Đề xuất "thủ tục đặc biệt" khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật

(PLO)- Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, dự thảo Luật ban hành VBQPPL bổ sung quy định về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục đặc biệt.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sửa đổi.

Dự thảo mới gồm 8 chương, 98 Điều (giảm 9 chương, 75 điều so với Luật Ban hành VBQPPL 2015).

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đang được sửa đổi.

Hiện nay, theo Luật Ban hành VBQPPl 2015 khi ban hành văn bản sẽ có hai loại thủ tục là thông thường và rút gọn. Trong đó, thủ tục rút gọn có thể được áp dụng trong 5 trường hợp.

Thứ nhất, trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Thứ hai, trường hợp cần ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thứ ba, trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với VBQPPL mới được ban hành; trường hợp cần ban hành ngay VBQPPL để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Thứ tư, trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ VBQPPL trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ năm, trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, thực tiễn thời gian qua cho thấy, trong một số tình huống đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ đã phải “xé rào” về quy trình, khẩn trương xây dựng, ban hành ngay văn bản để điều chỉnh vấn đề hết sức cấp bách phát sinh.

Chẳng hạn như: (i) trong giai đoạn dịch Covid-19, Quốc hội đã “khẩn cấp” soạn thảo và ban hành ngay Nghị quyết 30/2021/QH15; trong đó, giao Chính phủ, Thủ tướng quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp đặc biệt, đặc thù, chưa có tiền lệ, khác quy định của luật hoặc chưa được luật quy định để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19...

(ii) Trước đó, khi dịch bệnh bùng phát và lây lan, Thủ tướng đã ban hành các chỉ thị như Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16, Chỉ thị số 19... Mặc dù, chỉ thị của Thủ tướng không phải là VBQPPL nhưng đã phát huy hiệu lực tích cực, góp phần quan trọng ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Trong tình huống đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19, không thể tiến hành các trình tự, thủ tục theo quy trình xây dựng pháp luật như trong điều kiện bình thường, nên để đáp ứng yêu cầu cấp bách về xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã tổ chức họp trực tuyến để thẩm tra, chỉnh lý các dự thảo văn bản; Quốc hội đã họp trực tuyến để thảo luận, xem xét, biểu quyết thông qua các dự án luật, dự thảo nghị quyết...

"Việc xây dựng, ban hành văn bản và thực hiện các trình tự, thủ tục chưa có tiền lệ như trong các tình huống đặc biệt nêu trên là rất cần thiết, để đáp ứng yêu cầu cấp bách của tình hình, nhưng trong Luật BHVBQPPL chưa dự liệu tình huống này nên chưa có quy định cụ thể để áp dụng", dự thảo tờ trình của Bộ Tư pháp nêu.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, dự thảo Luật bổ sung quy định về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục đặc biệt.

Thủ tục đặc biệt được áp dụng trong trường hợp cấp bách nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục đặc biệt trong xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Việc xây dựng VBQPPL theo trình tự, thủ tục đặc biệt được thực hiện theo quyết định của các cơ quan, người có thẩm quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới