Thông tin từ cuộc họp khẩn do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì sáng nay, 14-3, cho biết bệnh dịch tả đã lan xuống phía Nam, tới Nghệ An thuộc khu vực Bắc Trung bộ, và mở rộng lên một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Bắc Kan, Sơn La. Dịch xuất hiện chủ yếu ở các hộ nhỏ lẻ, với hơn 23.000 con phải tiêu hủy.
Về nguyên nhân khiến dịch lây lan, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, bước đầu xác định là do người dân chưa nhận thức được tầm nguy hiểm của dịch bệnh nên còn tình trạng mua bán lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh.
Virut tả heo châu Phi lại có thể tồn tại lâu ngoài môi trường tự nhiên, trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ năng lực vệ sinh phòng bệnh hạn chế. Tình trạng sử dụng thức ăn thừa diễn ra nhiều, khiến dịch lây lan nhanh. Việc kiểm soát vận chuyển gia súc còn kẽ hở cũng là nguyên nhân. Như ổ dịch bùng phát ở Sơn La gần với đường đi qua đèo Phadin, nơi có điểm tắm lợn.
Trong các ổ dịch hiện nay có một điểm ở Bắc Kạn, phát hiện ngày 12-3, hiện chưa xác định được nguyên nhân. Vì hộ chăn nuôi này nằm nơi heo hút, cách quốc lộ 3km, lối vào bằng đường mòn và chỉ xe máy mới đi được. Heo đã nuôi được 9 tháng, gần 100kg, người dân chỉ cho ăn rau chuối, không cho thức ăn gì lạ. Cục Thú y đang tiếp tục theo dõi, truy tìm nguồn bệnh.
Nhiều kẽ hở trong phòng chống dịch bệnh
Đánh giá sau một tháng rưỡi triển khai công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết đã bộc lộ một số hạn chế. “Một số địa phương có dịch bệnh xảy ra diện rộng, lực lượng thú y cơ sở phải căng ra, nên việc tổng hợp, báo cáo số liệu, nguyên nhân… chưa đầy đủ, chính xác, kịp thời”.
Ngoài ra, một số địa phương có dịch đã lập chốt kiểm dịch, nhưng chưa chặt chẽ. Đến mức, có đoàn chuyên gia của Tổ chức Nông lâm quốc tế FAO sang ta đánh giá tình hình đã phát hiện người dân chở lợn sống bằng xe máy trong thôn đang có dịch tại Thái Bình.
Thái Bình và Hải Phòng đang có ổ dịch nhưng nhiều hộ giết mổ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát. Nhiều địa phương chưa quản lý triệt để thương lái đi thu gom heo, trong đó có heo ốm, chết. Việc quản lý hoạt động truyền tinh heo, buôn bán thức ăn chăn chăn nuôi, thuốc thú y... chưa chặt chẽ khiến dịch bệnh có thể mở rộng bất cứ lúc nào. Tập huấn kỹ thuật về an toàn sinh học cũng chưa nghiêm túc, dẫn tới người tham gia xử lý, tiêu hủy heo bệnh mang virut lây về đàn heo nhà mình.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các lực lượng liên ngành khắc phục ngay các hạn chế, yếu kém, kẽ hở trong công tác phòng dịch. Ông nhấn mạnh nhiệm vụ ngăn chặn, không để dịch lây lan từ tỉnh này sang tỉnh khác. “Nếu lan truyền vào các tỉnh phía Nam thì rất nguy hiểm. Vì phía Nam có Đồng Nai, là tỉnh đang tập trung số đàn heo lớn nhất cả nước”, ông Cường nói.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng lưu ý công tác vệ sinh, phòng dịch ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Bởi địa hình, thời tiết như vậy có thể giúp virut tả heo châu Phi tồn tại lâu dài, tái bùng dịch bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, cần hỗ trợ cho người dân càng nhanh càng tốt, tránh tình trạng bán tống, bán tháo khiến dịch lây lan nhanh. Tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về loại bệnh này, không quay lưng với thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo.