Sau một thời gian có phần dịu đi, khoảng hai tuần gần đây dịch COVID-19 ở Mỹ xấu lại nguy hiểm, và đội đặc nhiệm chống dịch của Nhà Trắng đã phải khôi phục họp báo về tình hình dịch sau hai tháng, theo trang tin PBS.
Dịch lúc này khác với “hai tháng trước”
Tại cuộc họp báo ngày 26-6, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence – lãnh đạo đội đặc nhiệm chống COVID-19 của Nhà Trắng thừa nhận tình hình dịch lúc này khác với “những gì chúng ta nhìn thấy hai tháng trước”.
Phó Tổng thống Mike Pence (không đeo khẩu trang) và các thành viên đội chống dịch của Nhà Trắng tại cuộc họp báo về COVID-19 ngày 26-6. Ảnh: AP
Trong những điều khác đó, theo ông Pence, ngoài tình hình dịch diễn biến xấu lại thì so với trước thì khả năng đối phó dịch của Mỹ đã khá hơn. Có thể thấy điều này qua việc nhiều bang có dịch nặng không yêu cầu chính phủ cung cấp máy trợ thở hay thiết bị bảo hộ cá nhân như trước.
Theo PBS, nhiều chuyên gia cho rằng số ca nhiễm mới tăng một phần do Mỹ mở rộng xét nghiệm nhưng đó cũng là chứng cứ cho thấy virus đang quay trở lại nguy hiểm.
Biểu đồ hiển thị độ tăng giảm nhiễm mới COVID-19 ở Mỹ. Ảnh: CNBC
Số ca nhiễm, nhập viện và tử vong giảm mạnh trong cuối tháng 4, tháng 5 và đầu tháng 6. Tuy nhiên hai tuần gần đây dịch diễn biến xấu lại. Trong hai tuần qua, số ca nhiễm mới mỗi ngày của Mỹ tăng đến 60% so số ca nhiễm mới một ngày thời gian trước đó, theo tính toán của hãng tin AP. Trong ba ngày liên tiếp, số ca nhiễm mới mỗi ngày của Mỹ cao hơn 40.000 ca/ngày.
Tính đến ngày 27-6 tổng số ca nhiễm ở Mỹ đã vượt số 2,5 triệu trong đó hơn 125.000 người chết, vẫn nặng nhất toàn cầu.
Dân vẫn đổ ra khu vực bãi biển Miami, Florida (Mỹ) ngày 26-6. Ảnh: ABC NEWS
Đứng đầu trong bảng thống kê của trang web Worldometer vẫn là bang New York với hơn 416.000 ca nhiễm trong đó 31.452 người chết. Tuy nhiên phần lớn các con số này có từ những tháng trước, khi New York là tâm dịch của Mỹ. Hiện New York và một số bang láng giềng ở đông bắc Mỹ - vốn hứng dịch nặng trước kia – thông báo số ca nhiễm giảm và xúc tiến kế hoạch mở cửa.
Sau New York là các bang California (210.849 ca nhiễm trong đó 5.904 người chết) và New Jersey (176.045 ca nhiễm trong đó 15.092 người chết). Phần lớn trong các con số này có từ cao điểm dịch hai tháng trước. Tuy nhiên gần đây dịch ở California lại có dấu hiệu xấu hơn, tỷ lệ tăng số ca nhiễm mới tăng hơn 5% trong vòng hai tuần qua.
Ngày hàng chục ngàn người nhiễm, vẫn phản đối đeo khẩu trang
Trong khi đó tình hình dịch tại nhiều bang như Texas, Florida, Arizona, Arkansas, Nevada cũng diễn biến xấu nguy hiểm.
Texas đã năm ngày liên tục có ít nhất 5.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Hiện tổng số ca nhiễm ở Texas hơn 143.000 trong đó 2.404 người chết, tính đến ngày 27-6.
Một quán bar đóng cửa ở Austin, bang Texas (Mỹ) ngày 26-6. Ảnh: Sergio Flores | AFP | GETTY IMAGES
Sáng 27-6 bang Florida có tới gần 9.600 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức kỷ lục thứ hai trong hai ngày liên tiếp. Hiện tổng ca nhiễm ở Florida là 132.545 trong đó 3.392 người chết.
Bang Arizona có tới 3.591 ca nhiễm mới, mức cao thứ hai trong một tuần. Ngày 23-6, Thống đốc bang Arizona – ông Doug Ducey thừa nhận các bệnh viện đã tăng thêm áp lực và sẽ sớm quá tải.
Các bang Nevada, South Carolina, Georgia cũng có từ hơn 1.000 đến 2.000 ca nhiễm mới.
Phó Tổng thống Pence đã hủy lịch vận động ở các bang Arizona và Florida.
Ngày 27-6, Thống đốc bang Washington – ông Jay Inslee thông báo sẽ dừng tiến trình mở cửa ở một số hạt. Bang Florida cũng đã ngừng kế hoạch mở cửa.
Dân biểu tình đòi mở cửa ở bang Maryland (Mỹ). Ảnh: ABC NEWS
Các bang có dịch thuộc hàng nặng nhất - như Texas, Florida, Arizona, Arkansas…- đều do các thống đốc Cộng hòa kiểm soát. Các thống đốc này từ đầu vốn không áp lệnh buộc dân đeo khẩu trang và ủng hộ chủ trương sớm khôi phục hoạt động kinh tế của Tổng thống Donald Trump.
Ngày 23-6, Thống đốc các bang Texas, Florida và Arizona vẫn phản đối biện pháp đeo khẩu trang. Còn tại bang Nevada, ngày 24-6, Thống đốc Steve Sisolak đã yêu cầu dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng, sau bốn tuần liên tiếp chứng kiến ca nhiễm tăng mạnh.