHS quy định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trường hợp người bị hại đồng ý hòa giải và có đơn đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm với người phạm tội (các loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng vô ý gây thiệt hại về tính mạng hoặc xâm hại sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc tội nghiêm trọng xâm hại tài sản của người khác). Theo ông Vũ Phi Long, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, quy định này “vừa không phù hợp trong tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm vừa gây áp lực cho người bị hại”. Ông Phi Long chỉ ra nhiều trường hợp người phạm tội có thể đến tận nhà hoặc nhờ người đến “năn nỉ” viết đơn bãi nại và gây nhiều phiền toái, thậm chí sợ hãi cho người bị hại và gia đình của họ. “Xin quan tâm đến quyền lợi hợp pháp của người bị hại. Tôi biết có trường hợp người bị hại đã đi nước ngoài rồi mà còn phải gửi giấy về để bãi nại vì những “áp lực” từ phía gia đình người phạm tội. Do đó, theo tôi cần nghiên cứu sâu hơn về quy định này, cân nhắc việc đưa vào luật” - ông Phi Long đề nghị. Ông Đoàn Tạ Cửu Long, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM thì ủng hộ quy định này. “Chúng ta nên học tập quy định này của luật nước ngoài. Quy định này thể hiện sự tôn trọng quyền tự quyết của công dân. Theo tôi cần đưa quy định này vào BLHS nhưng hạn chế ở loại tội phạm ít nghiêm trọng. Ví dụ như thực tế có nhiều trường hợp con cháu trộm cắp tài sản của ông bà, cha mẹ. Khi chưa biết thì họ báo công an, sau đó biết sự thật thì tha thiết xin cho con cháu, trường hợp này cũng không nên truy cứu đến cùng” - ông Cửu Long nói. |