Đến bảo tàng nghe ông bà kể chuyện

Đó là sáng kiến “mai mối” của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, bắt đầu nhân Ngày gia đình VN (28-6) năm nay: các cụ ông, cụ bà của nhiều gia đình đích thân đưa con cháu đến bảo tàng và kể cho các cháu nghe những câu chuyện thật của đời mình, gắn bó với từng hiện vật nơi đây...

Đến bảo tàng nghe ông bà kể chuyện ảnh 1

Ông Lê Kỳ Quang kể chuyện với các cháu ở bảo tàng- Ảnh: L.Điền

Và như vậy, trong hành trình cùng đưa cháu đến với bảo tàng, các cụ ông cụ bà cũng tham gia hướng dẫn, thuyết minh bằng cuộc đời của chính mình. Bởi họ là những người từng sống trong chiến tranh, trực tiếp chiến đấu hoặc trực tiếp làm công tác hậu phương..., câu chuyện của họ gần gũi với nội dung trưng bày của bảo tàng.

Giữa không gian trưng bày các hiện vật lịch sử, những cụ ông cụ bà dắt cháu đi tham quan ấy đã dừng lại, hào hứng kể cho con cháu nghe câu chuyện của mình.

Như hôm cuối tuần rồi, khi nghe giới thiệu hình ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), ông Lê Kỳ Quang (cựu chiến binh ở Q.3) đã xúc động nhớ lại những trận chống càn thời đánh Mỹ. Ông bước ra trước các cháu thiếu nhi, giọng run run: “Các cháu biết không, thời chiến tranh có những hình ảnh đau lòng lắm. Bác từng chứng kiến một trận càn ở An Giang, có bà mẹ bị bom chết rồi, nhưng đứa con còn sống bò đến vạch tìm vú mẹ để bú mà không hay mẹ chết...”.

Những ánh mắt thiếu nhi nhìn bác Quang, rồi nhìn lên hình ảnh hai anh em nằm bên vệ đường ở Sơn Mỹ. Có lẽ các cháu sẽ không ấn tượng nhiều với hình ảnh này nếu không có câu chuyện của ông Quang. Có mặt tại chỗ, em Bình Minh - học sinh lớp 4, cháu của ông Quang - thừa nhận rằng đến bảo tàng cùng ông nội, vừa nghe các cô hướng dẫn, vừa nghe ông kể chuyện, “thấy câu chuyện của ông lần này súc tích hơn”.

Hay như khi các em xem những hình ảnh về giặc Mỹ ném bom miền Bắc, cụ bà Đoàn Thị Nhung lại nhớ đến những ngày nằm hầm cùng học sinh của mình, cùng đội mũ rơm đến trường để tránh bom. Bà Nguyễn Thị Thanh Hường thì nhớ lại những ngày làm phát thanh viên đài phát thanh Giải Phóng, chứng kiến trận Điện Biên Phủ trên không...

Khi lời thuyết minh của cán bộ bảo tàng dừng lại, bà Nhung tranh thủ kể cho các cháu nghe một thời gian khó của học sinh miền Bắc sinh hoạt dưới bom đạn, bà Hường kể về cảnh tượng đổ nát của phố Khâm Thiên mà mình từng tận mắt chứng kiến.

Được nhìn hình ảnh, được xem hiện vật, lại được nghe chính ông, bà của mình kể những câu chuyện gắn bó với hình ảnh và hiện vật ấy, những người làm bảo tàng mong muốn các em không nhìn hiện vật như những thứ đã chết lặng. Mà qua đó, hiện vật như còn sống, bởi đó là những thứ từng gắn bó với ông bà của các em, đang đứng cạnh các em đây.

Tinh thần này cũng là một lý thuyết mới trong ngành bảo tàng, do tiến sĩ Santhippharp Khamasa_ard - giám đốc Bảo tàng Chianghian (Thái Lan) - chia sẻ với các cán bộ bảo tàng Việt Nam trong đợt tập huấn hồi tháng 5. Vận dụng quan niệm này, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tiên phong áp dụng tổ chức cho các thế hệ gia đình Việt Nam cùng đến bảo tàng.

Theo LAM ĐIỀN (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm