Bác sĩ (BS) Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết được sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương, đặc biệt là sự hỗ trợ của Bộ Y tế, các chuyên gia từ Hà Nội, TP.HCM, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, sự lãnh đạo trực tiếp của TP Đà Nẵng và sự chung tay của nhân dân, đến nay Bệnh viện Đà Nẵng đã vượt qua được những thời điểm khó khăn nhất.
Bệnh viện Đà Nẵng đã chính thức được dỡ phong tỏa sau 30 ngày. Ảnh: T.AN
Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch gồm 4 giai đoạn sau khi mở cửa hoạt động trở lại. Cụ thể, từ ngày 26 đến 28-8, triển khai công tác chuẩn bị, hoàn thiện các công trình cải tạo thông khí các tòa nhà, khử khuẩn môi trường bệnh viện và tập huấn chuyển đổi mô hình chăm sóc toàn diện.
Khoảng 2 tuần sau ngày 28, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận người bệnh cấp cứu nặng nguy kịch, tiếp tục quản lý người bệnh suy thận chạy thận nhân tạo chu kỳ mà bệnh viện đang quản lý. Cạnh đó tiếp tục tổ chức phát thuốc ngoại trú cho bệnh nhân lọc màng bụng và sau ghép thận, triển khai hoạt động phẫu thuật và can thiệp cấp cứu.
Khoảng 2 tuần sau giai đoạn 2, bệnh viện từng bước mở các bàn khám chuyên khoa, tiếp nhận điều trị bệnh nhân nội trú, phục vụ cho mọi đối tượng. Giai đoạn cuối cùng là triển khai thêm hoạt động phẫu thuật chương trình.
“Trước mắt Bệnh viện Đà Nẵng cố gắng giảm tải bằng việc yêu cầu các khoa phòng không có người nhà. Bệnh nhân sẽ được nhân viên bệnh viện chăm sóc toàn diện. Tùy từng tình hình cụ thể, bệnh viện sẽ có những điều chỉnh sát sao”- BS Nhân cho hay.
Niềm vui của các nhân viên Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: BÙI TOÀN
Theo BS Nhân, từ khi phong tỏa đơn vị đã tiến hành làm sạch bệnh viện triệt để theo bốn cấp độ gồm: Làm sạch bệnh nhân dương tính với COVID-19; làm sạch nhân viên dương tính với COVID-19; làm sạch môi trường, không khí thông thoáng và làm sạch toàn bộ phương tiện trang thiết bị phục vụ bệnh nhân trong thời gian vừa qua.
Ngoài ra, tất cả nhân viên bệnh viện đã được xét nghiệm và sáu lần âm tính với SARS-CoV-2.
“Phía trước còn rất nhiều việc phải làm tốt hơn nữa, còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta không thể mở cửa bệnh viện chậm trễ hơn vì rất nhiều bệnh nhân đang chờ chúng ta cứu chữa” – BS Nhân nói thêm.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết khi Bệnh viện Đà Nẵng bị phong tỏa, rồi đến một số bệnh viện khác trên địa bàn cũng rơi vào tình trạng tương tự, ngành y tế TP phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chưa kể áp lực rất lớn khi số lượng bệnh nhân có ngày lên tới 45 ca, trong đó có một số ca rất nặng.
Tuy nhiên trải qua một tháng, mọi khó khăn đang dần được giải quyết, dịch bệnh từng bước được kiểm soát.
“Chúng tôi xác định công tác phòng, chống dịch không được dừng lại mà phải có một chiến lược rất rõ ràng để đạt mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa không phải thực hiện giãn cách xã hội. Tôi mong từng người dân phải là một chiến sĩ trên trận địa chống dịch bằng việc thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, từng ngành cũng phải làm tốt nhiệm vụ của mình”- bà Yến nói.
Các y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng sẵn sàng trở lại với công việc cứu chữa bệnh nhân trong những ngày tới. Ảnh: BÙI TOÀN.
Bà Yến cũng cho rằng đợt dịch này là một bài học trong công tác phòng, chống COVID-19.
“Như tôi từng nói, có lẽ là trong một thời gian dài chúng ta ngủ quên trong chiến thắng. Hàng ngày chúng ta cứ đếm 60 ngày, 61 ngày thậm chí hơn 90 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nên sự kiểm soát, đề phòng cũng có phần chưa được tốt.
Tuy nhiên, đây là bài học cho tất cả ngành, trong đó y tế phải kiểm soát chặt hơn nữa, đặc biệt lãnh đạo các đơn vị phải thấy chỉ số an toàn bệnh viện về COVID-19 phải là một tiêu chí sống còn. Ngành y tế thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra từng nội dung, từng kế hoạch cụ thể của các đơn vị để uốn ắn. Chúng tôi nói với các bệnh viện nếu trong một khoảng thời gian ngắn mà bệnh viện không đạt được an toàn thì Sở Y tế sẽ đóng cửa. An toàn phải được đặt lên trên hết”- bà Yến nói thêm.