Trong báo cáo gửi Quốc hội về kết quả kiểm toán năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt các bất cập, hạn chế, sai sót trong quá trình đầu tư, quản lý các dự án theo hình thức BOT, BT.
Theo Kiểm toán Nhà nước, chưa có tiêu chí lựa chọn dự án được đầu tư theo hình thức BOT. Hầu hết các dự án BOT áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư và chỉ định nhà thầu thi công mà không thực hiện đấu thầu; xác định tổng mức đầu tư của dự án còn sai sót; lưu lượng phương tiện giao thông không phù hợp với thực tế; nghiệm thu, thanh toán còn sai sót. Kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2016 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 1.150,46 tỉ đồng.
Dự án BOT Hà Nội - Hải Phòng cũng giảm thời gian thu phí hơn một năm sau khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc. Ảnh: VIẾT LONG
Ngoài ra, tiến độ thi công chưa đảm bảo; chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí; khoảng cách một số trạm thu phí không đảm bảo quy định tối thiểu 70 km. Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án được kiểm toán (năm 2016 là 21 dự án) so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm.
Trong đó, dự án công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn Km 1488 - Km 1525, tỉnh Khánh Hòa giảm nhiều nhất với 13 năm một tháng 12 ngày; dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn Km 1793+600 đến Km 1824+00, tỉnh Đắk Nông giảm hơn 12 năm; dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, quận 9, TP.HCM giảm 11 năm; dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài, Bình Phước giảm chín năm chín tháng 21 ngày...
Đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, đã xác định giá trị hợp đồng còn sai sót; có dự án không lập phương án tài chính...
Cụ thể, dự án ở tỉnh Bình Phước giao Công ty TNHH Đức Bình không đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính thực hiện dự án, hay dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2, TP.HCM tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khi chưa báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án đầu tư chưa được phê duyệt.
Có dự án ký hợp đồng trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư như trường hợp dự án cải tạo nâng cấp đường 39B đoạn từ thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương đến thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình.
Ngoài ra, hợp đồng BT chưa quy định cụ thể việc thanh toán khi nhà đầu tư nhận được tiền hoàn trả; cơ cấu vốn đầu tư trong hợp đồng không đảm bảo quy định như dự án cải tạo nâng cấp đường 39B đoạn từ thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương đến thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình. Theo cam kết tại hợp đồng BT, số vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 269,1 tỉ đồng nhưng tính theo quy định phải góp là 282,2 tỉ đồng, tính thiếu 13,1 tỉ đồng.
Trong khi đó, dự án xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan tỉnh Thừa Thiên-Huế và TP Đà Nẵng xác định giá trị hợp đồng còn sai sót, sau kiểm toán giảm 64,7 tỉ đồng.
Ở dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, nhà đầu tư tính chi phí lãi vay không phù hợp với quy định 24,4 triệu USD (tương đương 534,6 tỉ đồng).
Ngoài ra, công tác lập dự án còn nhiều sai sót như dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả - quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa: Tổng mức đầu tư lập sai 3,8 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở: Tổng mức đầu tư lập sai 81,6 triệu USD...
Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng công tác quản lý chất lượng một số dự án, công trình giao thông chưa được các chủ đầu tư quan tâm, chú trọng. Tình trạng hồ sơ quản lý chất lượng còn thiếu sót, không đầy đủ xảy ra tại hầu hết các dự án. Công tác giám sát thi công không chặt chẽ dẫn đến nhà thầu đưa thầu phụ vào thi công một số hạng mục không có sự đồng ý của chủ đầu tư...
Bên cạnh đó, chất lượng thi công một số hạng mục chưa đảm bảo, có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng, gặp sự cố lúc vận hành. Một số công trình đường giao thông vừa hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng đã xuất hiện tình trạng hằn lún vệt bánh xe hoặc chưa thực hiện các biện pháp khắc phục.