Đề xuất trẻ em không được ngồi ghế trước xe ô tô

(PLO)- Các đại biểu đã góp ý nhiều nội dung, trong đó có quy định về việc trẻ em không được ngồi ghế trước xe ô tô, giảm thời gian lái xe của tài xế…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 11-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức Hội thảo góp ý hai dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB).

Trẻ em không nên ngồi hàng ghế trước

Liên quan đến quy định tại khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật TTATGTĐB về việc trẻ em dưới 10 tuổi hoặc cao dưới 1,35 m không được ngồi ghế trước đối với xe chở người dưới 10 chỗ và quy định trẻ em dưới bốn tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn trừ ô tô kinh doanh vận tải (KDVT), hầu hết các đại biểu ủng hộ quy định này.

Luật sư (LS) Trương Thị Hòa, Đoàn LS TP.HCM, đồng ý với đề xuất nhưng LS Hòa cho rằng cần xem lại quy định cụ thể về độ tuổi và chiều cao của trẻ. Theo LS Hòa, thông thường khi tham gia giao thông trẻ em sẽ không mang theo giấy khai sinh hoặc là khi cần CSGT cũng không thể đo chiều cao vì sẽ mất thời gian và trật tự giao thông dễ bị ảnh hưởng.

P9-bai-thynhung-gopyluat-1h-thylan.jpg
Hội thảo góp ý Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào sáng 11-10.
Ảnh: DI LINH

Theo LS Hòa, các nước trên thế giới rất quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người tham gia giao thông, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật. Riêng đối với trẻ em có quy định rất cụ thể, đó là trẻ em không ngồi chung hàng ghế với người lái xe và phải ngồi phía sau. “Thậm chí trẻ nhỏ phải ngồi ghế có thiết bị hỗ trợ an toàn để đảm bảo không lắc lư, không bị ảnh hưởng đến xương cốt” - LS Hòa nói thêm.

Tương tự, ông Phạm Minh Sương, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Mai Linh, đề xuất luật cần quy định cụ thể hơn trường hợp này để tránh nhầm lẫn trong việc áp dụng vào thực tế. Đồng thời, đề nghị quy định cụ thể thiết bị an toàn cho trẻ em dưới bốn tuổi là thiết bị như thế nào, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật ra sao.

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM, đồng ý với đề xuất nhưng luật sư Hòa đề nghị cần xem lại quy định cụ thể về độ tuổi và chiều cao của trẻ em.

Thời gian lái xe bao nhiêu giờ/ngày?

Tại hội thảo, nhiều ý kiến chưa đồng tình với Điều 56 dự thảo Luật TTATGTĐB quy định thời gian làm việc của người lái xe KDVT và vận tải nội bộ rút ngắn xuống còn 8 giờ/ngày (quy định cũ 10 giờ/ngày). Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau, thời gian lái xe liên tục đối với tài xế không quá 3 tiếng, thời gian nghỉ tối thiểu 30 phút.

Góp ý nội dung này, ông Sương cho biết thực tế hoạt động KDVT có nhiều loại hình và bị tác động bởi nhiều yếu tố. Đối với hoạt động kinh doanh taxi, phạm vi đưa đón khách chủ yếu trong nội thành, người lái xe có thời gian dừng nghỉ linh hoạt theo nhu cầu của hành khách và theo lượng hành khách trong ngày. “Việc áp dụng điểm này không cần thiết mà còn có thể gia tăng các trường hợp vi phạm đỗ xe sai nơi quy định và gây bất tiện cho hành khách đang ngồi trên xe phải chờ đến hơn 30 phút mới được di chuyển tiếp” - ông Sương đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cũng kiến nghị: “Chúng tôi kiến nghị không giảm đi thời gian làm việc của người lái xe trong một ngày và thời gian dừng nghỉ giữa hai lần lái xe cả ban đêm và ban ngày nên như nhau là dừng nghỉ 15 phút/4 tiếng”.

Theo ông Quản, thời tiết ban ngày nắng nóng, mật độ giao thông đông đúc, ngược lại vào khung giờ từ 22 giờ đến 6 giờ hôm sau thời tiết mát mẻ, đường vắng, xe chạy thông suốt giảm thiểu rất nhiều nguy cơ ùn tắc giao thông. Ngoài ra, nếu người lái xe có chuyến hàng chạy giờ đêm khuya thì họ cũng đã có bố trí sinh hoạt, nghỉ ngơi bù lại trong ngày phù hợp với đặc thù công việc để có tinh thần tỉnh táo làm việc.

“Việc sửa đổi giảm thời gian làm việc của người lái xe trong một ngày và giảm thời gian lái xe liên tục, nguy cơ gây tăng chi phí cho các doanh nghiệp vận tải khi phải tuyển dụng, bố trí thêm số lượng tài xế lái xe để đáp ứng quy định, trong giai đoạn thiếu hụt tài xế hiện nay là khó khăn” - ông Quản nói.

Trao đổi riêng với PV, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, cho biết hiệp hội cũng đề nghị đơn vị soạn thảo dự luật cân nhắc vì quy định này sẽ làm tăng chi phí vận tải. Theo ông Tính, hiện nay chi phí vận tải ở Việt Nam đang rất cao so với khu vực.•

Xe kinh doanh vận tải cần có màu sắc, logo đặc trưng để nhận diện

Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Mai Linh cho biết sau hai năm đại dịch, tình trạng taxi núp bóng, nhái các thương hiệu, “taxi dù”, xe tiện chuyến có biểu hiện quay lại hoạt động và diễn biến phức tạp.

Theo ông Sương, các xe này tổ chức thành các nhóm nhỏ thông qua các phần mềm hoặc các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Viber... và công khai quảng cáo trên các nền tảng trong khi hoạt động không đăng ký kinh doanh. Tình trạng trên không chỉ vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự, ATGT.

Vì vậy, ông Sương kiến nghị cần bổ sung các điều khoản chế tài để siết các hoạt động KDVT núp bóng, ngăn chặn tình hình mất ATGT, đồng thời tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, ông Sương cũng kiến nghị bổ sung trong dự án luật quy định về đặc trưng nhận diện, phân biệt đơn vị KDVT để tránh gây nhầm lẫn và lợi dụng lẫn nhau trong hoạt động KDVT.

“Các doanh nghiệp KDVT phải đăng ký màu sắc đặc trưng, biểu tượng logo, nhận diện thương hiệu khi tham gia hoạt động KDVT” - ông Sương đề xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm