Bộ Công an đề xuất cấm trẻ dưới 12 tuổi ngồi ghế trước ô tô

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (GTĐB) do Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung vừa được Chính phủ trình Quốc hội. Đáng chú ý, dự thảo có quy định trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 m không được ngồi ghế phía trước ô tô.

Khó xác định chiều cao và độ tuổi của trẻ

Cụ thể, tại khoản 4 Điều 7 của dự thảo quy định: Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 m khi được chở trên ô tô chở người thì không được ngồi ở hàng ghế trước (ghế cạnh người lái xe), trừ trường hợp xe chỉ có một hàng ghế.

Đối với trẻ em dưới bốn tuổi được chở trên ô tô phải được ngồi bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em.

Một vị CSGT trên địa bàn TP.HCM chia sẻ: Quy định độ tuổi như vậy có thể gây bất tiện cho người tham gia giao thông và lực lượng chức năng khi làm việc. Cụ thể, trẻ dưới 12 tuổi chắc chắn chưa có chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, như vậy khi ngồi trên xe bắt buộc phải mang theo giấy khai sinh để trình báo (nếu cần). Đồng thời, chiều cao của trẻ cũng không chính xác khi không có dụng cụ đo chiều cao, có thể sẽ dẫn đến tranh cãi giữa hai bên.

ông Nguyễn Quốc Bình, quản trị viên diễn đàn mạng xã hội OFFB chuyên về ô tô cho rằng: “để đưa vào luật quy định bắt buộc, theo tôi cần có các hướng dẫn giải thích rõ cho người dân trong việc thi hành. Các hướng dẫn này dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ các tình huống áp dụng, về tình trạng thể chất trẻ em Việt Nam…”.

Đối với đề xuất trẻ em dưới bốn tuổi phải ngồi ghế thiết kế riêng, theo ông Bình, hiện không phải tất cả ô tô nhập khẩu hay sản xuất trong nước đều có đủ móc an toàn ghế sau cho trẻ em. Các đơn vị cung cấp ghế an toàn cho trẻ dưới bốn tuổi cũng chưa có, chủ yếu mua dùng tự phát trên thị trường, chất lượng bỏ ngỏ.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM cũng cho rằng: “ tôi cũng thắc mắc tại sao Việt Nam lại lấy độ tuổi 12 hoặc chiều cao 1,35 m. Theo tôi, ban dự thảo cần tham khảo kinh nghiệm những nước đi trước để báo cáo Quốc hội xử lý những vấn đề kỹ thuật trên thực tế phát sinh như: Lấy gì để chứng minh độ tuổi và chiều cao chính xác trong quá trình kiểm tra, xử lý?”.

Còn quy định trẻ em dưới bốn tuổi cần có ghế chuyên dụng, theo ông Tính, ở Mỹ có tiểu bang quy định chỉ áp dụng cho trẻ em dưới hai tuổi. Do vậy, ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu và lý giải việc này cho thỏa đáng. Riêng yếu tố thời gian hiệu lực, cần xem xét quy định hợp lý để nhà sản xuất xe còn nghiên cứu bổ sung thiết kế cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của người Việt.

Trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB, Bộ Công an đề xuất trẻ dưới 12 tuổi không được ngồi ghế trước ô tô. Ảnh:  HOÀNG GIANG

Đã áp dụng tại nước ngoài

Chuyên gia ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng cho biết quy định này đã được các nước phương Tây áp dụng từ bao năm nay. Bởi khi tham gia giao thông, nguy hiểm của túi khí bung ra dễ làm tổn hại cho trẻ em. Đồng thời, dây đai an toàn khá rộng, phù hợp với người lớn nhưng không thể điều chỉnh thấp xuống cho vừa với trẻ, làm cho trẻ dễ bị lọt ra ngoài.

Về chiều cao của trẻ, tại các nước như Đức, Mỹ đã quy định trẻ dưới 1,3 m, còn người Việt Nam quy định 1,35 m là phù hợp với chiều cao.

Nên khống chế về chiều cao phù hợp hơn là quy định độ tuổi, vì mỗi độ tuổi sẽ có chiều cao và ý thức khác nhau. Ở lứa tuổi dưới 12, khi được cha mẹ giáo dục, hướng dẫn cho sự an toàn khi không được ngồi hàng ghế phía trước của ô tô, các em sẽ tự ý thức được khi lên xe sẽ được ngồi ở vị trí nào.

Chuyên gia tâm lý học NGUYỄN THỊ MỸ LINH, 
giáo viên Trung tâm Apax Leader
 

Tuy nhiên, ông Đồng cho biết ở nước ngoài họ chỉ quy định đối với chiều cao chứ không quy định với độ tuổi, vì sự phát triển của mỗi đứa trẻ sẽ khác nhau. “Trong hướng dẫn sử dụng xe hơi đã khuyến cáo với người sử dụng ô tô về điều này” - ông Đồng nói.

Đồng quan điểm, kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch cho rằng quy định này là đề cao tính an toàn trên ô tô khi tham gia giao thông.

Chẳng may xe bị đâm va mạnh khiến cho túi khí bị bung thì tạo lực rất lớn, đe dọa đến tính mạng của trẻ. Nhà nước đưa quy định này vào là cũng đã dựa trên sự khuyến cáo của nhà sản xuất và đã có tính toán về lực va đập.

Theo kỹ sư Tạch, có thể trước đây Việt Nam chưa áp dụng nhưng những năm gần đây người dân sở hữu ô tô nhiều hơn nên đưa ra quy định theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Nước ngoài họ cũng đã quy định về việc trẻ nhỏ phải ngồi trên ghế chuyên dụng để trên xe.

Người đủ 17 tuổi được học lái xe

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB quy định độ tuổi được đăng ký học lái xe khác với quy định hiện hành.

Theo đó, đối với quy định hiện hành, người chưa đủ 18 tuổi thì chưa được nộp hồ sơ học lái xe trước theo quy định. Còn trong dự thảo lần này, Bộ Công an đề xuất người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe (điểm c khoản 1 Điều 41).

Chuyên gia ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng nhận định: “17 tuổi thì đủ nhận thức để chịu trách nhiệm hành vi lái xe, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay chưa? Nhà nước cần xem xét lại về quy định này. Trong khi đó, ở nước ngoài, người đủ 18 tuổi dù lấy được bằng lái ô tô nhưng cũng chỉ là bằng tạm thời, sau hai năm thử thách đủ điều kiện mới sở hữu được bằng chính thức”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm