Di sản Sài Gòn 300 năm: Ngôi trường trăm tuổi của con nhà giàu

Đây cũng là ngôi trường đang phải đối mặt với “thách thức thời gian” nhiều nhất. Một phần diện tích của ngôi trường bị nghiêng lún không sử dụng được, một phần khác thì đang có kế hoạch xây dựng lại.

Bảo tồn hay phá bỏ, trùng tu hay cải tạo... luôn là vấn đề đau đầu khi phải cân nhắc về các di tích, đặc biệt khi di tích đó là một ngôi trường, được sử dụng hằng ngày, hằng giờ học với phấn trắng - bảng đen cho vài ngàn học sinh thời xưa đến công suất hàng chục ngàn học sinh thời nay với đủ kiểu máy móc thiết bị hiện đại.

“Cổ” từ cái tên đến diện tích được giữ nguyên

Trường được thành lập năm 1918, mang tên Lycée Marie Curie, dành riêng cho nữ sinh con nhà giàu. Sau năm 1970 thì nhận thêm nam sinh.

Ngôi trường được xây dựng trên diện tích rộng, bao quanh bởi bốn con đường ngày nay mang tên Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Ngô Thời Nhiệm - Lê Quý Đôn - Điện Biên Phủ và duy trì diện tích đến nay.

Nhìn từ trên cao, ngôi trường tựa như một công viên xanh mát lớn giữa lòng phố thị hiện đại. Các dãy nhà ngang - dọc bao quanh hai sân rộng với nhiều cổ thụ, vẫn còn nguyên kiểu kiến trúc Đông Dương kết hợp kiến trúc Pháp và kiến trúc Á Đông.

Giới chuyên gia về khảo cổ phân tích, trong kiểu kiến trúc này, các dãy nhà được xây một trệt, một lầu, với lớp tường ngoài có nhiều cổng vòm cao to kiểu Pháp cùng các hình đắp nổi đậm nét Pháp. Trên các tường, cột đều có những nét vạch ngang trang trí. Lớp tường này và lớp tường phía trong cách xa nhau một khoảng hợp lý, tạo ra một hành lang kéo dài nhằm lấy ánh sáng, cho gió lưu thông, giúp học sinh đi lại thuận tiện mà không phải chịu mưa nắng. Cũng nhờ khoảng cách hành lang này mà tránh được ánh nắng trực tiếp, tránh mưa tạt vào phòng học, đồng thời giảm được nhiệt độ nóng, giúp lớp học bên trong được mát mẻ hơn.

Trường Marie Curie nhìn từ trên cao, cổ kính dưới bóng mát cổ thụ. Ảnh: QUỲNH NHƯ

Ở tầng trên có những cửa sổ cao với nhiều cánh cửa gỗ lá sách, cao và hẹp, cùng bệ đỡ cửa sổ nhô ra phía ngoài, đều đậm nét kiến trúc Pháp. Lên cao một chút, xen giữa các cửa sổ thì lại mang nét kiến trúc Á Đông với hàng loạt khung đỡ mái và mái ngói dốc. Mặc dù có rất nhiều khung đỡ nhưng kiểu kiến trúc lại rất hài hòa, phía trên mái vòm của tầng trệt là cửa sổ của tầng lầu, còn phía trên cột của tầng trệt là khung đỡ mái trên tầng lầu, đan xen nhau hợp lý. “Đó cũng là lý do khiến người ta sơn nóc vòm, những bông gió và bộ đỡ khung cùng một màu đỏ đằm, nổi bật hẳn so với gam vàng, xám xen kẽ chứ không muốn “giấu” bộ giàn đỡ này đi” - một trong các chuyên gia phân tích.

Chuyên gia này cũng cho biết đây là kiểu kiến trúc thường thấy ở các công trình do Pháp xây dựng những năm cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, được chọn lọc từ “tinh túy” của các công trình ở Pháp thời bấy giờ, được áp dụng với kỹ thuật xây dựng hiện đại nhất thời đó. Các ngôi trường như Lê Quý Đôn, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai... đều có những dãy nhà với hành lang tương tự. Điểm đặc biệt ở trường này là đến nay vẫn còn nguyên... cái tên Marie Curie cùng diện tích như xưa, trong khi Trường Lê Hồng Phong đã bị thay đổi diện tích khá nhiều. Trường Marie Curie cũng giữ lại được các chi tiết cổ như bức tượng bán thân bà Marie Curie, bồn phun nước...

Băn khoăn trùng tu hay xây mới

PGS-TS Phạm Đức Mạnh, Trưởng bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM, cho biết: “Việc trùng tu những công trình cổ tốn kém còn hơn cả tiền xây một tòa nhà mới. Chúng tôi từng xem chuyên gia Nhật trùng tu nhà cổ. Họ dỡ từng viên ngói ra, đánh số cẩn thận để khi lắp lại đúng y như cũ. Họ xem xét một thanh gỗ xem chỗ nào mục nát thì khoanh vùng, cắt vùng mục nát đó đi, tìm đúng loại gỗ đấy và đúng cái màu đấy để “ghép” lại. Trên mảnh gỗ ghép trùng tu, họ đánh số và lưu trong hồ sơ mang số đo toàn bộ thông tin liên quan đến đoạn gỗ trùng tu. Nói chung là rất cẩn trọng và cũng rất tốn kém”.

Những kiến trúc cổ còn lại đến nay thì rất khó còn nguyên vẹn, hầu hết đều có tình trạng xuống cấp, hư hỏng. Do đó việc bảo tồn hay phá bỏ, trùng tu lại hay cải tạo lại luôn là vấn đề tranh luận. Ví dụ như gần đây có một cái đình cổ ở quận 4 mà đang có ý kiến muốn bỏ đi để xây trường mẫu giáo, đang lấy ý kiến các nhà khoa học về việc bảo tồn hay phá bỏ.

Riêng về các ngôi trường thì đặc biệt hơn. Vì các công trình này được sử dụng hằng ngày, liên quan đến hàng ngàn học sinh, nhu cầu sử dụng ngày càng cao, đòi hỏi thêm nhiều công năng mà ngôi trường cổ không đáp ứng kịp... nên nhu cầu cải tạo là rất lớn. “Khi bàn đến một ngôi trường thì an toàn của học sinh là trên hết, tôi ủng hộ việc cải tạo” - PGS-TS Phạm Đức Mạnh nói.

Ông cũng cho biết trong nhiều biệt thự cổ, công trình cổ, trường học cổ... đã được lắp máy lạnh, lắp thêm cửa kính phụ bên trong lớp cửa cổ (thường bằng gỗ có lá sách) để giảm thiểu tiếng ồn từ xe cộ chạy ngoài đường phố, giảm khói bụi... Đấy là nhu cầu chính đáng và cần được thực hiện để đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh. Tuy nhiên, cái gì cần gìn giữ bảo tồn thì gìn giữ ra hẳn cái hồn cổ, cái gì cần sửa chữa, cải tạo để đáp ứng nhu cầu thì làm hẳn ra là cái mới có sau. Nguyên tắc của bảo tồn di sản là không được trộn lẫn cái cũ và cái mới, làm “giả cổ”, không phân biệt được cổ - kim mà dẫn đến sự ngộ nhận, làm “mất giá” cái cổ đi.

Trên thực tế Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã từng qua trùng tu, sửa chữa. Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu từng tham gia trùng tu ngôi trường này cho biết có những phần có thể trùng tu thì trùng tu, có những phần không trùng tu được thì sửa chữa và có những nhu cầu mới phát sinh mà không thể sử dụng bằng công trình cũ được thì phải xây mới hoàn toàn với kiểu kiến trúc hòa hợp với cái cũ.

Chia sẻ kinh nghiệm, chuyên gia khảo cổ Nguyễn Thị Hậu cho rằng: “Có nhiều nhà biệt thự cổ vẫn lắp máy lạnh, cửa kính bình thường mà vẫn giữ nguyên nét cổ, vấn đề là khi đặt một món mới vào thì phải lưu ý tính thẩm mỹ của tổng thể. Các trường cổ này cho lắp máy lạnh trong phòng học để tạo thuận lợi cho học sinh thì vẫn được thôi. Việc bảo tồn di tích không ngăn cấm điều đó”.

Chuyên gia khảo cổ NGUYỄN CHIẾN THẮNG:

Xây thêm phải hòa hợp cổ - kim

“Các công trình cũ của Pháp thường chỉ có một trệt, một lầu. Với diện tích xây dựng như vậy thì khó đáp ứng số lượng học sinh ngày nay. Do đó nhiều trường có nhu cầu xây thêm các công trình cao tầng mới bên cạnh công trình cổ, nhiều trường thì một phần diện tích cổ đã quá hư hỏng, trùng tu lại “cổ” thì tốn kém mà cũng không giải quyết được nhu cầu về diện tích, vì trùng tu thì vẫn giữ một trệt, một lầu, không đủ phòng để dùng nên cũng muốn xây thêm công trình mới.

Vấn đề quan trọng khi xây công trình mới gần di tích, công trình cổ là kiến trúc của công trình mới phải hòa hợp với công trình cổ. Ví dụ, tòa nhà Diamond Plaza khi xây gần Nhà thờ Đức Bà thì phần kiến trúc các tầng dưới, sát với con đường, phải theo kiểu Pháp, có cột to, khung cửa mái vòm cong, phù điêu đắp nổi khá cổ kính. Lùi vào bên trong một chút nữa thì mới được xây cao tầng. Nhưng càng lùi xa các công trình cổ thì các tòa nhà mới xây không nhất thiết phải có lối kiến trúc Pháp nữa”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới