WHO báo động và điều tra ổ dịch COVID-19 mới ở Bắc Kinh

Kênh CNA dẫn số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Bắc Kinh đã ghi nhận tới hơn 100 ca nhiễm liên quan đến ổ dịch mới từ khu chợ bán thịt cá Xindafi xuất hiện tuần trước. Diễn biến đến sau khi Bắc Kinh đã 55 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới.

Tình hình rất nghiêm trọng, WHO báo động

Ông Wu Zunyou, trưởng bộ phận nghiên cứu bệnh dịch của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc nói với Nhân dân nhật báo vào chiều 15-6 rằng tình hình rất nghiêm trọng.

“Bản thân việc nó xảy ra ở chợ Xindafi – một khu chợ bán sỉ lớn – đã là một thách thức, chúng tôi cố gắng thực hiện các cuộc điều tra về bệnh dịch” – ông Wu nói.

Ngày 14-6, Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan tuyên bố sẽ có các biện pháp “quyết liệt và dứt khoát” để ngăn đà lây.

Hiện 12 khu nhà gần chợ Xindafi bị phong tỏa. Tại Bắc Kinh trong ngày 15-6, nhiều quận đã lập các chốt kiểm soát, đóng cửa trường học và yêu cầu dân đi xét nghiệm.

Người dân Bắc Kinh đi xét nghiệm COVID-19 ngày 15-6. Ảnh: REUTERS

Diễn biến đáng ngại từ Bắc Kinh đến trong bối cảnh nhiều nước, đặc biệt nhiều nước châu Âu, bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa và hạn chế đi lại sau khi số ca nhiễm và tử vong giảm. Do đó Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 15-6 đã báo động các nước về nguy cơ đại dịch lại trỗi dậy mạnh hơn.

WHO nói hiện chưa có ca tử vong nào mới ở Bắc Kinh, nhưng nếu căn cứ vào quy mô rộng lớn và mật độ dân cư đông của địa phương này thì ổ dịch mới rất đáng lo ngại.

“Thậm chí các nước đã thể hiện khả năng kiềm chế đà lây vẫn phải chú ý đến nguy cơ có sự trỗi dậy (của COVID-19 – PV). Tuần trước Trung Quốc báo cáo có một ổ dịch với một số ca nhiễm ở Bắc Kinh, sau hơn 50 ngày không có ca nhiễm nào ở TP này. Giờ thì đã xác nhận hơn 100 ca nhiễm. Nguồn dịch và khả năng lây lan đang được điều tra” - Tổng Giám đốc WHO Tedros nói.

Tổng Giám đốc WHO Tedros cũng báo động về đà lây một khi dịch làn tràn rộng. Thế giới có 100.000 người nhiễm ban đầu trong hai tháng, nhưng thời gian để thêm 100.000 người nhiễm mới nhất thì chỉ có hai tuần.

Virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 xuất hiện tại một khu chợ ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) từ cuối năm 2019 rồi nhanh chóng lây lan khắp TP rồi ra cả toàn cầu. Đến thời điểm này đã có hơn tám triệu người nhiễm với hơn 439.000 người chết.

Ngoài Bắc Kinh, TP Bảo Định (tỉnh Hồ Bắc) báo cáo một ổ dịch với bốn ca nhiễm trong một gia đình. TP Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) cũng xuất hiện ca nhiễm sau khi từ Bắc Kinh về. Tỉnh Liêu Ninh cũng cá hai ca nhiễm sau khi từ Bắc Kinh về.

WHO tham gia điều tra

Giám đốc Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO – ông Mike Ryan lạc quan các nước đã áp dụng sớm và toàn diện các biện pháp kiềm chế dịch khả năng sẽ đối phó tốt với làn sóng lây nhiễm mới. Tuy nhiên với tình hình Bắc Kinh thì không chắc.

“Tuy nhiên, Bắc Kinh là một TP lớn và rất năng động lại có đặc thù nối kết cao (với các địa phương khác), vì thế luôn có sự lo ngại” – ông Ryan nhận định.

“Và tôi nghĩ các bạn có thể thấy sự lo ngại này từ chính phủ Trung Quốc khi phản ứng với dịch, chúng tôi đang theo dõi chặt tình hình” – ông Ryan nói thêm.

Tiến sĩ Ryan nói WHO đã đề nghị hỗ trợ chính phủ Trung Quốc trong việc điều tra ổ dịch mới ở Bắc Kinh. Có thể WHO sẽ tăng cường đội điều tra của mình ở Bắc Kinh trong vài ngày tới tùy diễn biến điều tra.

“Một ổ dịch thế này là một mối lo ngại và cần phải được điều tra và kiểm soát – và đó chính xác là điều nhà chức trách Trung Quốc đang làm” – Tiến sĩ Ryan nói.

Tổng Giám đốc Tedros nói WHO chưa xác định được nguồn gốc dẫn đến bùng phát ổ dịch mới. Còn Tiến sĩ Ryan thì nói ông không tin vào giả thuyết nguồn dịch bùng phát từ việc đóng gói mặt hàng cá hồi trong chợ.

Chợ Xindafi – nơi xuất hiện ổ dịch COVID-19 mới ở Bắc Kinh. Ảnh: REUTERS

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói virus được phát hiện có trên các tấm thớt sơ chế cá hồi ở chợ Xinfadi. Truyền thông Trung Quốc cũng lo ngại về một làn sóng lây nhiễm mới trong nước sau khi xuất hiện ổ dịch này.

Nhận định của Tiến sĩ Ryan tương đồng với nhận định của nhiều chuyên gia rằng bản thân cá không có nhiều khả năng mang dịch bệnh, và nếu có bất kỳ mối liên quan nào đến cá hồi thì có thể là do bị lây nhiễm trong quá trình sơ chế.

Trung Quốc – nước nhập khẩu lớn về hải sản và thịt – đã tạm ngưng nhập cá hồi từ châu Âu vì lo có thể liên quan đến dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm