Điểm cao nhưng chất lượng bồi dưỡng cán bộ không tăng

(PLO)- Thực trạng đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức còn những bất cập, kéo theo nhiều hệ lụy.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 5-7, Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng bộ công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức”. Đây là bước tham vấn nhằm hoàn thiện dự thảo thông tư thay thế Thông tư 10/2017/TT-BNV quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

8, 9 điểm nhưng học lại... như không biết gì

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), thông tin mỗi năm ngân sách nhà nước chi cho việc bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức khoảng 1.000 tỉ đồng, trong đó Hà Nội và TP.HCM hơn 200 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Nghĩa thừa nhận thực tế triển khai cho thấy các đối tượng đánh giá (chương trình, học viên, giảng viên...) “na ná” giống nhau, gây tâm lý nặng nề, nhàm chán, miễn cưỡng khi tổ chức đánh giá. Các tiêu chí, chỉ báo khá phức tạp, rườm rà, không thật sự cần thiết hoặc khó đánh giá, khó trả lời, gây rối, nhầm lẫn cho đối tượng trả lời...

Công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cần cải thiện nhanh chóng. Ảnh: NGUYỆT NHI

Công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cần cải thiện nhanh chóng.
Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo TS Hà Quang Trường (Viện Khoa học tổ chức nhà nước), kết quả đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có được từ việc sử dụng bộ công cụ cho thấy trong các năm 2019-2021, tuyệt đại đa số nội dung đánh giá của các khóa, lớp bồi dưỡng đều đạt kết quả từ tốt trở lên (8 điểm trở lên).

“Chất lượng toàn tốt trở lên, toàn 8-9 điểm nhưng tại sao học hành chính công xong học lại như không biết gì?” - TS Nguyễn Ngọc Vân, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, đặt vấn đề.

Trong khi đó, TS Lại Đức Vượng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đặt câu hỏi vì sao nội dung bồi dưỡng tốt, giáo viên tốt... nhưng năng lực, trình độ cán bộ, công chức vẫn không đáp ứng yêu cầu? Ông Vượng cũng nêu thực tế có bộ 50% chuyên viên không biết viết chiến lược. “Tìm được người viết chiến lược rất khó” - ông Vượng nói.

Khá thẳng thắn, TS Nguyễn Hải Thập, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), nhận xét Thông tư 10/2017/TT-BNV chỉ là “cái áo rất đẹp”. “Khi đánh giá ai cũng cho đạt cả, thậm chí cho 8-9 điểm nhưng tại sao điểm cao như thế mà chất lượng bồi dưỡng không tăng” - ông Thập nói.

Cần “chế tài” sau kiểm định

Góp ý sau đó, TS Nguyễn Hải Thập nêu ba vấn đề cốt lõi phải làm. Theo đó, chương trình bồi dưỡng phải phù hợp với các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm của đội ngũ cán bộ, công chức. Phải minh chứng, đánh giá được chương trình bồi dưỡng có bao nhiêu môn học chuyên đề, học phần; mỗi môn học, học phần bảo đảm được năng lực nào trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Ông Thập cho rằng đây là vấn đề Thông tư 10 chưa đánh giá được.

Về chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp, ông Thập bày tỏ băn khoăn khi “một chương trình bồi dưỡng đồ sộ như thế lại không nhằm vào tiêu chuẩn chức danh nào cụ thể”.

Tiếp cận công cụ đánh giá còn hạn chế

Khảo sát do Viện Khoa học tổ chức nhà nước thực hiện mới đây cho thấy trong hơn 9.700 phiếu điều tra xã hội học có tới 37% số người được hỏi chưa từng được tiếp cận bộ công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

“Nhiều giảng viên của chúng tôi đi học bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp chỉ nhằm để tới đây bổ nhiệm hiệu phó hay hiệu trưởng hay trưởng khoa” - ông Thập nói.

“Phải chứng minh được chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp này hình thành năng lực nào của cán bộ, công chức” - ông Thập nhấn mạnh.

Về đội ngũ giảng viên, theo ông Thập, nếu chỉ yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ là chưa đủ. “Có những người chỉ đi học, hết đại học rồi thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về, chưa đứng lớp bao giờ. Tới khi đứng lớp, chân tay còn run thì không thể giảng được” - ông Thập đề nghị phải có hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá về năng lực của đội ngũ giảng viên.

Tuy nhiên, TS Thập khẳng định quan trọng nhất là việc đánh giá kết quả bồi dưỡng. Theo đó, cần xây dựng ngân hàng đề thi, chấm thi bằng công nghệ, không để con người can thiệp vào, khi đó kết quả bồi dưỡng mới thực sự là yếu tố để nâng cấp chất lượng đội ngũ cán bộ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy