Dịch kéo dài, người dân làm gì để tránh tâm lý bất an?

Hơn hai tháng nay, kể từ ngày dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại TP.HCM và một số địa phương khác, nhiều người phải ngưng việc, làm việc tại nhà hoặc phải thực hiện các biện pháp cách ly để phòng chống dịch. Việc ở nhà hay ở trong khu cách ly liên tục một thời gian đã khiến không ít người rơi vào trạng thái tâm lý bất an trong mùa dịch.

Xem như một kỳ nghỉ dài hạn

Kể từ ngày 31-5, ngày quận Gò Vấp bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đến nay anh NVH, ở chung cư K26, phường 7, Gò Vấp, phải ngưng việc ở nhà để chống dịch.

Theo anh H., việc ở nhà một thời gian dài như thế đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và áp lực tài chính của gia đình. Trước đây, công việc của anh H. trong công ty là đi ngoại giao tìm đối tác về cho công ty và hầu như tuần nào cũng có tiệc tùng để tạo mối quan hệ với khách hàng. Đây cũng là thói quen của anh nên những ngày đầu ở nhà anh thấy rất bí bách, khó chịu. Anh cũng ráng cố gắng vượt qua một tuần, rồi hai tuần... Tưởng mọi việc sẽ trở lại bình thường, ai ngờ sau đó công ty anh thông báo tiếp tục nghỉ, chưa đi làm lại.

“Lúc này tâm trí tôi rất bất an, nhà ở chung cư, đi ra, đi vô với bốn bức tường mà chẳng biết làm gì. Nhà thì tới bảy người, bình thường đi học, đi làm hết, chỉ có tối về ngủ. Nay cứ vài người ngồi lan can sau nhà, người ở trong phòng thì vài người phải ra trước nhà hoặc lên sân thượng; cứ phải đảo liên tục. Những cảm giác khó chịu đó, cộng thêm chuyện áp lực tài chính đã có lúc làm tôi mất kiểm soát trong lời nói của mình khiến gia đình xào xáo” - anh H. chia sẻ.

Tiếp tế đồ ăn cho người dân trong khu phong tỏa tại TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Chị TC ở phường Thạnh Lộc, quận 12, cho biết lúc trước đi làm, chị chỉ ước được nghỉ nhiều ngày ở nhà nghỉ ngơi, chăm lo gia đình, giờ điều ước thành hiện thực nhưng không vui chút nào mà trái lại là một nỗi ám ảnh. Trong những ngày nghỉ do khu nhà ở bị phong tỏa, chị bắt đầu thực hiện thời khóa biểu ngược, ngủ ngày thức đêm. Tối thì thức xem phim, xem hết phim bộ cho tới phim lẻ, ngày ngủ. Chỉ được mấy ngày đầu, những ngày sau chị đã cảm thấy rất ngột ngạt vì không được đi ra ngoài.

“Đúng là trong khoảng thời gian ở nhà, tôi bị ám ảnh về dịch bệnh khi xem những thông tin không đúng về dịch COVID-19 trên các trang mạng xã hội. Sau này, hiểu ra và được người thân khuyên nhủ tôi đã thoát khỏi sự sợ hãi, ám ảnh về dịch bệnh. Tôi bắt đầu giảm xem điện thoại, tivi, lên lịch tự tập yoga để có sức khỏe. Đặc biệt, tôi dành nhiều thời gian trong ngày để thiết kế lại mảnh vườn nhỏ, nội thất căn nhà mơ ước của mình” - chị C. cho biết.

Tránh sa vào những tệ nạn trên mạng xã hội

Phân tích những tâm lý bất an trong mùa dịch, ThS tâm lý Lê Thị Minh Hoa cho rằng trong mùa dịch này nhiều người có những nỗi lo khác nhau bởi bên cạnh nỗi lo về dịch bệnh thì còn có nỗi lo khác là công việc ngưng trệ, tài chính giảm, ở nhà không gian chật hẹp, trong một số trường hợp cha mẹ phải xa con nhỏ dài ngày…

Theo ThS Hoa, với tình hình dịch bệnh hiện nay thì một số nhóm người sẽ chịu không ít những ảnh hưởng tâm lý.

Cụ thể, như nhóm người phải làm việc kiếm thu nhập hằng ngày mà nghỉ lâu thì họ sẽ bị áp lực chuyện cơm áo gạo tiền. Nhóm thứ hai là những người liên quan đến công việc kinh doanh, dịch bệnh nên không làm gì được, trong khi đó hằng tháng họ phải trả các chi phí như tiền thuê nhân viên, thuê mặt bằng… Nhóm thứ ba là những người trẻ quen sống tự do, thoải mái nhưng giờ ở một chỗ bí bách, nhàn rảnh thì rất dễ bị stress, tâm lý bất ổn.

Cũng theo ThS Hoa, thường biểu hiện của những người thuộc các nhóm trên có cảm giác khó chịu, bực bội dễ gây gổ, có nhiều người cứ đi ra đi vào, hoặc ngồi lì một chỗ… như vậy sẽ dẫn đến có những suy nghĩ tiêu cực.

Có những người lo lắng mất ăn, mất ngủ hoặc ngược lại có những người lại lao vào ăn uống và điều này rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cách để vượt qua những có tâm lý bất an ở nhà trong mùa dịch này, theo ThS Hoa, tốt nhất là phải nghĩ tích cực, làm việc mình yêu thích, cùng chung sức với thành phố để sớm ngăn chặn dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

“Thời gian ở nhà này, mọi người nên tránh tuyệt đối việc sa vào những tệ nạn trên mạng xã hội như cá độ đá banh, đánh bạc bởi đây sẽ là cú trượt dài nếu dính vào khó dứt ra. Với những người gặp khó khăn về tài chính, cũng nên thật cân nhắc khi vay những khoản tiền qua app với lãi suất cao, khó trả và lại vướng vào vòng luẩn quẩn nợ nần” - ThS Minh Hoa nói.•

 

Dịch COVID-19 không đáng sợ nếu chúng ta biết cách

Trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp, TP đang đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm để tìm ra F0 và việc số ca mắc có tăng là điều bình thường.

Hiện nay, việc người dân TP phải thực hiện Chỉ thị 16 để chống dịch là rất cần thiết, nếu người dân thực hiện càng tốt thì dịch bệnh càng sớm kết thúc.

Dịch COVID-19 không đáng sợ như nhiều người đang nghĩ, chúng ta hãy học cách sống chung với nó. Điều mà người dân cần làm hiện nay là thực hiện tốt biện pháp 5K khi ra ngoài thì không việc gì phải lo.

BS TRƯƠNG HỮU KHANH -
Trưởng Khoa nhiễm - thần kinh, BV Nhi đồng 1

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới