Đêm nguyện cầu

Đúng 20 giờ tối 19-11, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thành ủy TP.HCM phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 tại Hội trường Thống Nhất (135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM) và Công viên Thống Nhất (TP Hà Nội).

Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam,
tại lễ tưởng niệm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhiều người rơi nước mắt

Tại TP.HCM, Hội trường Thống Nhất là điểm cầu chính tổ chức lễ tưởng niệm với gần 1.000 đại biểu. Đến dự có ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban bí thư; ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cùng nhiều lãnh đạo khác.

Lễ tưởng niệm có sự tham dự của nhiều thân nhân, gia đình đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch.

Tại lễ tưởng niệm, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những người đã mất do COVID-19. Rất nhiều người đã rơi lệ, lấy tay lau nước mắt.

Sau đó, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, đã thực hiện nghi thức tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bày tỏ lời chia buồn sâu sắc với các gia đình có người hy sinh và tử vong trong đại dịch COVID-19. “Xin nguyện cầu cho các linh hồn người đã mất được siêu thoát, yên giấc ngàn thu, nơi cõi vĩnh hằng” - ông Chiến xúc động nói.

Theo ông Chiến, trong gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 bùng phát, gây tổn thất nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta. Trong bối cảnh đó, thực hiện lời hiệu triệu của Tổng bí thư, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước không phân biệt thành phần, tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo đã đoàn kết một lòng, chung một ý chí “chống dịch như chống giặc”.

Đại dịch tại TP.HCM và những con số

Đêm nguyện cầu ảnh 2
Các chiến sĩ Sư đoàn 5 phối hợp cùng các tình nguyện viên đi chợ giúp dân
ở phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

• Hơn 17.000 người tử vong. Trong đợt dịch COVID-19 thứ tư (tính từ ngày 27-4 đến nay), cả nước ghi nhận 1.060.394 ca nhiễm, 23.476 ca tử vong. Đã có 878.776 ca nhiễm được điều trị khỏi. Riêng tại TP.HCM có 452.722 ca nhiễm, 17.265 ca tử vong, 266.410 người khỏi bệnh.

• Huy động hơn 400.000 lượt người chống dịch. Trong toàn chiến dịch này, trung ương chi viện cho TP trên 400.000 lượt người gồm các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, lực lượng y tế từ các bệnh viện, đơn vị y tế, trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo chuyên ngành y, các cá nhân, tổ chức khác...

Cụ thể: Từ ngày 22-8, có 36.200 chiến sĩ đã được huy động để chi viện cho TP.HCM chống dịch. Huy động hơn 80.000 cán bộ y tế tham gia chống dịch, trong đó có gần 55.000 nhân viên y tế của TP.HCM và gần 25.000 cán bộ y tế, đội ngũ chuyên môn chi viện từ các tỉnh, thành.

• Thành lập hàng chục BV dã chiến, 400 trạm y tế lưu động. Cao điểm đợt dịch COVID-19 thứ tư tại TP.HCM diễn ra trong hai tháng, từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 9, số ca nhiễm COVID-19 tăng dần, ngày 24-7 cả nước đã ghi nhận xấp xỉ 8.000 ca/ngày, riêng TP.HCM lên đến 5.400 ca. Thời điểm này, số bệnh nhân được ra viện rất hạn chế, một ngày chỉ có hơn 200 bệnh nhân ra viện nhưng có gần 8.000 người vào viện, sức ép lên hệ thống y tế khủng khiếp (mỗi ngày có trên 800 bệnh nhân chuyển nặng).

TP đã thành lập 16 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 37.000 giường để thu dung, điều trị các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Tính đến ngày 8-10, có 15 bệnh viện dã chiến quận, huyện đi vào hoạt động với tổng quy mô gần 7.000 giường. TP cũng đã lập 312 tổ phản ứng nhanh cùng khoảng 400 trạm y tế lưu động để cấp cứu, điều trị F0 cách ly tại nhà ở các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Từ 0 giờ ngày 23-8, TP.HCM quyết liệt thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó” và kéo dài đến hết 30-9. Đây là khoảng thời gian để TP.HCM siết chặt chống dịch ở mức độ cao nhất.

• Tiếp nhận và hỗ trợ hàng chục ngàn tỉ đồng. Từ tháng 1-2021 đến ngày 15-11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ trong và ngoài nước với tổng số tiền hơn 4.460 tỉ đồng, gồm tiền mặt, hàng hóa, vật tư y tế, kinh phí mua vaccine.

Đến ngày 30-9, Trung tâm An sinh của MTTQ đã chuyển 2.234.267 túi an sinh đến 21 quận, huyện và TP Thủ Đức để hỗ trợ người dân khó khăn.

Về các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TP, đợt 1 đã hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hơn 258,8 tỉ đồng; hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền hơn 400 triệu đồng; hỗ trợ lao động tự do với số tiền hơn 555,8 tỉ đồng.

Với gói hỗ trợ đợt 2, các đơn vị đã hỗ trợ được 651.368 người với tổng số tiền hơn 1.281 tỉ đồng; hỗ trợ các hộ kinh doanh phải dừng hoạt động với tổng số tiền hơn 18 tỉ đồng; hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống với tổng số tiền hơn 32 tỉ đồng.

Về thực hiện Nghị quyết 97/2021 của HÐND TP.HCM (hỗ trợ đợt 3, dự kiến 7.300 tỉ đồng), đến nay đã có 6.105.623 người được nhận hỗ trợ với tổng số tiền hơn 6.105 tỉ đồng…

TP.HCM cũng đã tiếp nhận hàng ngàn tỉ đồng cùng hàng trăm tấn thiết bị y tế (máy thở, máy theo dõi nhịp tim, khẩu trang, đồ bảo hộ…) do đồng bào trong và ngoài nước, các đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước… tài trợ.

Nhiều nghĩa cử cao đẹp

Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, ông Chiến cho biết đã xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp, thấm đậm tình đồng chí, nghĩa đồng bào, chan chứa yêu thương, lay động lòng người như những ATM gạo, ATM ôxy, “chợ 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng”, “suất ăn miễn phí”, nhường cơm xẻ áo cho nhau trong lúc khó khăn, thiếu thốn thật trân quý.

Cùng với đó, hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã khắc phục mọi khó khăn, bất chấp nguy hiểm, xông pha vào tâm dịch, với những tháng ngày làm việc quên mình, dành hết tâm lực để chăm sóc, chữa trị người bệnh như người thân yêu, ruột thịt của mình.

“Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hoãn ngày cưới, gác lại hạnh phúc riêng để lên đường làm nhiệm vụ. Có những người khi cha mẹ từ trần không thể về chịu tang, thật là xót thương” - ông Chiến xúc động và cho biết trong cuộc chiến cam go, ác liệt ấy đã có hàng ngàn thầy thuốc, cán bộ, chiến sĩ… bị nhiễm bệnh, hàng trăm người đã hy sinh.

“Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc “nhắm mắt xuôi tay” không có người thân ở bên cạnh, không có một lời trăng trối. Nhiều gia đình có 2-3 người tử vong, có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ và những người ruột thịt; có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời - thật là đau xót!” - ông Chiến bày tỏ xót xa.

Đại dịch cũng đã phá vỡ hạnh phúc của biết bao gia đình đang êm ấm, cháu mất ông bà, cha mẹ mất con, vợ chồng mất nhau, con mất cha mẹ. Đại dịch cũng để lại hàng ngàn người già yếu không còn nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ em mất cha mẹ, nhiều em còn quá nhỏ, trên đầu chít khăn tang nhưng vẫn hồn nhiên, thơ dại, chưa cảm nhận được sự mất mát quá lớn trong cuộc đời. “Thật là xót thương, nhói lòng, rơi lệ” - ông Chiến xúc động.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, ông Chiến kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, đề cao ý thức phòng chống dịch bệnh, không được lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoang mang, hốt hoảng.

“Mọi nhà, mọi người chủ động, tự giác thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và cộng đồng” - ông Chiến kêu gọi.


Nguyện cầu cho các linh hồn người đã mất

Đúng 20 giờ ngày 19-11, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thành ủy, UBND  TP.HCM phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 tại Hội trường Thống Nhất
(quận 1, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

Người dự lễ xúc động không kìm được nước mắt khi nghe nhắc lại con số những người đã khuất. Ảnh: HOÀNG GIANG

Người dự lễ đốt nến, đặt hoa tưởng niệm những người đã mất.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Đêm nguyện cầu ảnh 7

Các chùa ở TP.HCM thực hiện nghi thức thả đèn hoa đăng, thỉnh đại hồng chung; các nhà thờ và nhà nguyện trong Tổng giáo phận TP.HCM đồng loạt đổ chuông sầu khoảng 5 phút để cầu nguyện và tưởng nhớ đồng bào đã tử vong trong đại dịch. Trong ảnh: Người dự lễ tưởng niệm thắp nến và thả hoa đăng ở chùa Pháp Hoa, quận 3, TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tại điểm cầu Hà Nội, lãnh đạo và hàng trăm đại biểu, đại diện gia đình các bệnh nhân đã mất do dịch, các bạn trẻ và đông đảo người dân đã đến điểm cầu Công viên Thống Nhất thành kính dự lễ tưởng niệm. Khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng cho tắt đèn để tưởng niệm đồng bào. Ảnh: PHI HÙNG

Tại Bình Dương, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo tỉnh và
hàng trăm người đã thắp nến cầu nguyện cho người đã khuất. Ảnh: LÊ ÁNH

Cùng vượt qua thương đau
Cùng vượt qua thương đau
(PLO)- Cả nước và nặng nề hơn cả là TP.HCM đã trải qua những ngày tang thương nhất trong nhiều năm qua. Việt Nam đã mất hơn 23.200 đồng bào. Chưa bao giờ người nằm xuống vì dịch bệnh lại nhiều như thế…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm