Thời gian qua, chị Nguyễn Thị Mộng Thùy ở xã Long Thành Nam (Hòa Thành, Tây Ninh) đến công an xã tiếp tục xin được làm thủ tục tách sổ hộ khẩu mới. Nhưng cũng như những lần trước, phía công an lại yêu cầu phải tiếp tục bổ sung hồ sơ, viết lại lời khai của tất cả thành viên trong gia đình, kể cả em chồng chị đã tách khẩu lấy vợ ở tận Bình Dương. Công an cũng yêu cầu chị phải mượn sổ hộ khẩu của người em chồng đã tách khẩu để họ xem xét.
Bị ngâm, bị xóa tên
Chị Thùy cho biết trước đó chị đã lên xã nhiều lần nhưng lần nào hồ sơ cũng bị nhận xét: “Chưa hợp lệ”. Trong khi đó, chị sinh ra và lớn lên ở địa phương, lấy chồng cùng xã. Hai vợ chồng chị kết hôn 14 năm rồi, đã có nhà riêng, có giấy đỏ nhưng vẫn chưa tách khẩu được từ hộ của cha mẹ. Từ tháng 2 đến nay, chị lên xã thúc giục tách khẩu cho chị nhưng không có kết quả. Chị nói: “Ở quê, công an xã, cán bộ xã và người dân đều quen biết nhau, vậy mà việc làm hộ khẩu quá phức tạp, khó khăn. Tôi nộp cả giấy tờ đất, giấy đăng ký kết hôn mà hồ sơ vẫn chưa hợp lệ. Mỗi khi vợ chồng ký hợp đồng làm ăn với bạn hàng, tôi phải đến nhà má ruột mượn sổ hộ khẩu có tên mình, chồng phải về nhà cha chồng mượn thêm một sổ nữa. Cực vô cùng”.
Chị Trần Thị Kim Phụng nộp hồ sơ đã lâu nhưng vẫn chưa được đổi sang sổ hộ khẩu mới. Ảnh: HM
Trường hợp của anh Nguyễn Quốc Thới (ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam) cũng gian nan. Trước năm 2013, hộ khẩu của anh được ghi là ấp Long Yên, sau đó ấp tách làm đôi, có thêm ấp mới là Bến Kéo. Vậy là những người dân ở ấp Bến Kéo phải nộp lại sổ hộ khẩu cho công an xã để làm lại sổ mới. Khi nhận lại sổ mới, anh Thới lại bị xóa tên trong sổ hộ khẩu. Đến khi con gái anh Thới xin đi làm công nhân, công ty yêu cầu nộp giấy CMND nhưng con gái anh không thể làm giấy CMND được vì không có tên cha trong sổ hộ khẩu. Anh Thới đã lên xã xin làm lại sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, mấy tháng qua, anh vẫn chưa được giải quyết. Thiếu giấy tờ, con gái anh không xin được việc làm ổn định nên phải đi làm mướn qua ngày.
Tương tự, chị Trần Thị Kim Phụng (ấp Bến Kéo) cũng chưa làm được sổ mới, vẫn sử dụng sổ cũ ghi ấp Long Yên vì hồ sơ bị “ngâm”. Con gái lớn của chị cũng không làm được CMND để đi làm công nhân. Bản thân chị cũng không thể vay vốn làm ăn vì hộ khẩu cũ không hợp lệ. Chị bức xúc: “Chỉ là sang tên từ sổ cũ qua sổ mới, sao xã làm khó làm khổ chúng tôi dữ vậy?”.
Huyện chỉ đạo làm nhanh
Pháp Luật TP.HCM đã đặt câu hỏi: Vì sao nhiều người dân than phiền chuyện làm hộ khẩu rắc rối như vậy? Ông Biện Văn Tuấn, Trưởng Công an xã Long Thành Nam, nói: “Thủ tục đổi từ sổ cũ qua sổ mới chỉ có 15 ngày nhưng có nhiều trường hợp kéo dài là do người dân khai chưa kỹ, khai không đúng. Công an xã cũng đã hướng dẫn rồi. Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp do trước đây nhập không đủ dữ liệu vào máy tính nên chưa thể cập nhật chính xác. Một số người khác thì bỏ địa phương đi nên bị xóa tên”.
Tuy nhiên, khi phóng viên nêu trường hợp anh Thới vẫn làm việc tại địa phương, có sổ bảo hiểm tại địa phương, nộp sổ đúng thời hạn nhưng vẫn bị mất tên trong sổ, đến nay chưa làm lại được, ông Tuấn đã không trả lời trực tiếp.
Còn trường hợp của chị Thùy, phóng viên hỏi tại sao xã yêu cầu chị phải đến tận Bình Dương để có bản lời khai của em chồng đã tách khẩu? Ông Tuấn khẳng định: “Không có chuyện công an xã bắt phải qua Bình Dương lấy lời khai. Nếu cán bộ thụ lý yêu cầu thì không đúng. Chúng tôi sẽ xem xét, rà soát lại để giải quyết”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Minh Thắng, Phó Trưởng Công huyện Hòa Thành, cho biết: “Quy trình xử lý hồ sơ, nhập liệu hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của công an xã. Chỉ khi nào gặp trường hợp vướng mắc, ví dụ như xác minh người từ tỉnh khác đến hoặc phải xin chỉ đạo từ công an huyện thì người dân mới phải chờ đợi. Tôi sẽ đề nghị đội hành chính kiểm tra lại hồ sơ và chỉ đạo công an xã làm nhanh cho người dân”.