Đề xuất tự chọn học lý thuyết thi sát hạch lái xe

Dự thảo mới nhất (lần thứ 5) của Bộ Công an về Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (GTĐB) tiếp tục đưa ra nhiều quy định mới về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX). Trong đó, đáng chú ý là việc Bộ Công an đề xuất cho phép người học lái xe được lựa chọn hình thức tự học lý thuyết khi thi sát hạch lái xe.

Tự học lý thuyết lái xe

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 48 quy định về đào tạo lái xe như sau: Người học lái xe được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật GTĐB; được đào tạo kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông, các kiến thức và kỹ năng phòng ngừa tai nạn giao thông, sơ cứu ban đầu tai nạn giao thông, văn hóa ứng xử khi lái xe và các vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Kết thúc khóa học, người học lái xe được cơ sở đào tạo kiểm tra, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo.

Trong khi đó, Thông tư 38/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX xe cơ giới đường bộ, quy định việc lắp đặt, thời gian lưu trữ, thời gian lắp đặt thiết bị theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật GTĐB đối với học viên học lái ô tô (trừ hạng B1) tại các cơ sở đào tạo lái ô tô.

Theo đó, từ tháng 5-2020, việc học lý thuyết môn pháp luật GTĐB đối với học viên học lái ô tô (trừ hạng B1) tại các cơ sở đào tạo lái ô tô được theo dõi bằng thiết bị giám sát vân tay. Nghĩa là học viên học tập trung theo đúng số giờ quy định để đảm bảo đủ điều kiện thi sát hạch lái xe. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo, sát hạch GPLX cũng phải trang bị phần mềm theo dõi bằng vân tay mới đủ điều kiện đào tạo, sát hạch lái xe.

Tại TP.HCM, từ ngày 11-5 (thời gian các học viên quay trở lại học lái xe sau dịch COVID-19), một số cơ sở không trang bị phần mềm này đã không được tuyển sinh theo quy định.

Học viên học lý thuyết môn pháp luật giao thông đường bộ tại một trung tâm đào tạo lái xe ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhiều ý kiến trái chiều

Đại diện một trung tâm đào tạo, sát hạch GPLX cho biết so sánh thời gian học tập trung vừa qua với trước đây cho thấy việc bắt buộc học viên có đủ số giờ học lý thuyết thì tỉ lệ đậu sẽ cao hơn trước. Ngoài ra, việc học viên học tại trường sẽ có lợi thế là được tiếp cận với quy trình và thứ tự kiến thức phù hợp. “Hiện nay hầu hết các cơ sở, trung tâm đào tạo, sát hạch GPLX đều đã trang bị phần mềm điểm danh bằng vân tay, mỗi phần mềm có giá gần 120 triệu đồng. Nếu đề xuất của Bộ Công an được thông qua thì sẽ gây lãng phí rất lớn cho chúng tôi” - vị này nói.

Đồng quan điểm trên, ông Dương Tiến Thự, Giám đốc Hợp tác xã Taxi 27/7, cho rằng quy định hiện hành của Bộ GTVT là phù hợp, các bài học, điều lệ, biển báo… đã được cơ quan nhà nước quy định thì phải có người am hiểu để hướng dẫn cho người học.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng để tạo điều kiện cho người học lái xe thì việc tự chọn hình thức học lý thuyết là đề xuất hay. Việc này sẽ tạo điều kiện cho học viên có thể sắp xếp thời gian phù hợp với công việc của mình.

Chuyên gia ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng chia sẻ, ở Mỹ người dân cũng được tự lựa chọn hình thức học. Tại Việt Nam quy định nhiều nhưng vẫn còn tình trạng bằng lái giả và tai nạn vẫn xảy ra. “Chỉ nên chú trọng và nâng cao quy định về việc học thực hành, đồng thời yêu cầu người học lái xe phải có kinh nghiệm bao nhiêu giờ lái thì mới đủ điều kiện để lấy bằng lái xe” - ông Đồng nhấn mạnh.

Quy định hiện hành về số giờ học lái xe

Theo quy định tại Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT, từ ngày 1-5-2020, các cơ sở đào tạo lái ô tô phải lắp đặt thiết bị theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật GTĐB đối với học viên học lái ô tô (trừ hạng B1).

Trường hợp sau ngày này, cơ sở đào tạo lái ô tô chưa hoàn thành việc ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở GTVT đình chỉ tuyển sinh đào tạo lái ô tô theo quy định.

Tổng số giờ một khóa đào tạo như sau: Đối với hạng B2 là 588 giờ (lý thuyết 168 giờ, thực hành lái xe 420 giờ). Đối với hạng C là 920 giờ (lý thuyết 168 giờ, thực hành lái xe 752 giờ). Số giờ học lý thuyết sẽ được ứng dụng cập nhật và lưu dữ liệu cho mỗi lần học của học viên. Khi học viên đảm bảo đủ số giờ học lý thuyết mới đủ điều kiện thi sát hạch GPLX.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới