Điểm yếu trong công nghệ vaccine COVID-19 của Nga, Trung Quốc

Một số chuyên gia ở Mỹ và Canada cho rằng công nghệ phát triển vaccine ngừa COVID-19 của Nga và Trung Quốc có điểm hạn chế ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả phòng bệnh, hãng tin Reuters cho hay.

Trong tháng 8, vaccine ngừa COVID-19 của Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya (Nga) và hãng dược CanSino (Trung Quốc) đã được cấp phép trước khi hoàn tất quá trình thử nghiệm quy mô lớn. Hai đơn vị phát triển vaccine này đều áp dụng công nghệ "vector virus" trên cơ sở một dạng biến đổi của virus adeno tuýp 5 (Ad5).

Chuyên gia nguyên cứu vaccine Anna Durbin thuộc Đại học Johns Hopkins lo ngại "rất nhiều người có khả năng đã có phản ứng miễn dịch" với virus adeno. Điều này có thể khiến hiệu quả của vaccine phát triển trên cơ sở Ad5 có thể chỉ ở mức thấp (khoảng 40%).

Bác sĩ Zhou Xing thuộc Đại học McMaster (Canada) - một người từng hợp tác với hãng dược CanSino phát triển vaccine ngừa bệnh lao trên cơ sở Ad5 - cũng không tự tin về hiệu quả của tuýp virus vector này. 

Vaccine ngừa COVID-19 mang tên Sputnik V do Viện Gamaleya (Nga) phát triển. Ảnh: BLOOMBERG

Theo Reuters, trong nhiều thập niên qua, giới y học quốc tế đã sử dụng virus vector Ad5 để thử nghiệm nhiều loại vaccine phòng bệnh nhưng quy mô không lớn.

Nhiều nhà khoa học cho rằng rất nhiều người dân trên thế giới đã có kháng thể chống lại Ad5. Kháng thể này được cho là khiến khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2 (được tải vào cơ thể qua virus vector là Ad5) sẽ kém hiệu quả hơn.

Ở Trung Quốc và Mỹ, khoảng 40% dân cư đã sản sinh lượng kháng thể chống Ad5 ở mức cao. Còn ở châu Phi, con số này có thể lên tới 80% dân cư.

Bác sĩ Xing cho rằng ứng viên vaccine ngừa COVID-19 do công ty Johnson&Johnson (Mỹ) phát triển sẽ có "lợi thế hơn hẳn" vaccine của Trung Quốc. Vaccine của Johnson&Johnson sử dụng virus vector là Ad26 - một tuýp virus adeno hiếm gặp hơn.

Vaccine Sputnik V của Viện Gamaleya được phát triển trên cơ sở virus vector Ad26 cho liều thứ nhất và tuýp virus Ad5 cho liều thứ hai. Điều này được coi là giải pháp của Viện Gamaleya để khắc phục điểm yếu của các loại vaccine phát triển trên cơ sở Ad5.

Một số thông tin về virus vector Ad5 trong công nghệ vaccine

Trong công nghệ "vector virus" để sản xuất vaccine, các nhà khoa học sử dụng virus "trung gian" mang thông tin di truyền của chủng virus cần phòng ngừa. Vì virus vector đã bị bất hoạt, thông tin di truyền của loại virus cần phòng ngừa không thể nhân lên, từ đó cơ thể người được tiêm chủng đủ khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch trước loại virus này.

Trong những năm 1970, virus vector Ad5 do bác sĩ Frank Graham của Đại học McMaster tạo ra tại một phòng thí nghiệm ở Hà Lan.

Bác sĩ Graham và các đồng nghiệp của ông ở Đại học McMaster đã sử dụng virus vector Ad5 để phát triển vaccine ngừa dại ở gấu trúc Bắc Mỹ, vaccine ngừa bệnh lao ở người.

Các nhà khoa học này cũng từng sử dụng Ad5 để phát triển vaccine ngừa Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS - năm 2003). Quá trình thử nghiệm đã bước sang giai đoạn tiền lâm sàng nhưng đã tạm ngưng do dịch bệnh đã được kiểm soát thành công.

Cả Nga và Trung Quốc cũng đã sử dụng virus vector Ad5 để tạo ra vaccine ngừa Ebola.

Khi đã nghỉ hưu và sống ở Ý, ông Graham cho rằng virus vector Ad5 "đã lan rộng và phổ biến ở quy mô rất lớn trong giới nghiên cứu". 

Vaccine COVID-19: Cuộc chạy đua Nga-Trung
Vaccine COVID-19: Cuộc chạy đua Nga-Trung
(PL)- Trung Quốc và Nga hiện là hai nước đã công bố kế hoạch sử dụng vaccine COVID-19 đại trà. Hai nước này đang cạnh tranh quyết liệt về độ hiệu quả và năng suất sản xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm