Điểm sàn đánh giá năng lực chỉ từ 600 trở lên

(PLO)- Bên cạnh điểm sàn, các trường lưu ý thí sinh cần cân nhắc về chỉ tiêu từng ngành, từng trường để có lựa chọn phù hợp.

Sau khi ĐH Quốc gia TP.HCM công bố điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của hơn 88.000 thí sinh (TS) và phổ điểm năm nay, nhiều trường ĐH đã công bố mức điểm nhận hồ sơ để TS cân nhắc đăng ký xét tuyển sớm vào các trường.

152 thí sinh đạt trên 1.000 điểm

Theo đó, điểm trung bình của TS đợt 1 năm nay là 639,2 điểm, theo thang điểm 1.200. Toàn đợt thi có 152 TS đạt trên 1.000 điểm. TS có điểm thi cao nhất là 1.091 điểm và thấp nhất là 238 điểm.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2023 tại các trường ĐH ở TP.HCM. Ảnh: NT

Với phổ điểm này, theo đánh giá của ThS Trần Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), dựa trên những dữ liệu điểm thi mà ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố, so sánh với đợt 1 năm 2022, có thể thấy điểm trung bình và trung vị của đợt 1 kỳ thi năm nay thấp hơn 8-10 điểm.

Điều này cũng bình thường do lượng TS dự thi năm nay cao hơn năm trước gần 10.000 TS (khoảng 11%).

ThS Vũ cho rằng cũng vì lượng TS đông hơn và đề thi có tính phân hóa tốt nên tại tất cả khoảng điểm đều có số TS cao hơn 2%-10% so với năm rồi.

Đăng ký điều chỉnh nguyện vọng

Từ ngày 10 đến 17 giờ ngày 30-7, TS sẽ bắt đầu đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đợt 1 trên hệ thống của Bộ GD&ĐT.

TS không bị giới hạn số nguyện vọng và nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo mức ưu tiên giảm dần.

Cụ thể, tại khoảng điểm ở mức trung bình (601-750 điểm) tăng khoảng 10%, điều này có thể dự báo trước điểm chuẩn trúng tuyển đối với các ngành đào tạo có số điểm tương ứng sẽ tăng, dao động 5-10 điểm.

Tại phân khúc từ 751 điểm trở lên, được xem là những ngành tương đối thu hút TS, điểm cũng sẽ tăng nhẹ vài điểm. Tuy nhiên, ông Vũ cho hay tại thời điểm này chỉ mới là đợt 1 của kỳ thi, điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường sẽ còn có khả năng tăng nếu TS thi tiếp đợt 2 có điểm cao hơn đợt 1.

“Ngoài ra, TS cũng cần cân nhắc thêm các yếu tố về tỉ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi ĐGNL có xu hướng tăng dần và số trường có sử dụng kết quả này cũng tăng để chọn chiến thuật đặt nguyện vọng trong tương lai phù hợp” - ThS Vũ khuyên.

Chất lượng đầu vào không thấp hơn 600 điểm

Riêng tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ThS Vũ cho hay năm nay, trường xét tuyển sáu phương thức với tổng chỉ tiêu là hơn 3.500. Trong đó, trường dành đến 45%-50% chỉ tiêu xét điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM theo ngành/nhóm ngành. Và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) sẽ không thấp hơn 600 điểm.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết năm nay dự kiến tuyển 5.000 chỉ tiêu cho 34 ngành học. Trong bốn phương thức xét tuyển vào trường, trường dành 10%-15% chỉ tiêu cho phương thức sử dụng điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Điều kiện xét tuyển vào trường là những hồ sơ có điểm bài thi từ 700 trở lên đối với các ngành công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và marketing; 650 điểm cho các ngành: Ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, kinh doanh quốc tế, kế toán; 600 điểm cho các ngành còn lại.

Năm 2023, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM dự kiến tuyển sinh hơn 8.000 chỉ tiêu cho 45 ngành và nhóm ngành. Tuy nhiên, trường chỉ dành khoảng 10% chỉ tiêu xét điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM và trường sẽ nhận hồ sơ xét tuyển từ mức 650 điểm cho tất cả ngành.

Tương tự, Trường ĐH Ngoại thương nhận hồ sơ xét tuyển theo kết quả thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM là 850 điểm. Trường ĐH Kinh tế quốc dân nhận hồ sơ từ 700 điểm. Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cũng có điểm sàn từ 720 điểm.

Một số trường ĐH cũng đã có thông báo nhận hồ sơ cho phương thức này với mức điểm cũng khá thấp.

Cụ thể như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhận hồ sơ xét tuyển chỉ từ 550 điểm trở lên. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Hoa Sen có điểm sàn từ 600 điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới