Đề xuất siết hoạt động kinh doanh xe chở khách

(PLO)- Bộ GTVT đề xuất xử phạt kịp thời tài xế chạy quá tốc độ, đồng thời quy định thời gian thu hồi phù hiệu xe vi phạm và tái phạm nhiều lần.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định (NĐ) sửa đổi NĐ 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng ô tô. Trong đó, bộ đề xuất nhiều quy định mới về thời hạn thu hồi phù hiệu xe KDVT, xử phạt xe chạy quá tốc độ nhiều lần trong tháng…

Thu hồi phù hiệu .JPG
Bộ đề xuất nhiều quy định mới về thời hạn thu hồi phù hiệu xe KDVT, xử phạt xe chạy quá tốc độ nhiều lần trong tháng… Ảnh minh họa: THY NHUNG

Bổ sung quy định thu hồi phù hiệu không thời hạn

Theo Bộ GTVT, sau hơn ba năm triển khai, NĐ 10 cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, kết quả đánh giá của các sở GTVT cho thấy tình hình triển khai thực hiện vẫn còn gặp một số tồn tại khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ và điều chỉnh cho phù hợp.

Cụ thể ở đây là việc hiện nay đã có quy định xử lý vi phạm bằng hình thức thu hồi giấy phép KDVT, đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Tuy nhiên, chưa có quy định thời gian thu hồi hoặc sau khi thu hồi bao lâu thì mới được cấp lại, dẫn đến đơn vị bị thu hồi có thể đề nghị cấp lại ngay sau khi bị thu hồi. Điều này không đảm bảo tính răn đe trong quá trình xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Theo đó, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 22 của NĐ này theo hướng khi cơ quan cấp phù hiệu, biển hiệu ban hành quyết định thu hồi, trong thời hạn bảy ngày, đơn vị KDVT phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu, đồng thời dừng hoạt động KDVT đối với xe bị thu hồi. Sở GTVT không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 30 ngày và thời gian 60 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai trong thời gian sáu tháng liên tục.

Trường hợp quá thời hạn trên đơn vị KDVT không nộp, Sở GTVT đề nghị cơ quan đăng kiểm cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định; không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 45 ngày và 90 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai trong thời gian sáu tháng liên tục.

Để phát huy hiệu quả giám sát hành trình (GSHT), Bộ GTVT cũng đề xuất trước mắt sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 22 NĐ 10 theo hướng đơn vị KDVT bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị GSHT của mỗi xe trong một tháng có từ năm lần vi phạm tốc độ trở lên và một ngày có ba lần vi phạm tốc độ trở lên (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ dưới 5 km/giờ), thay vì chờ tổng hợp một tháng năm lần vượt quá tốc độ mới xử lý như quy định hiện hành.

Bộ GTVT cũng sẽ thu hồi phù hiệu của các ô tô KDVT theo tuyến cố định khi doanh nghiệp, hợp tác xã không hoạt động KDVT trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng bổ sung quy định thu hồi phù hiệu không thời hạn đối với nhà xe vi phạm hai trường hợp. Thứ nhất, không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện KDVT bằng ô tô và pháp luật khác có liên quan của cơ quan có thẩm quyền. Thứ hai, trong thời gian một tháng, có từ 30% trở lên số xe của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu.

Sở GTVT không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 30 ngày và thời gian 60 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai trong thời gian sáu tháng liên tục.

Cân nhắc việc thu hồi phù hiệu xe vi phạm tốc độ trong ngày

Góp ý về các đề xuất trên, Sở GTVT TP Đà Nẵng cơ bản đồng tình với dự thảo. Tuy nhiên, sở này đề nghị bỏ quy định xử phạt xe “vi phạm tốc độ ba lần trong ngày trở lên” thông qua thiết bị GSHT. Theo Sở GTVT TP Đà Nẵng, nếu đưa vào NĐ cơ quan quản lý ở địa phương không có cán bộ để chuyên theo dõi hằng ngày, nếu không cử cán bộ theo dõi mà để xảy ra tai nạn nghiêm trọng sẽ quy trách nhiệm địa phương buông lỏng quản lý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng việc gắn thiết bị GSHT và camera về cơ bản đã phát huy tác dụng, đồng thời thông qua cấp phù hiệu cũng đã nhắc nhở các trường hợp lái xe vi phạm. Tuy nhiên, thời gian qua còn một số nội dung đặt ra và kỳ vọng nhưng chưa thực hiện được, chẳng hạn như thiết bị GSHT chưa khai thác tốt.

“Chúng ta có thể tận dụng thiết bị GSHT để công khai đơn vị nào chấp hành tốt, chủ động chấn chỉnh kịp thời đối với các tài xế vi phạm. Đơn vị nào đã phân công trực tiếp theo dõi hằng ngày chấp hành luật lệ của tài xế để có thể nhân rộng ra, đơn vị khác có thể học tập. Nhiều tính năng chúng ta chưa khai thác hết để phục vụ cho công tác quản lý…” - ông Quyền nói và mong muốn cơ quan quản lý nhà nước có chỉ đạo để nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống này.

Cạnh đó, ông Quyền cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét niên hạn ô tô KDVT hành khách theo tuyến cố định. Vì hiện nay, ô tô chín chỗ trở lên có niên hạn không quá 15 năm đối với xe hoạt động tuyến cự ly trên 300 km, không quá 20 năm đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly từ 300 km trở xuống.

Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết niên hạn xe chở khách đã được thực hiện ổn định kể từ khi Luật Giao thông đường bộ 2008 có hiệu lực cho đến nay. Quy định này nhằm đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. “Việc bỏ quy định này cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, có sự tham gia của các chuyên gia kỹ thuật do nội dung này ảnh hưởng lớn đến vấn đề an toàn giao thông…” - Bộ GTVT cho hay.•

Ông LÊ TRUNG TÍNH, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM:

Cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần thống nhất từ ngữ

Trước đây, NĐ 10/2020 đã “quên” quy định về thời hạn thu hồi phù hiệu xe vi phạm thì nay bổ sung vào là điều tất yếu. Chúng tôi đã từng góp ý nhưng thời điểm đó các đơn vị quản lý chưa tiếp thu ý kiến.

Tôi đề xuất Bộ GTVT rà soát các văn bản xử phạt liên quan đến NĐ này của Bộ Công an để có những quy định phù hợp hơn. Đơn cử như NĐ 10/2020 được ban hành sau NĐ 100/2019 nhưng cả văn bản này lại có những quy định “đá nhau”. Hiện nay, NĐ 10/2020 và Thông tư 12/2014 và cả dự thảo này đều có quy định thu hồi phù hiệu không thời hạn.

Bộ GTVT cũng cần minh định rõ không thời hạn thu hồi phù hiệu có phải là thu hồi vĩnh viễn hay không bởi điều này dễ gây hiểu nhầm cho các đơn vị vận tải, cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới. Bên cạnh đó, các quy định trong các văn bản luật, cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần thống nhất từ ngữ. Hiện có văn bản quy định là tước phù hiệu, có văn bản là thu hồi phù hiệu.

THY NHUNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm