Bỏ đánh giá bằng điểm số và bạo lực học đường đang là hai trong những vấn đề nóng trên các diễn đàn xã hội. Lướt qua vài diễn đàn về giáo dục tôi nhặt được hai mẩu chuyện như sau:
Một bạn kể hai nhà hàng xóm có con học cùng một lớp. Cả hai nhà cùng rất quan tâm đến việc học hành của con cái, thậm chí ngầm chạy đua với nhau. Một hôm, cậu bé về khoe với bố được điểm 9 trong một kỳ kiểm tra khá quan trọng. Ông bố phấn khởi, chạy ra phố mua bánh về thưởng luôn cho con trai. Trong khi con ngồi ăn bánh thì mẹ cô bé nhà bên đi ngang qua và khoe lần này con gái là một trong số rất ít các bạn trong lớp được điểm 10. Ông bố cậu bé sa sầm mặt, không nói không rằng giật cái bánh từ tay con và vả luôn vào miệng thằng bé một cái... Không biết sau đó cháu có còn bị bố đánh phạt gì thêm nữa không? Mặc dù biết rằng chuyện như vậy không phải là quá hiếm nhưng thật sự vẫn thấy sốc khi đọc được. Lứa tuổi cấp 2 khá nhạy cảm và dễ bị tổn thương, tâm hồn của cháu có thể bị ảnh hưởng rất nhiều. Thiết nghĩ bạo lực trong xã hội có lẽ cũng có thể bắt nguồn từ những điều nho nhỏ trong gia đình như vậy...
Một bạn khoe con gái học rất giỏi và giỏi đều tất cả các môn. Cháu thường xuyên đạt điểm 9-10 trong các môn học nhưng thường xuyên nhất vẫn là điểm 10. Thỉnh thoảng cháu mới không may bị điểm 8. Mỗi lần bị điểm kém như vậy (tức là điểm 8), mẹ cháu khóc tu tu sau đó mắng cho con một trận "lên bờ xuống ruộng" vì học hành sút kém... Tự nhiên nghĩ khổ thân cô bé quá. Điểm số như vậy đã trở thành nỗi ám ảnh hãi hùng đối với bé, còn đâu là niềm vui học hành nữa?
Giá trị ảo
Cô bạn tôi thuộc loại phụ nữ hết lòng vì con. Và trong cái sự vì con ấy tất nhiên chuyện học hành được đặt lên số một. Cho con vào trường điểm và lớp chọn là điều dĩ nhiên. Chuyện đi học thêm thì đương nhiên miễn bàn. Gửi luôn cô giáo chủ nhiệm cho chắc.
Từ lớp 1 đến lớp 5, vợ chồng bạn tôi rất tự hào vì con học giỏi, điểm toàn 9-10, thành tích học tập luôn đứng trong tốp đầu của lớp. Bạn tôi cũng hết lời ca ngợi các cô của con dạy giỏi, nhiệt tình.
Khi cháu lên cấp 2, tự nhiên một hôm cô bạn tôi gọi điện cho tôi và khóc. Dỗ dành, gặng hỏi mãi bạn mới tâm sự là khi kiểm tra đầu vào lớp 6, điểm của cháu quá kém, đứng bét lớp luôn. Khi các cô kiểm tra thêm một số thứ nữa thì hóa ra cháu hổng kiến thức toàn bộ. Khổ thân vợ chồng bạn tôi mất hai năm trời không biết gì là nghỉ ngơi, chơi bời nữa, tối ngày kèm con như kèm kem. Bố cháu phải tự mình dạy lại cháu môn Toán từ kiến thức lớp 1. Sau hai năm thì mới tạm gọi là ổn nhưng hậu quả thì còn kéo dài đến hết phổ thông trung học.
Đây chỉ là một trong những trường hợp mà lâu nay xã hội vẫn gọi là "ngồi nhầm lớp". Còn tôi thì thích gọi đó là "giá trị ảo", được thể hiện dưới hình thức điểm số. Các giá trị ảo trong giáo dục ngày nay có lẽ không còn hiếm. Cứ nhìn những tỉ lệ 80%-90% học sinh giỏi trong các lớp là cũng đoán được chúng thật hay ảo rồi!!! Mong là sẽ không có nhiều gia đình rơi vào trường hợp như của cô bạn tôi, quá tin vào điểm số mà để con bị hổng kiến thức suốt năm năm trời.
Mẹ thích con chuyện gì cũng kể cho mẹ hay thích con nói dối?
Con trai lớn của tôi vốn tự giác học và làm bài tập từ bé nên tôi ít khi hỏi con về chuyện học hành, điểm số. Cháu cũng có thói quen khá đặc biệt, đó là điểm tốt thì không mấy khi nói cho bố mẹ biết nhưng điểm kém thì về "khoe" ngay. Cách cháu "khoe" đại loại như thế này:
Con trai: Mẹ ơi, hôm vừa rồi kiểm tra, lớp con hơn nửa lớp bị điểm dưới trung bình.
Mẹ: Hi hi... Kiểu này chắc mình cũng bị dưới trung bình rồi?
Con trai: Ơ, thế mẹ thích con chuyện gì cũng kể cho mẹ hay mẹ thích con nói dối nào?
Mẹ: Tất nhiên là mẹ thích con chuyện gì cũng kể cho mẹ nghe chứ. Thế nên mẹ mới cười hi hi khi đoán con cũng bị điểm kém. Mẹ có phàn nàn gì đâu nào?
Con trai: Mẹ mắng thì lần sau con bị điểm kém sẽ giấu luôn không kể nữa. Mẹ làm sao biết hết được?
Mẹ vội vàng khẳng định: Không, mẹ không mắng. Có điểm kém hay gặp khó khăn gì con nhớ nói ngay với mẹ để mẹ còn có biện pháp hỗ trợ kịp thời nhé.
Chính vì cháu không giấu giếm điểm xấu với mẹ nên trong thời gian cháu học ở phổ thông, tôi nắm được khá sát tình hình học tập của con, mặc dù chưa bao giờ kiểm tra bài vở hay ngồi kèm con học bài. Việc hỗ trợ cháu khi cháu gặp khó khăn trong một môn học nào đó cũng được tiến hành kịp thời, không bị để tới mức quá muộn.
Cứ nghĩ đến câu cháu hỏi ngược lại mẹ ngày nào "Mẹ thích con chuyện gì cũng kể cho mẹ hay thích con nói dối?", tôi lại tự hỏi mình "Người lớn rốt cuộc thích gì nhỉ, một giá trị thật tuy hơi xấu xí hay một giá trị nhìn có vẻ đẹp nhưng lại không có thật? Và khi gây áp lực cho con về điểm số, các cha mẹ có nghĩ rằng mình có thể đang vô tình biến con thành đứa trẻ không trung thực, cũng như có thể tự làm mất cơ hội hỗ trợ con kịp thời khi con học sút đi?