Đề xuất sửa Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015 để trị nạn lãng phí

(PLO)- Trong thời gian qua, công tác xử lý tham nhũng đã thu được kết quả khích lệ nhưng công tác chống lãng phí chưa được coi trọng như chống tham nhũng.

Sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết về lãng phí, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đồng loạt hưởng ứng lời hiệu triệu chống lãng phí của Tổng Bí thư.

Bị cáo Tề Trí Dũng tại phiên tòa phúc thẩm xử vụ SADECO bán rẻ 9 triệu cổ phần, gây thiệt hại hơn 1.103 tỉ đồng, trong đó thất thoát tài sản nhà nước hơn 669 tỉ đồng. Ảnh: NGUYỆT NHI

Thấy trước được tệ lãng phí xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều cấp nên BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Điều 219 thể hiện rõ quyết tâm chống lãng phí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác xử lý tham nhũng đã thu được kết quả khích lệ nhưng công tác chống lãng phí chưa được coi trọng như chống tham nhũng.

Chính vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng vừa phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), vừa phải tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải gắn PCTNTC với phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với PCTNTC; phải coi phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ ngang hàng với PCTNTC.

BLHS năm 2015 tuy có quy định xử lý hình sự đối với hành vi lãng phí tại Điều 219 nhưng hình phạt cao nhất đối với người phạm tội này là 20 năm tù.

Nếu nhìn một cách tổng thể, so với các tội phạm khác thì hình phạt 20 năm tù không phải là nhẹ.

Tuy nhiên, nếu coi lãng phí ngang hàng với tham nhũng thì Điều 219 BLHS cần sửa đổi, bổ sung theo hướng cấu tạo thành bốn khoản.

Khoản 1, khoản 2 vẫn giữ như Điều 219 BLHS.

Khoản 3 sửa đổi, bổ sung tình tiết gây thất thoát, lãng phí từ 1 tỉ đến dưới 5 tỉ đồng; cấu tạo thêm khoản 4 với khung hình phạt từ 20 năm tù đến tù chung thân với tình tiết gây thất thoát, lãng phí từ 5 tỉ đồng trở lên.

Về tên tội danh cũng cần sửa đổi thành tội lãng phí, còn hành vi cụ thể thì quy định như khoản 1 của điều luật.

Hiện nay, Quốc hội đang họp, nếu kịp thì sửa đổi, bổ sung luôn để đáp ứng chủ trương chống lãng phí; nếu không kịp thì Quốc hội nên bổ sung vào chương trình làm luật, đồng thời ban hành nghị quyết về chống lãng phí.

Cùng với việc sửa đổi, bổ sung Điều 219 BLHS, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp ban hành ngay thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý hành vi gây lãng phí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới