Di sản Sài Gòn 300 năm: Bí ẩn số cửa sổ ‘lệch pha’ ở Viện Pasteur

Viện Pasteur Sài Gòn (L’Institut Pasteur de Sai Gon) được thành lập từ năm 1891, do ý tưởng của nhà khoa học Louis Pasteur và học trò của ông là Albert Calmette. Đây là chi nhánh của Viện Pasteur đầu tiên được thành lập ngoài nước Pháp. Năm 1976 Viện đổi tên thành Viện Dịch tễ học. Năm 1979 thì đổi tên thành Viện Pasteur TP.HCM.

Kiểu “bán hầm” ít thấy

Theo lý lịch di tích mà Sở Văn hóa và Thể thao xác lập cho Viện Pasteur thì Viện được xây dựng trên vùng đất cao và đông dân cư ở khu vực đường Pellerin (nay là đường Pasteur). Năm 1918, Viện được xây cất lại trên khuôn viên của Viện cũ với phương châm “ưu tiên sắp xếp các phòng thí nghiệm”.

Với diện tích trên 24.000 m2, công trình này giới hạn bởi bốn con đường, ngày nay tên là Pasteur - Trần Quốc Toản - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Thị Sáu.

Về kiến trúc, Viện được thiết kế rập khuôn các mẫu nhà bệnh viện Pháp thời bấy giờ, với ba dãy nhà hình chữ U, mỗi dãy khoảng 1.800 m2, khuôn viên sân vườn khoảng 5.000 m2, theo phong cách Pháp đầu thế kỷ 20: tường gạch, vôi vàng, mái dốc, ngói đỏ, cửa sổ vòm, hành lang rộng...

Mỗi dãy nhà được xây với một hầm, một trệt, một lầu. Xung quanh các dãy nhà là hệ thống rãnh thoát nước chống ngập úng, làm bằng bê tông. Dãy nhà được xây bằng gạch, xi măng, tường dày nhằm đảm bảo vững chắc cho ngôi nhà đồng thời có tác dụng chống nóng.

Khác với các công trình một trệt, một lầu mà người Pháp thường xây, công trình Viện Pasteur có thêm một tầng hầm nhưng không nằm dưới lòng đất hoàn toàn mà nửa dưới đất, nửa ở trên, gọi là “bán hầm”.

Tầng hầm được xây bằng đá chẻ rất kiên cố. Nhờ có phần nổi trên mặt đất mà tầng bán hầm này vẫn có cửa sổ có song sắt nhằm lấy ánh sáng trời, giúp thông thoáng không khí. Các phòng trong tầng hầm này được thiết kế đơn giản. Tầng hầm này hiện vẫn được dùng làm nơi làm việc cho nhân viên, đặt một số trang thiết bị, máy móc nghiên cứu của Viện.


Dãy nhà chính của Viện Pasteur TP nhìn từ góc bên trái với mái ngói và những chiếc cửa sổ đẹp tinh tế nhưng cũng bí ẩn.

Lối vào hầm không nằm ở mặt trước mà nằm ở mặt sau của tòa nhà. Ông Phạm Thành Nam, Trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM), cho biết với kiểu kiến trúc bán hầm này, công trình gần như có được hai tầng trệt, tăng diện tích sử dụng mà không quá cao tầng. Công trình được xây ở vùng đất cao của Sài Gòn, không sợ nước tràn vào tầng hầm, cũng không lo bị ẩm thấp. Hầm này hoàn toàn không có tác dụng lánh nạn hay tránh bom đạn.

“Lý do quan trọng để người Pháp xây bán hầm ở Viện Pasteur là vì nhiệt độ trong tầng bán hầm mát mẻ, ổn định hơn tầng trệt và lầu, tốt cho việc đặt các máy móc, thiết bị đo đạc, thí nghiệm, lưu trữ các mẫu vật, hồ sơ, tài liệu khoa học. Các công trình khác có kiểu bán hầm có thể thấy là Bảo tàng TP, TAND TP” - ông Nam cho biết.

Con số trường thọ

Kiến trúc nổi bật nhất toàn bộ công trình là cửa vòm, lá sách bằng gỗ... Tác dụng che mưa hắt, chắn nắng, kín đáo mà vẫn đảm bảo thông gió tốt cho ngôi nhà, vừa trang trí cho ngôi nhà vừa hợp với cảnh quan và khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.

Cửa vòm mặt trước ngôi nhà theo kiểu Roman (họa tiết trang trí đơn giản và ít phù điêu). Vì vậy khi nhìn kiến trúc mặt tiền Viện Pasteur chỉ thấy điểm nhấn phía trên các cửa vòm. Phía trên các cửa này được trang trí bằng gạch Marseille làm theo vòm với màu đỏ tươi. Dùng gạch Marseille thành một chất liệu trang trí giúp ngôi nhà không bị đơn điệu bởi một màu vàng của sơn tường, bên cạnh đó tạo điểm nhấn cho cửa sổ mái vòm, ấn tượng đầu tiên khi nhìn vào tổng thể kiến trúc.

Đặc biệt nhất ở các cửa sổ này là số cửa lại không giống nhau ở các tầng. Ở mặt tiền của mỗi dãy nhà, tầng hầm có bảy cửa sổ (không có cửa ra vào), tầng trệt có chín cửa sổ (thêm hai cửa ra vào) và tầng lầu là 11 cửa sổ.

Theo bản Khảo tả di tích của Phòng Văn hóa di sản, sự bố trí số cửa khác biệt giữa các tầng có ý nghĩa riêng: “Tổng số cửa mặt tiền của mỗi dãy nhà là 27 (= 7 + 9 + 11), 2 cộng 7 là 9, là con số tượng trưng cho hạnh phúc, an lành, thuận lợi. Trong tiếng Trung Quốc, số 9 đồng âm với trường thọ, may mắn”.

Năm 1998, Viện Pasteur được tu bổ lại, chỉ bằng cách quét vôi mới, sơn lại song sắt cầu thang, lợp một số ngói cũ.

Trong đánh giá về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của Sở Văn hóa và Thể thao thì công trình này “đậm kiến trúc bệnh viện Pháp đầu thế kỷ 20 nhưng thiết kế, kết cấu phù hợp với khí hậu nhiệt đới ở Đông Dương, có giá trị lịch sử cao về mặt lịch sử kiến trúc nghệ thuật, phản ánh một giai đoạn tiêu biểu của kiến trúc miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung”... Ngoài ra, “mặc dù được xây dựng từ năm 1918 nhưng có sự quy hoạch rất chuẩn về không gian phân bố giữa nhà với sân vườn, cảnh quan thiên nhiên, tạo thành một thể thống nhất, hài hòa, cân đối”.

Từ một phòng nhỏ trong BV Nhi đồng 2

Theo lý lịch di tích mà Sở Văn hóa và Thể thao xác lập cho Viện Pasteur thì “bán đảo Đông Dương thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, thích hợp cho dịch bệnh phát triển nhanh. Vì vậy nhu cầu thiết yếu lúc bấy giờ là phòng trừ dịch bệnh cho chính người Pháp và xây dựng các công trình công cộng để phục vụ mục tiêu lâu dài cho công cuộc khai thác thuộc địa.

Năm 1891 Viện Pasteur Sài Gòn được thành lập, tiếp nhận một phòng thí nghiệm đơn sơ tại BV Hải quân (sau đổi tên là BV Quân đội, BV Grall, nay là BV Nhi đồng 2). Do phòng nghiên cứu này quá nhỏ hẹp, không đáp ứng đủ nhu cầu nghiên cứu, phát triển nên Calmette đề nghị lập một cơ sở ở gần đó. Sau đó chọn cuối đường Pellerin...”.

Bảo tồn 8.590 m2

Theo quyết định công nhận di tích của UBND TP đối với Viện Pasteur thì chỉ có ba dãy nhà hình chữ U và khuôn viên trước sân, nơi đặt tượng bán thân của Louis Pasteur và Albert Calmette, tổng diện tích 8.590 m2 là được khoanh vùng bảo tồn di tích.

Những công trình mới xây sau này như nhà xe nhân viên, nhà hội giảng, khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, khoa sản xuất, phòng khám, xét nghiệm, khoa côn trùng, tư vấn HIV... được xây với kiến trúc và màu sơn có phần giống với Viện Pasteur có trước, tạo khung cảnh hài hòa.

“Làm tròn nhiệm vụ”

Theo sách Sài Gòn năm xưa của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, “giới mô phạm giới y tế, phải nhìn nhận, đã để lại nhiều kỷ niệm tốt vì làm tròn nhiệm vụ khai hóa trí óc, nâng cao sức khỏe người Việt không ít”.

Theo Kỷ yếu của Viện Pasteur TP.HCM thì năm 1925 thành lập Viện Pasteur Hà Nội, năm 1936 Viện Pasteur Đà Lạt được thành lập. Từ đây, toàn bộ Viện Pasteur ở Đông Dương được đặt dưới sự chỉ đạo của Viện Pasteur Paris để đảm bảo chất lượng và uy tín của các nghiên cứu khoa học. Các viện Pasteur Đông Dương bước vào thời kỳ phát triển ổn định, được đánh dấu bằng nhiều công trình khoa học trong nhiều lĩnh vực. Các nghiên cứu của Viện Pasteur Sài Gòn và Viện Pasteur Hà Nội tập trung vào các bệnh kiết lị, dịch hạch, các bệnh có nguồn gốc từ thực phẩm, bệnh giun chỉ, sốt chấy rận, bệnh phong, đặc biệt bệnh thổ tả và bệnh sốt rét là hai bệnh từ lâu gây hiểm họa đối với vùng Đông Dương, kìm hãm sự phát triển kinh tế của khu vực...

Chỉ trong ba năm đầu tiên (1891-1893), Albert Calmette đã khởi đầu và hoàn thành khối lượng lớn công việc như sản xuất được vaccine đậu mùa, vaccine chống bệnh dại, sản xuất huyết thanh chống nọc độc rắn hổ mang, nghiên cứu bệnh lý nhiệt đới...

__________________________________

PGS-TS PHẠM ĐỨC MẠNH, Trưởng bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM:

Những ngôi mộ trong Viện Pasteur

“Năm 2006 khi mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì phát hiện ngôi mộ cổ nằm ở góc Võ Thị Sáu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Nhóm chuyên gia của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đã khai quật thành công ngôi mộ này, xác định ngôi mộ khoảng 200 năm trước. Bia trên mộ còn nguyên nét chữ, cho biết là một quý bà họ Võ, vợ cả của quan tham tri bộ Hộ họ Lê, từng được phong tặng danh hiệu Thục nhân, cho thấy bà là người có công đức, có đức hạnh.

Ngoài ngôi mộ cổ này, trong khuôn viên của Viện Pasteur cũng từng phát hiện một ngôi mộ gió (mộ giả, không có hài cốt) khi đào đất để làm lại hàng rào.

Hiện nay trong khuôn viên Viện vẫn còn một ngôi mộ cổ, bia đã mờ dấu tích, diện tích khoảng 50 m2”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới