Điểm tin 26-3: Nga phản ứng với các lệnh trừng phạt của phương Tây

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình hình chiến sự

 Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho rằng Nga đang không thành công khi tiến quân ở một số hướng và quân Nga tiếp tục dồn quân, xây dựng lực lượng để tiến hành các cuộc tấn công mới. Hôm 25-3, quân Ukraine đã kết liễu trung tướng Yakov Rezantsev - chỉ huy đội quân tổng hợp 49 thuộc Quân khu phía Nam của Nga, hãng tin Ukrinform cho hay

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao quốc phòng Mỹ cho biết Nga đang ưu tiên chiến sự tại Donbass, miền đông Ukraine hơn là thủ đô Kiev nhằm chiếm lợi thế trên bàn đàm phán và cắt đứt liên hệ của lực lượng Ukraine ở miền đông nước này với phần còn lại của đất nước. 

Một người lính Ukraine đứng gần địa điểm bị Nga pháo kích ở thủ đô Kiev. Ảnh: AFP

Hôm 25-3, Bộ Quốc phòng Nga đã cung cấp một bản cập nhật về thương vong trong chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine. Theo đó, phía Nga cho biết có 1.351 lính thiệt mạng và 3.825 người bị thương nhưng không đề cập đến số quân Nga mất tích khi hành quân và những người bị bắt làm tù binh. Nga cho rằng phía Ukraine thiệt hại nặng nề hơn khi có khoảng 14.000 lính tử trận và 16.000 người khác bị thương, đài RT đưa tin. 

Trước đó, hôm 23-3, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine thống kê rằng có 15.600 quân Nga thiệt mạng trong gần một tháng, kể từ khi chiến dịch quân sự vào ngày 24-3. Về thương vong của Ukraine, Kiev cũng hạn chế đưa ra số liệu. Con số gần đây nhất được Tổng thống Volodymyr Zelensky công bố là vào giữa tháng 3, theo ông thì có khoảng 1.300 binh sĩ Ukraine tử trận. 

Phản ứng của Nga, Ukraine

Hôm 25-3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ và đồng minh áp lên Nga sau cuộc họp khẩn cấp của các nước này ở Brussel, Bỉ. Ông Lavrov cho rằng đây là một cuộc chiến tranh hỗn hợp, tổng lực nhằm vào Nga với mục tiêu rõ ràng là bóp nghẹt, tàn phá nền kinh tế nước này, đài RT đưa tin. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Phát biểu trên truyền hình hôm 25-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc phương Tây đang cố gắng “hủy bỏ” văn hóa Ngakhi các nước này huỷ bỏ một số sự kiện văn hoá của Nga, phân biệt đối xử với những thứ liên quan đến Nga, ví dụ như cấm sách của các tác giả, nhà văn Nga hay không cho các tác phẩm nổi tiếng của những nhà soạn nhạc Nga như Pyotr Tchaikovsky, Dmitri Shostakovich,... biểu diễn ở các buổi hoà nhạc, theo đài RT. 

Ngoại trưởngUkraine Dmytro Kuleba cho biết đàm phán với Nga khó khăn và nước này không đồng thuận với Nga về bốn điểm như lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói rằng Ukraine đã sẵn sàng đồng ý với bốn trong số sáu yêu cầu của Nga, trong đó có việc từ bỏ mục tiêu trở thành thành viên NATO và công nhận tiếng Nga là ngôn ngữ thứ hai của quốc gia, Ukrinform cho hay. Ông Kuleba  cũng nhấn mạnh rằng việc phân loại các chủ đề chính của cuộc đàm phán thành bốn điểm hay các điểm là không chính xác vì nhiều vấn đề khác nhau được thảo luận cùng một lúc. Ông cho biết quá trình đàm phán với Nga rất khó khăn và phía Ukraine có lập trường cứng rắn, không dễ từ bỏ các yêu cầu của mình, đặc biệt trước hết là lệnh ngừng bắn, đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine

Động thái của các nước khác

Hôm 25-3, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cùng nhau mua và tích trữ khí đốt, hydro và khí đốt tự nhiên hóa lỏng để giảm sự phụ thuộc nguồn năng lượng vào Nga, đồng thời giải quyết được vấn đề giá nhiên liệu ngày càng tăng ở khu vực này. Theo đó, các nước EU sẽ có thể lập nhóm và thương lượng về việc mua khí đốt. Các nước như Ukraine, Georgia, Moldova, cũng như các nước phía tây Balkan có thể tham gia mua khí đốt chung. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã có cuộc gặp với các thành viên của Sư đoàn lính Dù số 82 của quân đội Mỹ tại Rzeszów, Ba Lan hôm 25-3. Theo CNN, đây được cho là thông điệp mạnh mẽ về những gì mà Mỹ đang làm, củng cố sự hiện diện của NATO ở châu Âu. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp sư đoàn lính dù Mỹ ở Ba Lan. Ảnh: AP


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông dự định tổ chức một cuộc điện đàm tiếp theo với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một vài ngày tới để thảo luận về tình hình Ukraine.  Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine thì ông Marcon là lãnh đạo phương Tây đầu tiên điện đàm với ông Putin để xoa dịu căng thẳng và sau đó thì hai nhà lãnh đạo cũng duy trì các cuộc nói chuyện về vấn đề Ukraine. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói rằng nước này sẽ không tham gia trừng phạt Nga như Mỹ và các nước phương Tây vì Thổ Nhĩ Kỳ có những mối ràng buộc với Nga, hãng thông tấn TASS cho hay. Cụ thể là nửa nguồn cung khí đốt tự nhiên của nước này đến từ Nga và hiện tại thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu cùng với Nga. Đồng thời, ông cho biết nước này đã gửi 56 xe tải viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine và sẽ tiếp tục hỗ trợ thực phẩm, quần áo, thuốc men cho người dân Ukraine nhiều hơn nữa. 

Tổng thống Belarus - ông Alexander Lukashenko khẳng định chính quyền Belarus không có kế hoạch chiến đấu ở Ukraine và kêu gọi phản ứng bình tĩnh trước những thông tin giả về việc này trên các phương tiện thông tin đại chúng, TASS đưa tin.  Ông nói rằng chính phe đối lập của nước này đã tung những thông tin sai lệch về chuyện Belarus chiến đấu ở Ukraine và cho rằng phe này đã lập những đội quân tình nguyện mang danh Belarus tham chiến ở Ukraine. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm