Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump có nói đến việc sử dụng thuốc điều trị sốt rét (chứa hoạt chất chloroquine) để điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 cho kết quả khả quan và xem xét đưa vào sử dụng đại trà.
Lùng mua thuốc với giá cắt cổ
Từ thông tin trên, nhiều người dân ở Việt Nam bắt đầu lùng sục để mua loại thuốc này. Mặc dù là thuốc bán theo toa, phải có chỉ định của bác sĩ nhưng nó dễ dàng mua được ở các nhà thuốc và giá bán bị thổi lên cao.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, chưa có báo cáo nào khẳng định thuốc Hydroxychloroquine/Chloroquine có thể điều trị COVID-19. Việc lạm dụng, trữ thuốc vô tội vạ có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Điển hình, mới đây một người đàn ông (44 tuổi, Hà Nội) đã tự ý uống khoảng 15 viên thuốc trị sốt rét chứa chloroquine để phòng bệnh COVID-19. Hậu quả bệnh nhân phải nhập viện súc ruột và cấp cứu tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai).
Sau khi được điều trị khỏi và xuất viện, bệnh nhân cho biết nghe thông tin trên mạng thuốc sốt rét được dùng để điều trị COVID-19 nên đã mua thuốc để uống dự phòng. Ngay sau khi uống, bệnh nhân bị tụt huyết áp, nôn, mắt nhìn lơ mơ...
Việc tự ý trữ thuốc sốt rét ngừa COVID-19 có thể dẫn đến hậu quả khó lường.
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy (TP.HCM), tính đến ngày 18-3, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vẫn chưa hề có một báo cáo nào khẳng định thuốc chloroquine có thể điều trị COVID-19. Chloroquine chỉ là một loại thuốc dự trù và đang nghiên cứu. Hiện nay chưa có một loại thuốc nào được xác định, cấp phép để điều trị COVID-19.
Theo BS Hùng, thuốc Chloroquine là thuốc kê đơn, do đó người bệnh phải uống theo chỉ định của bác sĩ. Nếu sử dụng không đúng cách, thuốc khi vào cơ thể sẽ gây nhiễm độc tế bào, hậu quả sẽ khó lường. Lúc này chưa kịp phòng ngừa được COVID-19, người uống đã đứng trước nguy cơ bị suy gan, suy thận rất cao. Thậm chí những người đang có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, huyết áp… có thể tử vong do tổn thương gan, thận cấp.
Phân tích sâu hơn về loại thuốc này, BS Hùng cho biết chloroquine là một chất gốc quinine được người Đức tổng hợp ra vào những năm 1930, khởi đầu thuốc dùng điều trị bệnh sốt rét. Trong quá trình sử dụng, người ta dần phát hiện ra những tính chất mới của nó nên có những chỉ định điều trị mới ra đời.
Hydroxychloroquine là một hợp chất mới có tác dụng giống chloroquine nhưng độc tính ít hơn, có nhiều chỉ định điều trị các bệnh khác như viêm khớp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm cơ bì... Tuy nhiên ở mỗi loại bệnh thì cần dùng ở một liều lượng, cách dùng và thời gian dùng khác nhau. Từ sau các vụ dịch SARS (2003) và MERS CoV (2009), các hãng dược phẩm đã đua nhau tìm kiếm thuốc đặc trị coronavirus nhưng vẫn chưa có loại thuốc hữu hiệu nào được tìm ra.
Một người dùng mạng xã hội khuyên người dân trữ sẵn thuốc sốt rét để phòng ngừa COVID-19. Ảnh: HL
Đừng để tiền mất, tật mang
Hiện tại, trước đại dịch COVID-19, các nhà nghiên cứu cũng đang gấp rút tìm ra vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Do thời gian quá gấp rút, con đường ngắn nhất cho các nhà nghiên cứu là tầm soát lại những loại thuốc đã được sử dụng một thời gian dài, có bằng chứng về sự an toàn khi sử dụng và có hoạt tính ngăn ngừa tiêu diệt được virus. Từ đó, một loạt các loại thuốc điều trị Eboloa, SARS, HIV, thuốc điều trị cúm và cả Chloroquine/Hydroxychloroquine được các nhà nghiên cứu chọn lựa để thử nghiệm điều trị SARS-CoV-2.
Tới nay, cuộc chạy đua với thời gian để tìm ra một loại thuốc hiệu quả nhất, đáng tin nhất vẫn đang diễn ra chưa phân thắng bại vì mỗi loại thuốc đều có ưu và nhược điểm. Riêng về Hydroxychloroquin, đã có một số kết luận ban đầu như có tác dụng ức chế sự phát triển của virus (trong ống nghiệm) gấp ba lần so với chloroquine (ở liều thử nghiệm).
Ngoài ra, Hydroxychloroquin có tác dụng kháng viêm khá tốt và làm giảm phóng thích các hoạt chất trung gian (cytokins), rất có thể có tác dụng tốt cho việc ngăn chặn tiến trình tổn thương phổi dẫn tới suy hô hấp hay các cơ quan nội tạng, ngăn chặn diễn tiến tới sốc ở những bệnh nhân nặng. Về liều điều trị thích hợp trên người, cần kiểm chứng thêm.
BS Hùng bày tỏ mặc dù vào thời điểm này chưa xác định chính xác được loại thuốc điều trị hữu hiệu nhất nhưng mỗi ngày đều có những báo cáo kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học trên thế giới. Hy vọng rằng chúng ta sẽ có vũ khí hữu hiệu chống lại dịch bệnh này trong một ngày không xa.
Trong thời gian chờ đợi dù chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh, chúng ta cũng không phải quá lo lắng. Tính đến ngày 20-3-2020, toàn thế giới có đến gần 92.000 người khỏi bệnh mà trong số đó không ít những người lớn tuổi, mắc bệnh nặng phải thở máy. Phần lớn những người khỏi bệnh chỉ được dùng các biện pháp điều trị hỗ trợ mà không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Riêng ở Việt Nam, chưa có trường hợp nào tử vong do dịch bệnh. Điều này cũng chứng minh được rằng nếu số lượng người mắc bệnh không nhiều, tình trạng quá tải không gây áp lực lớn lên ngành y tế thì người bệnh vẫn được điều trị bất chấp việc chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Về việc người dân đổ xô mua trữ thuốc Chloroquine/Hydroxychloroquin, BS Hùng đánh giá là lãng phí và việc tự ý sử dụng có thể dẫn đến tiền mất, tật mang do người dân mua thuốc rồi không biết cách sử dụng. Hoặc có uống thuốc rồi thì làm sao người dân biết cách theo dõi mình đã hết nhiễm virus.
Ngoài ra, hiện nay khi xác định mắc bệnh, các bệnh viện có chức năng sẽ điều trị cho người bệnh miễn phí. Trước đây đã từng có người đổ xô đi tìm mua Tamiflu, có khi với giá cắt cổ để sẵn sàng điều trị cúm gia cầm tại nhà nhưng sau đó chắc phải đem đi vứt bỏ vì bệnh viện không thiếu thuốc cho người dân.
BS Hùng nhắn nhủ: “Xin hãy yên tâm, khi chắc chắn về tác dụng của thuốc đặc hiệu, chúng tôi sẽ là người đầu tiên dùng nó để điều trị cho các bạn. Không nên tự ý sử dụng có thể gây ra tiền mất, tật mang”.