Điểm sàn, điểm chuẩn thi đánh giá năng lực sẽ như thế nào?

Ngày 15-7, ĐH Quốc gia TP.HCM bắt đầu mở cổng đăng kí xét tuyển bằng phương thức kết quả điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL). Đây là kì thi thu hút lượng lớn thí sinh (TS) tham gia với khoảng hơn 63.000 em.  

Mở cổng đăng kí trong 1 tháng

TS Nguyễn Quốc Chính, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết kì thi năm nay có hơn 63.400 TS đăng kí dự thi.

Đây là số liệu cao nhất sau hai năm tổ chức và là đơn vị có kì thi riêng đông TS tham gia nhất.

Năm 2020, các đơn vị trực thuộc trường dành chỉ tiêu nhiều nhất để xét tuyển bằng phương thức này, trung bình 30-70% tổng chỉ tiêu. Ngoài hệ thống, có gần 60 trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả này để xét tuyển.

ĐH Quốc gia TP.HCM cũng thông tin, các trường trong hệ thống nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các đơn vị thành viên của trường từ ngày 15-7 và kết thúc vào 15-8 qua cổng thông tin http://thinangluc.vnuhcm.edu.vn.

Cụ thể là 10 đơn vị: Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH An Giang, Khoa y ĐH Quốc gia, Viện đào tạo quốc tế và Phân hiệu tại tỉnh Bến Tre.

Theo hướng dẫn, mỗi TS có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào các đơn vị trên của ĐH Quốc gia TP.HCM. Mỗi TS chỉ được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng cùng một đơn vị.

Như vậy, TS có thể đăng ký tối đa 26 nguyện vọng (do Viện và Phân hiệu chỉ có 1 ngành xét tuyển bằng ĐGNL ).

ĐH Quốc gia TP.HCM cũng lưu ý, các nguyện vọng này phải được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là cao nhất). Nếu trúng tuyển nguyện vọng trên thì không xét đến các nguyện vọng còn lại. Trong thời gian mở cổng đăng kí, TS được thay đổi nguyện vọng cũng như sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng xét tuyển đã đăng kí.

Thí sinh dự kì thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2019. Ảnh: PHẠM ANH

Điểm sàn, điểm chuẩn có tăng?

Theo thống kê từ ĐH Quốc gia TP.HCM, đến thời điểm này đã có 66 đơn vị đào tạo sử dụng kết quả thi ĐGNL để xét tuyển ĐH-CĐ. Đây cũng là năm có số đơn vị sử dụng nhiều nhất, trong đó có 10 đơn vị thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, còn lại là các trường bên ngoài hệ thống.

Để thuận tiện cho TS, nhiều trường đã sớm công bố mức điểm nhận hồ sơ đầu vào xét tuyển như trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay dành tối đa 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này. Trường cũng thông báo ngưỡng nhận hồ sơ đăng kí ban đầu cho tất cả các ngành phải từ 600 trở lên (thang điểm kì thi là 1.200).

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm nay cũng xét tuyển dành 15% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết quả ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM.  Tổng chỉ tiêu của trường là hơn 6.200 em. Để tham gia xét tuyển, TS đạt điểm đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào từ 600 điểm trở lên (đã cộng điểm ưu tiên).

Tại trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Th.S Phạm Thái Sơn, Giam đốc trung tâm tuyển sinh của trường, cho biết năm nay trường tiếp tục dành 10% chỉ tiêu cho xét điểm ĐGNL. Tuy nhiên, điểm nhận hồ sơ ban đầu của trường là 700 trong khi điểm chuẩn năm 2019 đã là 690 điểm.

Th.S Sơn cho hay, trường lấy mức điểm tuy hơi cao so với một số trường nhưng cũng tương đương với các trường công lập và cũng để đảm bảo phù hợp cho việc đào tạo của trường.

Theo Th.S Sơn, năm nay kì thi ĐGNL có đông TS dự thi, các trường xét tuyển cũng đông hơn. Do đó, điểm thi cũng sẽ tương đương năm ngoái nên điểm trúng tuyển vào các trường có thể sẽ tương tự  năm 2019.  

Nhận định về kì thi, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng năm nay  kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đã trở thành phương thức xét tuyển đại trà có quy môn lớn thứ ba, sau phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và phương thức học bạ.

Nhiều địa phương có tỉ lệ học sinh lớp 12 đăng ký dự thi rất cao như TP.HCM (30%, tương đường 21.000 TS ), Bình Dương (hơn 25%), Tây Ninh (gần 20%).... Thống kê sơ bộ có hơn 30 trường THPT có số TS dự kỳ thi chiếm đến hơn 50% học sinh lớp 12 của trường.

Theo TS Nghĩa, đề thi của kỳ thi khá ổn định từ hai năm qua với độ phân hoá rất tốt. Năm 2019 hầu hết các trường có mức điểm nhận hồ sơ bằng kết quả này từ 600 điểm trở lên.

Điểm chuẩn trúng tuyển nhiều ngành ở một số trường ở mức cao đến 900 điểm như khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (trường ĐH Bách khoa); nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin (trường ĐH Khoa học Tự nhiên); Ngôn ngữ Anh (trường ĐH KHXH&NV); kinh tế quốc tến, quản trị kinh doanh, marketing kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử (trường ĐH Kinh tế - Luật)...

Do đo, theo TS Nghĩa, năm nay điểm thi ĐGNL vẫn sẽ đạt mức cao và dự báo điểm chuẩn trúng tuyển sẽ không thấp hơn năm 2019.

Các mốc thời gian TS cần lưu ý

-15-7 đến 15-8: Mở cổng đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi ĐGNL;

- 16-8: Tổ chức thi ĐGNL, Kỳ thi đồng loạt diễn ra tại năm địa phương, gồm: TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang, Đà Nẵng.

Toàn bộ kỳ thi chỉ diễn ra trong một buổi sáng với bài thi tổng hợp gồm 120 câu trắc nghiệm, thời gian làm bài là 150 phút.

- Trước ngày 25-8: dự kiến sẽ thông báo kết quả thi.

- Trước ngày 30-8:  dự kiến công bố kết quả xét tuyển của các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM.

- Trước ngày 5-9: TS trúng tuyển xác nhận nhập học.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới