Đề xuất tăng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH

(PLO)- Bộ LĐ-TB&XH cho rằng quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH như hiện nay tạo cơ hội cho doanh nghiệp tách nhiều khoản trợ cấp để không đóng bảo hiểm cho người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất quy định lại mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để người lao động (NLĐ) về hưu có mức lương cao. Tuy nhiên, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành.

Hai phương án tính đóng BHXH

Luật BHXH hiện hành quy định tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Mặc dù trong các văn bản quy phạm pháp luật đã hướng dẫn chi tiết mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH nhưng một số doanh nghiệp (DN) tách lương thành nhiều khoản trợ cấp để né đóng BHXH.

Tăng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ giúp người lao động khi hết tuổi lao động được hưởng mức lương hưu cao hơn. Ảnh minh họa: PHONG ĐIỀN

Tăng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ giúp người lao động khi hết tuổi lao động được hưởng mức lương hưu cao hơn. Ảnh minh họa: PHONG ĐIỀN

“Tình trạng nêu trên dẫn đến mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vẫn còn khoảng cách nhất định so với lương thực tế của NLĐ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các chế độ BHXH của NLĐ, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già do mức hưởng được tính trên mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ” - đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Dự luật còn đưa ra mức lương đóng BHXH bắt buộc thấp nhất trong DN là 2 triệu đồng và cao nhất là 36 triệu đồng. Chính phủ điều chỉnh mức này dựa trên đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, đồng thời quy định việc truy thu, truy đóng tiền lương tháng tham gia BHXH của NLĐ và chủ DN.

Do vậy, cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc. Phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Theo phương án này, mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác đều đã xác định từ trước, như phụ cấp chức vụ vài trăm ngàn đồng mỗi tháng. Những khoản biến động trong quá trình làm việc của NLĐ chưa được tính đóng.

Phương án 2, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của Bộ luật Lao động. Ở phương án này, tiền được tính đóng bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của NLĐ, do vậy nền tiền lương đóng BHXH của NLĐ sẽ được nâng lên, lương hưu từ đó cũng cao hơn.

DN lo lắng “hiệu quả ngược”

Với đề xuất trên, Ban IV vừa có văn bản gửi Thủ tướng và cho biết trong tháng 4-2023, đơn vị đã trao đổi, nắm bắt nhanh ý kiến của trên 30 hiệp hội và đại diện DN các ngành về đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH. Qua đó, các DN và hiệp hội cho rằng đây là nội dung có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở bài toán an sinh xã hội, NLĐ, mà còn là bài toán năng lực cạnh tranh của DN và nền kinh tế Việt Nam.

Vì vậy, DN và hiệp hội cho rằng ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá điều kiện thực tiễn. Cạnh đó, phải có cân nhắc kinh nghiệm quốc tế, khu vực một cách toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay để lựa chọn phương án khả thi, hợp lý. Trong trường hợp dự luật giữ nguyên quy định, DN và NLĐ sẽ không phải chịu áp lực về chi phí “gia tăng đột biến”. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước phải tìm được phương án, giải pháp nhằm giải quyết bài toán “chậm đóng, trốn đóng, nợ BHXH...” của một số nhóm DN và NLĐ như thời gian qua.

Cũng theo Ban IV, chuyên gia quốc tế về lao động cho rằng trường hợp này ban soạn thảo nên cân nhắc để đề xuất gia tăng các hình thức thanh tra, kiểm tra, quản trị dựa trên dữ liệu. Liên kết giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu thuế, BHXH; kết hợp chế tài nghiêm minh... sẽ hạn chế tình trạng trên mà vẫn tạo được thuận lợi cho DN và NLĐ.

Trường hợp chọn phương án 2, DN và các hiệp hội cho rằng sẽ làm gia tăng chi phí của cả người sử dụng lao động và NLĐ mà chưa thực sự giải quyết triệt để tình trạng “chậm đóng, trốn đóng, nợ BHXH...”. Trong bối cảnh DN và NLĐ đều đang hết sức khó khăn, quy định này có thể dẫn tới DN và NLĐ càng tìm cách trốn đóng BHXH, khiến chính sách khó đạt được mục tiêu. Cạnh đó, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh quốc gia, có thể gây “hiệu quả ngược” với mục tiêu thu hút đầu tư FDI, đầu tư tư nhân đang được đẩy mạnh.

Trên cơ sở đó, Ban IV đề xuất giữ nguyên quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Chỉ đạo ban soạn thảo nghiên cứu, thể hiện rõ ràng các quy định liên quan tới các khoản phụ cấp, khoản bổ sung phải tính đóng BHXH. “Mục đích để tránh tình trạng sau này dự luật đi vào đời sống, cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động, NLĐ có cách hiểu khác nhau khiến việc chấp hành pháp luật về BHXH bị ảnh hưởng tiêu cực” - Ban IV nêu.

Đại diện Bộ Nội vụ nêu quan điểm đồng ý với đề nghị thực hiện theo phương án 2 để thuận tiện cho người sử dụng lao động và NLĐ xác định được mức đóng trên cơ sở tiền lương, phụ cấp lương và khoản bổ sung có tính chất thường xuyên được xác định trong hợp đồng lao động.

BHXH Việt Nam cũng ủng hộ phương án 2 vì theo BHXH Việt Nam tại khoản 8 Mục II của Nghị quyết 28/2018 của Ban chấp hành Trung ương đã đưa ra quy định: “Sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực DN ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH và quyền lợi của NLĐ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm