Cùng vượt qua thương đau

Cho đến hết ngày 16-11, Việt Nam đã có 23.270 người tử vong vì COVID-19, trong đó TP.HCM có 17.263 người, chiếm 74% tỉ lệ tử vong của cả nước. Có lẽ chưa bao giờ TP.HCM tang thương như vậy… Và tối nay (19-11), cả nước sẽ có một buổi lễ tưởng niệm chung, ấm lòng người đi, chia sớt nỗi đau với người ở lại.

Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thành ủy TP.HCM đứng ra làm đầu mối tổ chức. Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện.

Cùng nhìn lại hơn 200 ngày đau thương

Theo kế hoạch, lễ tưởng niệm đồng bào tử vong trong đại dịch COVID-19 sẽ bắt đầu vào 20 giờ tối nay (19-11) với cầu truyền hình trực tiếp từ Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) đến Công viên Thống Nhất (Hà Nội).

Hội trường Thống Nhất của TP.HCM sẽ là điểm cầu chính với sự tham dự của khoảng 1.000 người, trong đó có khoảng 50 thân nhân của đồng bào mất vì COVID-19. Điểm cầu Hà Nội sẽ có sự tham dự của khoảng 300 người.

Ngoài hai điểm cầu, tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức ở TP.HCM cũng đồng loạt tổ chức lễ tưởng niệm để bà con, thân nhân tưởng niệm tại địa phương với số lượng mỗi nơi không quá 100 người.

Lễ tưởng niệm qua cầu truyền hình sẽ bắt đầu từ 20 giờ. Ở đó, những hình ảnh đau thương, giành giật sống còn của đồng bào suốt hơn 200 ngày (hơn sáu tháng qua) được tái hiện trong phóng sự 15 phút mang tên Cuộc chiến sinh tử (VTV và HTV cùng thực hiện). Ngay sau đó sẽ là lời chia buồn từ Ủy ban MTTQ Việt Nam ở đầu cầu TP.HCM gửi đến đồng bào cả nước. Từ đó nghi thức dâng hương, thả hoa đăng tưởng niệm hơn 23.200 đồng bào tử vong vì COVID-19 sẽ diễn ra. Đúng 20 giờ 30, tất cả nhà thờ, nhà nguyện, chùa, tự viện… sẽ tùy nghi thức tôn giáo để đổ chuông tử, chuông u minh…

Tại TP.HCM, đúng 20 giờ 30, ban truyền thông của Tổng Giáo phận Sài Gòn sẽ trực tuyến giờ cầu nguyện cho đồng bào đã qua đời vì đại dịch từ Giáo xứ Chợ Đũi (nhà thờ Huyện Sĩ). Cùng đó, tất cả giáo xứ, nhà nguyện… sẽ cùng đổ chuông sầu báo người mất. Riêng nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn từ 20 giờ sẽ diễn ra giờ chầu cầu nguyện cho đồng bào đã qua đời và cho đại dịch sớm chấm dứt. Hiện nhà thờ Chính tòa Đức Bà đang trong quá trình trùng tu nên không thể đổ chuông (nhà thờ đã ngưng đổ chuông từ ngày 18-1-2020).

Các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang TP.HCM và người dân huyện Bình Chánh dâng hương tưởng nhớ trước khi gửi hài cốt về với gia đình nạn nhân mất vì COVID -19 hồi tháng 8. Ảnh: NGUYỆT NHI

23.476 là tổng số ca tử vong tại Việt Nam cho đến ngày 18-11.

Riêng tại TP.HCM, có 17.331 người tử vong. Trong đó, nam chiếm 41,5% và nữ chiếm 58,5%. Lứa tuổi từ 50 tuổi trở lên tử vong chiếm 86,5% tổng số người tử vong, trên 65 tuổi chiếm 52,8%. Có 38 trẻ em, 62 phụ nữ có thai mất vì COVID-19.

Tổng số ca nhiễm tại Việt Nam đến nay là 1.065.469.

Tổng số ca được điều trị khỏi: 881.593.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 103.573.065 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 65.772.961 liều, tiêm mũi 2 là 37.800.104 liều.

Chuông tử, chuông u minh, hoa đăng… tiễn người

Từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên tất cả giáo xứ (hơn 200 nhà thờ), nhà nguyện Tổng Giáo phận Sài Gòn đổ chuông sầu đến cộng đồng. Theo lệ thường, khi đức giám mục tổng giáo phận mất mới có việc đồng đổ chuông tử.

Cũng như thế, 20 giờ 30, tất cả chùa, tự viện cả nước đồng loạt thỉnh chuông, thắp nến, dâng hương, tưởng niệm, cầu siêu cho các vong linh tử vong do COVID-19. Các chùa sẽ thỉnh chuông u minh (đại hồng chung), cử chuông trống Bát Nhã tưởng niệm người tử vong vì dịch bệnh. Riêng dọc kênh Nhiêu Lộc đoạn từ chùa Pháp Hoa (quận 3) đến Quan Âm tu viện (quận Phú Nhuận) sẽ có lễ hoa đăng tưởng niệm người đã qua đời.

Cùng với các nghi thức thỉnh chuông, đổ chuông của các tôn giáo, đúng 20 giờ 30, tất cả tàu thuyền, sà lan... đang neo đậu tại các cảng ở TP.HCM sẽ kéo còi tưởng niệm.

Hội trường Thống Nhất trước ngày diễn ra lễ tưởng niệm đồng bào mất vì COVID-19. Ảnh: DUY TẠCH

Hơn 50 phương tiện đường thủy dọc tám cảng, bến trong khu vực dọc sông Sài Gòn, kênh Tẻ - Bạch Đằng, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Bến Nghé - Tàu Hủ, bến Lan Anh… sẽ cùng kéo còi.

Và tối nay, mỗi người dân, mỗi mái nhà, dù có mất mát người thân hay không, cũng đã và đang ít nhiều bị ảnh hưởng bởi đại dịch; vì thế TP cũng kêu gọi người dân tắt đèn và thắp nến tại các nơi công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, văn phòng, nhà dân... Đó không chỉ dành cho người đã mất mà còn an lòng cho người đang sống và cho mỗi gia đình đang hứng chịu tang thương…

TP.HCM, Việt Nam, những ngày không thể nào quên, những điều chưa bao giờ xảy ra và cầu nguyện cho những tang thương không bao giờ trở lại.

Ấm lòng người đi, chia sớt với người ở lại

Buổi lễ với mong ước làm ấm lòng người đi, chia sớt phần nào nỗi đau với người ở lại. Qua tưởng niệm lần này, nhắc nhở chúng ta rằng chuyện thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhắc nhở những gì mà chúng ta đã trải qua từ trận đại dịch vừa qua để có sự chuẩn bị tốt hơn nhằm đối diện với những hoàn cảnh như vậy trong thời gian tới. Từ đó, làm sao giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại.

TP.HCM là tâm dịch, chịu ảnh hưởng nhiều nhất nên vừa qua TP đã chủ động chuẩn bị việc tổ chức lễ tưởng niệm. Do đó, TP có báo cáo với trung ương, được trung ương chủ trương giao cho Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với TP tổ chức lễ tưởng niệm này như là một lễ tưởng niệm cấp quốc gia, mà địa điểm là tại TP.HCM và có thể nối cầu với các địa phương khác. Buổi lễ này không chỉ tưởng niệm, chia sẻ với đồng bào, gia đình có người thân mất vì COVID-19 ở TP.HCM mà còn ở cả nước.

Ông PHAN VĂN MÃIChủ tịch UBND TP.HCM

Mong muốn góp phần cho một lễ tưởng niệm thật trang trọng

Đây là lần đầu tiên các phương tiện đường thủy cùng hụ còi tưởng niệm đồng bào mất vì đại dịch. Thật sự chưa bao giờ đồng bào TP.HCM và Việt Nam đau thương như vậy nên tất cả chủ tàu, phương tiện đều mong muốn làm sao để góp phần cho một lễ tưởng niệm thật trang trọng, thiêng liêng.

Ông NGUYỄN NGỌC TUẤNGiám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM

Chương trình lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19

- 20 giờ: Bắt đầu chương trình cầu truyền hình lễ tưởng niệm.

- Phát phóng sự Cuộc chiến sinh tử (VTV, HTV thực hiện, 15 phút).

- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi lời chia buồn.

- Nghi thức tưởng niệm, dâng hương tất cả nơi từ Hà Nội đến TP.HCM. Tại đầu cầu TP.HCM, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban bí thư, sẽ dâng hương ở Hội trường Thống Nhất.

- Nghi thức thả hoa đăng ở chùa Pháp Hoa, Quan Âm tu viện, cầu Mống
(TP.HCM); chùa Trấn Quốc (Hà Nội).

- Đổ chuông, thỉnh chuông, kéo còi hụ…

- Phát phóng sự Vượt lên đau thương (VTV thực hiện, 3 phút).

Góc nhìn: Nhìn lại để bước tiếp
Góc nhìn: Nhìn lại để bước tiếp
(PLO)- 20 giờ 30 đêm nay, các chùa, nhà thờ tại TP.HCM sẽ cùng đổ chuông và thắp nến để vọng tưởng hơn hai vạn đồng bào đã nằm xuống chỉ trong vỏn vẹn sáu tháng cao điểm dịch.
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm