Tối 11-2 (nhằm 30 Tết), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đến thăm và làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Hòa Bình nhìn nhận tình hình dịch bệnh tại TP.HCM có những tình huống khá phức tạp, đặc biệt trong những ngày gần đây.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm của một địa phương luôn đi đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, TP đã khẩn trương áp dụng những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ; có những cách làm sáng tạo, phù hợp với mức độ, nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TÁ LÂM
Chính quyền TP đã có những chỉ đạo nhanh nhạy, kịp thời như ngừng các cơ sở dịch vụ không thiết yếu, giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại một số nơi có dịch.
Đặc biệt, ông hoan nghênh TP đã không bắn pháo hoa giao thừa để hạn chế tập trung đông người và tránh lây lan dịch bệnh. “Nếu tình hình diễn biến xấu hơn, chúng ta còn phải tạm dừng một số lễ hội” – Phó Thủ tướng nói.
Với những cách làm đó, ông Trương Hòa Bình cho rằng tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM đã cơ bản được kiểm soát tạm thời.
Tuy nhiên, chính quyền cùng ngành y TP cần chuẩn bị tâm thế để ứng phó với kịch bản xấu nhất là dịch COVID-19 bùng nổ, chưa thể kiểm soát. “TP cần quyết liệt trong việc bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh. UBND TP cần chỉ đạo các cấp, các ngành không lơ là nhưng không vì vậy mà áp dụng những biện pháp cực đoan, quá mức, gây hoang mang cho người dân” – ông nói.
Bên cạnh đó, TP.HCM cần tiếp tục đảm bảo nguồn nhân lực, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế, thuốc men và khu cách ly để đề phòng tình huống xấu nhất của dịch COVID-19. Bộ phận phòng, chống dịch của các cấp tiếp tục ứng trực 24/7, không rời thành phố để sẵn sàng xử lý mọi tình huống.
TP.HCM cũng cần tiếp tục tăng cường lực lượng phòng, chống dịch tại những nơi có nhu cầu để đảm bảo mọi hoạt động sớm trở lại bình thường sau Tết. Cần có phương án truyền thông tới người dân để họ không hoang mang, hiểu rõ bản chất vấn đề và hợp tác tốt với chính quyền trong khai báo, điều tra dịch tễ, cách ly, phong tỏa.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị TP.HCM cần đẩy nhanh công tác truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, đặc biệt với gia đình những công nhân bốc xếp hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TÁ LÂM
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tình huống phức tạp hiện tại là những ca tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, nhưng người nhà của họ lại dương tính. Tình huống trên yêu cầu toàn ngành y TP cần nâng cao mức cảnh báo và mở rộng tầm soát trên quy mô lớn hơn.
“Ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 mới nhất tại TP.HCM được ghi nhận hồi 13 giờ hôm nay. Đây là mẹ của một nhân viên bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất, được phát hiện trong quá trình tầm soát hơn 3.500 người nhà của nhóm nhân viên bốc xếp” - ông Bỉnh nói.
Để ứng phó, ông Bỉnh cho biết ngành y tế TP đã thực hiện tầm soát diện rộng hơn 9.000 nhân viên tại sân bay Tân Sơn Nhất và tiếp tục thực hiện thời gian tới. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cũng mở rộng phạm vi thực hiện xét nghiệm tầm soát đối với các khu dân cư, bến xe, trung tâm thương mại, khu nhà ở công nhân...
Theo ông Bỉnh, trong đợt dịch này, TP đã thực hiện 30.000 xét nghiệm. Qua phân tích, đánh giá tình hình và giải trình chuỗi gen, chủng gen trong đợt dịch này của TP.HCM có thể là chủng thông thường, không liên quan đến chủng SAR-CoV-2 tại Hải Dương.
Ông cũng khẳng định, đã kiểm soát cơ bản tình hình và không để dịch COVID-19 tiếp tục lây lan trong cộng đồng.
Từ ngày 27-1 đến 11-2, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 34 trường hợp mắc COVID-19. Tổng số ca mắc phát hiện tại TP từ trước đến nay là 203, trong đó 159 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 44 trường hợp đang điều trị.