Tôi muốn có những đêm trải nghiệm cùng một số nhóm SOS để kể cho học trò của tôi nghe, mong có thêm bài học quý về tình người. Điều đó đã trở thành hiện thực khi khu phố nơi tôi ở có một chàng trai trẻ là thành viên của nhóm SOS TX-Dĩ An (Bình Dương).
Chàng trai ấy tên là Nguyễn Hữu Thịnh, ngụ phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Thịnh từng tham gia một số nhóm thiện nguyện. Việc gia nhập nhóm SOS TX-Dĩ An xuất phát từ một lần đi Vũng Tàu bị lủng ruột xe giữa đêm và đã được nhóm này giúp đỡ.
Đội trưởng nhóm SOS TX-Dĩ An là Hoàng Văn Tâm cho hay một số lần đi đường đêm khuya bị hư, lủng ruột xe, anh đã được người đi đường giúp đỡ. Tâm cho hay thị xã Dĩ An là nơi tập trung đông đúc dân cư, có rất nhiều khu công nghiệp. công nhân nhiều người phải về rất trễ do làm ca ba. Khi xảy ra tình trạng hư hỏng xe cộ, tai nạn thì họ rất cần được sự giúp đỡ và hỗ trợ kịp thời. Đó là lý do mà Tâm quyết tâm thành lập nhóm.
Anh Tâm bên chiếc hộp đồ nghề sửa xe và dụng cụ y tế. Ảnh: Bạn đọc THÁI HOÀNG
Tâm chia sẻ: “Trong tinh thần tương thân tương ái, cũng là người con đang sinh sống và làm việc tại thị xã Dĩ An, tôi muốn làm được việc gì đó góp công sức nhỏ bé của mình ở nơi đây. Mình đặt trường hợp vào người hư xe, gặp nạn… mình sẽ hiểu điều họ mong muốn. Cảm giác ấm lòng sau khi giúp được người gặp nạn là động lực cho tôi mỗi ngày”.
Thành viên của nhóm hiện trên 10 người, trong đó có hai nữ. Đa phần họ sinh sống và làm việc ở Dĩ An, có hai thành viên đang sống và làm việc ở TP Biên Hòa. Họ là những người làm việc tự do và công nhân ở các khu công nghiệp. Dù công việc vất vả, thu nhập không cao nhưng họ có điểm chung về suy nghĩ và lòng nhiệt huyết sống tử tế vì cộng đồng nên đã chung tay thành lập nhóm thiện nguyện mang tên SOS TX-Dĩ An để hỗ trợ và giúp đỡ những người dân từ 21 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau.
Công việc chủ yếu của nhóm là hỗ trợ tai nạn giao thông (sơ cứu, đưa bệnh nhân đi bệnh viện nhanh nhất trong khả năng cho phép), vá xe, thay ruột, sửa xe bị hỏng, xe hết xăng. Mọi chi phí đều do các thành viên chung tay góp sức. Trang phục, dụng cụ… đều do tiền của các thành viên đóng góp.
Chúng tôi gặp nhau tại điểm hẹn của nhóm. Các thành viên thường đến trước 21 giờ, ngồi uống nước và trao đổi kế hoạch chia nhau đi trên các tuyến đường trong đêm.
21 giờ xuất phát, nhóm đi trên nhiều tuyến đường. Anh Lê Văn Sỹ (thành viên lớn tuổi nhất của nhóm, làm nghề tự do) là người chở hộp đồ nghề sửa vá xe, Hoàng Văn Tâm (đội trưởng) là người chở hộp dụng cụ y tế. Trên hành trình công việc, các thành viên của nhóm đều quan sát rất kỹ ở hai bên đường. Thấy những trường hợp cần giúp đỡ, nhóm liền chạy xe tới giới thiệu và bắt tay vào làm việc. Thường nhóm chạy xe rất chậm để quan sát nhưng khi nhận được cuộc gọi cần giúp đỡ, các thành viên chạy nhanh hơn để sớm đến giúp đỡ người đang cần giúp.
Đến khoảng 24 giờ, nhóm lại nghỉ chân ở một quán nước quen thuộc. 0 giờ 30, nhóm lại tiếp tục lên đường làm việc. Khép lại buổi làm việc là sau 2 giờ sáng. Nếu gặp những ca đặc biệt, các thành viên sẽ kết thúc trễ hơn.
Tôi đã từng nhiều đêm trải nghiệm giữa phố khuya nhưng chỉ trải nghiệm một mình trên các tuyến đường ở TP.HCM để lắng nghe sâu hơn cuộc sống này. Còn trải nghiệm cùng một nhóm như nhóm SOS tại Bình Dương thì đây là lần đầu. Rất nhiều cung bậc cảm xúc trong đêm trải nghiệm, rất nhiều bài học quý trong những ngày cuối năm về trách nhiệm công dân đối với cộng đồng. Tôi sẽ kể cho các học sinh của tôi như là món quà dành cho các em dịp Tết đến xuân về, để các em hiểu thêm bài học “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.