Đi từ Bình Thuận đến TP.HCM trải nghiệm lớp cưỡi ngựa vào cuối tuần

(PLO)- Cưỡi ngựa là bộ môn thể thao còn mới ở Việt Nam thế nhưng đây cũng là bộ môn thu hút nhiều bạn trẻ đến trải nghiệm. Từ cảm giác tò mò ban đầu, nhiều người lựa chọn học cưỡi ngựa như một cách thư giãn, giải toả áp lực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thích thú khi nhìn thấy những video đua ngựa, cưỡi ngựa trên phim ảnh, mạng xã hội, em Đậu Hoàng Vương An (ngụ Thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận) luôn mong muốn một lần được thử cảm giác đó. Nhân dịp nghỉ hè, Vương An đã cùng gia đình đi từ tỉnh Bình Thuận đến TP.HCM trải nghiệm lớp học cưỡi ngựa.

Em Đậu Hoàng Vương An cùng gia đình đến TP.THCM tham gia lớp trải nghiệm cưỡi ngựa.

Lần đầu nhìn thấy những con ngựa thật ngoài đời, Vương An hào hứng: “Con ngựa thật ở ngoài đời to hơn em tưởng tượng. Ban đầu để làm quen và leo lên lưng ngựa em rất sợ, nhưng khi cưỡi được rồi cảm giác rất tuyệt. Được ngồi trên lưng ngựa đi vòng quanh rất khác cảm giác ngồi trên xe máy hay ô tô”.

Sau khi trải nghiệm hoạt động cho ngựa ăn, làm quen với ngựa, em được huấn luyện viên hướng dẫn cách lên ngựa, cầm dây và cách để ngựa tăng tốc. Từ cảm giác hồi hộp ban đầu, Vương An dần quen với các thao tác trên lưng ngựa, có thể đi vòng quanh sân tập mà không cần người dắt.

Theo Vương An, việc khó khăn nhất khi học cưỡi ngựa là leo lên lưng ngựa.

Người học cưỡi ngựa cần trang bị đầy đủ đồ bảo hộ.

Người học cưỡi ngựa cần trang bị đầy đủ đồ bảo hộ.

Nhiều bạn trẻ rất thích thú khi trải nghiệm bộ môn này.

Nhiều bạn trẻ rất thích thú khi trải nghiệm bộ môn này.

Khác với khách học trải nghiệm như em Đậu Hoàng Vương An, anh Shota Miura (người Nhật Bản) là khách tham gia khoá học cưỡi ngựa tại trang trại. Dù rất thích thú với bộ môn này, nhưng tại quốc gia của mình, anh Shota không có nhiều điều kiện để học hỏi.

Nhân cơ hội đến Việt Nam làm việc, anh đã đăng ký lớp học cưỡi ngựa tại TP Thủ Đức. Qua nhiều tháng học, anh Shota đã bắt đầu thân thiết với ‘người bạn’ động vật, đồng thời cũng bày tỏ niềm yêu thích với bộ môn thể thao này.

“Dù rất tò mò về bộ môn này nhưng tại Nhật Bản, rất khó để học cưỡi ngựa. Vì vậy, khi đến Việt Nam tôi đã đăng ký và bắt đầu theo học lớp học cưỡi ngựa. Cảm giác khi cưỡi ngựa rất vui, trải nghiệm này mang đến cho tôi cảm giác hứng khởi, giải toả áp lực”, anh Shota chia sẻ.

Anh Shota cùng HLV lớp cưỡi ngựa chuẩn bị trước giờ học.

Anh Shota cùng HLV lớp cưỡi ngựa chuẩn bị trước giờ học.

Anh làm quen với ngựa khoảng 5 đến 10 phút trước khi lên lưng ngựa.

Anh làm quen với ngựa khoảng 5 đến 10 phút trước khi lên lưng ngựa.

Cưỡi ngựa vốn là bộ môn thể thao dành cho giới quý tộc, xuất thân dòng dõi hoàng gia ở các nước phương Tây. Chi phí để tham gia khá đắt đỏ thế nên nó không quá phổ biến như nhiều môn thể thao khác. Thế nhưng, để tạo cơ hội cho mọi người có thể trải nghiệm cưỡi ngựa, một số CLB tại TP.HCM đã mang bộ môn này về với Việt Nam, giúp mọi người hiểu hơn về nó.

Ngựa được vệ sinh và tắm rửa hàng ngày.

Ngựa được vệ sinh và tắm rửa hàng ngày.

Theo chị Phạm Hồng Thuỳ Trinh (Quản lý một trường dạy cưỡi ngựa tại TP Thủ Đức, TP.HCM), trẻ em từ 3 tuổi đến người lớn dưới 60 tuổi đã có thể trải nghiệm cảm giác làm bạn và ngồi trên lưng ngựa, tuy nhiên, để tham gia khoá học và có thể cưỡi ngựa thuần thục, yêu cầu khách từ 6 tuổi trở lên và phải có sức khoẻ tốt.

“Tuỳ vào mỗi khách mà sẽ có những loại ngựa và dáng ngựa phù hợp. Hiện tại bên mình có khoảng 10 con ngựa, trong đó gồm ngựa Pony dành cho trẻ em, giống ngựa ta dành cho những người nhỏ con, phù hợp với dáng người Việt, còn lại đa số là ngựa nhập, ngựa lai có dáng ngựa to”,chị Thuỳ Trinh cho biết.

Dựa vào hình thể mà mỗi người có thể cưỡi những giống ngựa khác nhau.

Dựa vào hình thể mà mỗi người có thể cưỡi những giống ngựa khác nhau.

Khi học trải nghiệm người học sẽ được HLV dẫn dắt, hướng dẫn từng kỹ năng cơ bản.

Khi học trải nghiệm người học sẽ được HLV dẫn dắt, hướng dẫn từng kỹ năng cơ bản.

Khi học cưỡi ngựa, người học cần phải trang bị đầy đủ vật dụng cần thiết như giày, mũ bảo hộ và áo giáp. Đồng thời, trước khi lên lưng ngựa, người học cần phải bỏ ra 5 đến 10 phút để làm quen với ngựa, sau đó mới bắt đầu học từ những kỹ năng cơ bản nhất.

Thực tế cho thấy cưỡi ngựa là môn thể thao đem đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ, rèn luyện thể chất, tăng độ linh hoạt, tạo khả năng tập trung và sự thoải mái cho tinh thần. Đặc biệt, với trẻ em đây có thể là hoạt động ngoại khóa giúp các em có cơ hội gần gũi và yêu thương động vật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm