Bà Hà Thị Năm (3/91D tổ 11, ấp Nam Thới, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết bà sinh ra, lớn lên tại huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi). Do cuộc sống khó khăn, cha mẹ bà không làm giấy khai sinh hay bất cứ giấy tờ tùy thân nào cho bà, kể cả đăng ký thường trú.
Nhập hộ khẩu theo chồng không được
Năm 1975, cha bà mất, bà cùng các em theo mẹ vào TP.HCM sinh sống, đăng ký tạm trú tại phường 5 (quận Tân Bình). Năm 1990, bà kết hôn và sống chung với chồng tại xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) cho đến nay. Năm 2014, vợ chồng bà làm được giấy tờ nhà nhưng chỉ có chồng bà được nhập hộ khẩu vào đây còn bà thì không nhập được.
Theo vợ chồng bà Năm, đầu năm 2015, vợ chồng bà đến công an xã hỏi thủ tục nhập hộ khẩu thì được hướng dẫn phải về Quảng Ngãi xác định hộ khẩu gốc hoặc chưa từng có hộ khẩu thì mới làm được. Gia đình bà đã đáp ứng được điều này. Tưởng vậy là xong, ai ngờ khi đến nộp hồ sơ tại Công an huyện Hóc Môn thì nơi đây yêu cầu phải có thêm xác nhận của công an nơi trước đây bà Năm từng ở. Quay về nơi tạm trú thì công an phường ở đây bảo do bà Năm không ở thường xuyên nên họ không thể xác minh được.
“Buồn bã vợ chồng tôi đành ôm hồ sơ về nhà, chấp nhận việc sống không có hộ khẩu. Mới đây, tôi mắc nhiều thứ bệnh nên lại một lần nữa đến gặp công an huyện, xin được hướng dẫn lại. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn yêu cầu tôi phải có xác nhận tại phường, xã trước đây đã từng cư trú. Tôi buồn quá! Hai vợ chồng đã ngoài 60 tuổi, bệnh tật suốt, con thì chẳng có nên muốn nhập hộ khẩu để làm giấy chứng minh rồi mua bảo hiểm y tế để lúc ốm đau nhưng không biết phải làm sao” - bà Năm tâm sự.
Vợ chồng bà Năm mong muốn sớm được nhập hộ khẩu để được hưởng các quyền lợi chính đáng của mình. Ảnh: NH
Sẽ hướng dẫn, giải quyết cho người dân
Trung tá Lê Thị Minh Thùy, Đội phó Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Hóc Môn, cho biết: Trước đây, công an có hướng dẫn bà Năm làm thủ tục nhập hộ khẩu theo chồng bà. Theo hồ sơ bà cung cấp, bà thuộc trường hợp đặc biệt vì trước đây bà chưa đăng ký thường trú ở nơi nào. Bà có một số giấy tờ chứng minh đã từng tạm trú ở một số nơi nên cán bộ hướng dẫn bà đi xác nhận tại nơi bà từng tạm trú để làm rõ lý lịch của bà. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Công an TP.HCM thì đối với những người không xác định được quá trình nơi cư trú và gặp khó khăn trong việc xác nhận thì có thể viết bản tường trình cam kết và ký tên vào thì có thể giải quyết. Chính vì bà Năm không trình bày những khó khăn của bà nên công an huyện không biết để hướng dẫn bà cách làm bản tường trình. Chúng tôi sẽ hướng dẫn rõ ràng lại cho bà và sớm giải quyết.
Tường trình thay cho giấy chuyển hộ khẩu Theo Luật Cư trú, một người được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp: Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con. Công an TP.HCM đã có công văn hướng dẫn đối với những trường hợp hộ, nhân khẩu đi kinh tế mới rồi về TP nhưng trước đó đã bị xóa khẩu, chưa đăng ký thường trú thì có thể viết bản tường trình cam kết trình bày quá trình cư trú thay cho giấy chuyển hộ khẩu. Đối với trường hợp của bà Năm nêu trên, bà cần cung cấp các loại giấy tờ sau: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (theo mẫu); bản khai nhân khẩu (theo mẫu); bản tường trình cam kết về quá trình cư trú từ trước 1975 đến nay kèm theo những tài liệu nếu có. Bản tường trình này không cần cơ quan nào xác nhận mà người dân ký tên vào. Ngoài ra là bản sao giấy chứng nhận kết hôn và bản chính hộ khẩu của người chồng thì công an có thể giải quyết nhập hộ khẩu cho bà. Thượng tá CAO VĂN ĐEN, Phó phòng Cảnh sát |