CÀ MAU: SỐNG TRÊN MIỆNG TỬ THẦN - BÀI 2:

Đêm kinh hoàng trên hàm ếch tử thần

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh Cà Mau, từ ngày 28-6 đến 1-7-2010, huyện Năm Căn có bảy căn nhà và bốn cơ sở sản xuất tôm giống bị sạt lở, hư hỏng hoàn toàn; 62 căn nhà khác có nguy cơ sụp lở bất cứ lúc nào. Những thông tin này càng khiến người dân địa phương lo lắng vì hơn ai hết, họ từng chứng kiến một cuộc thảm sát kinh hoàng của hà bá.

Đêm tang tóc

Ông Năm Bình lớn lên bên bờ sông Cửa Lớn (huyện Năm Căn). Ông hiểu từng khúc sông như lòng bàn tay. Năm 2007, ông chọn cho con gái mình là Nguyễn Ngọc Mai một thửa đất đẹp ở ấp Cửa Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh làm nơi ở và sản xuất tôm sú giống. Thửa đất phẳng, có mặt tiền là bãi phù sa đang bồi lắng. Không tin tưởng đám thợ xây, ông đích thân bám sát chỉ đạo xây dựng hàng tháng trời. Nhà xây xong, ông đợi nước ròng, lội xuống bãi nhìn lên. “Căn nhà hơn 100 triệu, bờ kè vững chắc, lại được xây trên một vùng đất bồi. Tôi thấy không còn phải lo lắng gì nữa chuyện giông bão và sạt lở. Trời ơi, tôi đâu có ngờ, con gái tôi dọn về ở mới có ba ngày, chuyện kinh hoàng đã xảy ra” - giọng buồn bã, ông Năm Bình kể.

Đêm kinh hoàng trên hàm ếch tử thần ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Bình (người bị mất bốn đứa cháu ngoại cùng một lúc vì nạn sạt lở đất) khuyên mọi người hãy cảnh giác với nhà cặp sát bờ sông. Ảnh: TRẦN VŨ

Đêm 16-7-2007, ông không ngủ được, cứ ngồi uống trà nghe mưa rả rích. Hơn 1 giờ đêm, điện thoại reo dồn dập. Có ai đó báo với ông rằng bốn đứa cháu ngoại của ông đã chết hết rồi. Thất thần, ông quày quả xách đèn băng mưa chạy tới ngôi nhà mới của con gái. Trước mắt ông, căn nhà giờ chỉ còn là một đầm nước. Rất đông người dân đang vây quanh ở đó. Hóa ra vào lúc 1 giờ đêm ấy, căn nhà bỗng dưng rung chuyển và chỉ trong hai phút nó đã bị rút thật sâu xuống lòng đất, nước dâng lên ngập tận nóc. Hai người thoát chết là chị Nguyễn Ngọc Mai và bé Nguyễn Ngọc Thạch. Còn bốn đứa trẻ kẹt lại trong phòng ngủ bị nước nhấn chìm chết. “Tất cả chúng nó là cháu ngoại của tôi. Nghe dì có nhà mới, tụi nó qua chơi và ngủ lại đêm luôn” - ông Năm Bình rấm rứt nhớ lại.

Mỗi năm làm một cái nhà

Tại xã Lâm Hải, huyện Năm Căn và xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi có hàng trăm hộ gia đình sa vào cảnh mỗi năm phải làm một cái nhà.

Đêm kinh hoàng trên hàm ếch tử thần ảnh 2

Hiện trường vụ sạt lở làm chết bốn trẻ con ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn. Ảnh: TRẦN VŨ

Ở chợ Tân Tiến đã có vài chục căn nhà được sửa mới, một số căn khác đang làm dở dang. Một số hộ dân hết khả năng làm nhà đã bỏ mặc cho nó điêu tàn, hoang phế. Ông Nguyễn Văn Nhiều đang sửa nhà, cho biết: “10 năm qua, tôi phải làm hoàn toàn mới ba cái nhà, còn lại là sửa chữa. Làm mới mỗi cái nhà không dưới 30 triệu đồng, sửa thì cũng mất từ 8 đến 10 triệu đồng. Mần bao nhiêu tiền lời chỉ đủ tập trung vào sửa nhà thôi”. Theo ông nhiều trong gần 30 hộ gốc tại chợ Tân Tiến, hiện chỉ còn lại đúng sáu hộ. Đó là những hộ hết vốn, hết đường xoay trở cuộc sống, đành đánh liều ở lại, còn số kia đã bỏ chạy biệt tăm. Thế nhưng người cũ đi thì người mới lại vào thuê mặt bằng mua bán tiếp. Cho đến khi thấm thía với nạn sạt lở thì họ mới bỏ đi. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp đi lặp lại.

Bà Trang Bạch Tuyết, một hộ kinh doanh tạp hóa đang tạm dừng buôn bán để sửa nhà, bức xúc: “Cứ vào tháng 4 âm lịch là phải đi mua cừ tràm về thủ sẵn để sửa nhà. Năm nào cũng vậy. 10 năm qua, lời lãi bao nhiêu đổ hết vào cái nhà. Càng ngày hiện tượng sạt lở càng dữ dội hơn. Nghĩ tới là muốn khóc”. Trong đợt sạt lở đầu tháng 7-2010, ông Dũng chồng bà suýt chút nữa đã bị cây đâm thủng ruột vì cố kéo cái máy đuôi tôm không để cho lọt xuống sông. Khi vừa nắm được cái giàn cầu máy thì căn nhà bỗng thụt xuống, những cây cừ dưới sàn nhà chọc thủng ván sàn, ló lên như những cây chông, chọc sượt vào mạn sườn. “Biết ở đây có thể sẽ chết khi đang ngủ say mà căn nhà bị chìm xuống sông nhưng không còn cách nào khác. Buôn bán mấy mươi năm ở đây, mối lái nhiều quá rồi và thật sự cũng không còn vốn để chuyển đi nơi khác!” - bà Tuyết tuyệt vọng.

Đêm kinh hoàng trên hàm ếch tử thần ảnh 3

Vợ chồng bà Tuyết, chợ Tân Tiến tạm ngưng buôn bán để sửa nhà bị sụp. Ảnh: TRẦN VŨ

Đêm kinh hoàng trên hàm ếch tử thần ảnh 4

Ông Nhiều ở chợ Tân Tiến cùng các con sửa lại căn nhà vừa bị sụp. Ảnh: TRẦN VŨ

Sống trên hàm ếch

Ông Nguyễn Công Danh, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huân, cho biết: “Qua tìm hiểu về những cái hàm ếch thợ lặn phát hiện, đối chiếu với quá trình diễn biến địa chất, dòng nước nơi đây, rõ ràng có một sự biến đổi lớn về dòng chảy ở khu vực sông chợ Vàm Đầm. Hơn 10 năm trở về trước, khúc sông ở chợ Vàm Đầm là vùng giáp nước (tức nước không chảy nữa) nhưng nay nó chảy như cắt. Chúng tôi cần các nhà khoa học tham gia lý giải để tìm giải pháp chống nạn sạt lở”.

Trong hai năm qua, dân ở hai chợ Vàm Đầm và Tân Tiến lại phải tốn thêm một khoản tiền thuê “mò khám hàm ếch”. Số là trong trận sạt lở tháng 4-2009, nhiều tài sản bị rơi xuống lòng sông. Người dân thuê đội thợ lặn đến giúp. Các thợ lặn cho biết ở độ sâu 6 m, có những cái hàm ếch rất to. Hóa ra sự cố sụp nhà bấy lâu liên quan trực tiếp đến những cái hàm ếch. Ai cũng thuê thợ lặn dò giúp phần đáy sông trước nhà mình. Và một hệ thống hàm ếch chết người được các thợ lặn xác định có mặt khắp nơi quanh khu chợ Vàm Đầm khiến người dân càng thêm ám ảnh, bất an.

Ông Trần Văn Dũng, một người dân có gần 20 năm cư trú ở chợ Vàm Đầm, cho biết thời điểm những năm 1990, ông thường lội qua sông Vàm Đầm. “Hồi đó lúc nước ròng, lội ra giữa dòng sông, nước chỉ ngập tới rốn. Nhưng nay thì nó có độ sâu từ 10 đến 15 m. Thật khủng khiếp!”.

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm