Diễn biến chính trong ngày đầu xét xử 6 bị cáo gây thất thoát 22 tỉ tại Sở KH&CN TP.HCM

(PLO)- Các cựu cán bộ Sở KH&CN TP.HCM thừa nhận sai phạm nhưng cho rằng hậu quả xảy ra là do quan điểm chủ quan, nhận thức pháp luật không biết đang vi phạm pháp luật.

Ngày 30-10, TAND TP.HCM xét xử vụ án vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng do bị cáo Phan Minh Tân (cựu giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) cùng năm đồng phạm đều là những người từng công tác tại sở này thực hiện.

Hôm nay, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư.

Cáo trạng cáo buộc gây thiệt hại 22 tỉ đồng

Theo cáo trạng, Quỹ Phát triển KH&CN TP.HCM được thành lập vào năm 2007 để tổ chức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ… Bộ máy quản lý và điều hành gồm sáu thành viên với ông Tân là chủ tịch. Cơ quan điều hành là Quỹ Đầu tư phát triển TP.HCM (HIFU).

Trong quá trình quản lý quỹ này, bị cáo Tân cùng các bị cáo khác đã xét duyệt và cấp kinh phí cho Công ty Huy Hoàng do Nguyễn Trọng Vũ (tổng giám đốc) thực hiện hai dự án nghiên cứu và sản xuất, gây tổng thiệt hại 22 tỉ đồng.

Bị cáo Phan Minh Tân ngồi hàng ghế đầu tại phiên tòa. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Khai tại tòa, bị cáo Tân cho biết số tiền cấp cho Công ty Huy Hoàng thực hiện dự án 1 (thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip nhận dạng từ xa qua sóng radio chip RFID) không phải dạng cho vay mà là hình thức cấp kinh phí để thực hiện dự án nghiên cứu khoa học.

Theo bị cáo Tân, để thành lập được hội đồng xét duyệt dự án của Công ty Huy Hoàng thì phải qua rất nhiều các công đoạn như tuyển chọn, thẩm định thông tin dự án…

Bị cáo Tân còn cho biết để được cấp kinh phí cho dự án 1 thì phải đảm bảo các tiêu chí như sự cần thiết, cấp thiết phải thực hiện dự án; nhu cầu nghiên cứu của dự án; sản phẩm tạo ra; năng lực, tổ chức thực hiện.

Trong trường hợp này, trước khi về Việt Nam thành lập Công ty Huy Hoàng để sản xuất sản phẩm công nghệ cao RFID, ông Vũ là chuyên gia công nghệ nổi tiếng ở Thung lũng Silicon (Mỹ) và là người từng trải qua nhiều vị trí chủ chốt của các công ty công nghệ lớn. Do đó, về năng lực của ông Vũ và sản phẩm của dự án 1 do Công ty Huy Hoàng tạo ra phù hợp với các tiêu chí.

Cáo trạng xác định bị cáo Tân cùng các bị cáo khác đã xét duyệt và cấp kinh phí cho Công ty Huy Hoàng thực hiện hai dự án nghiên cứu và sản xuất, gây tổng thiệt hại 22 tỉ đồng.

Cựu giám đốc sở nhận trách nhiệm người quản lý

Bị cáo Tân cho biết không đồng ý với cách xác định thiệt hại 22 tỉ đồng của cả hai dự án. “Thiệt hại của vụ án là do ông Vũ bỏ trốn, không trả được nợ cho Sở KH&CN. Thiệt hại này hoàn toàn độc lập với trách nhiệm của Quỹ Phát triển khoa học công nghệ cũng như với cá nhân bị cáo. Tuy nhiên, với trách nhiệm là người quản lý, bị cáo cũng có một phần trách nhiệm” - bị cáo Tân nói.

Nói về khoản tiền 10 tỉ đồng xét duyệt cho Công ty Huy Hoàng vay tại dự án 2, ông Tân cho biết tại thời điểm này Công ty Huy Hoàng đã xuất trình các phiếu thu hiện góp vốn cổ đông của Công ty Huy Hoàng và thư hứa cấp tín dụng của ngân hàng để chứng minh đủ khả năng tài chính. Cạnh đó, quy chế quản lý quỹ đã quy định rõ quỹ cho vay với lãi suất thấp, không cần tài sản thế chấp, chủ yếu là năng lực công nghệ của doanh nghiệp tham gia dự án. Quy chế không quy định về vốn tự có của đơn vị thực hiện dự án mà chỉ yêu cầu về khả năng tài chính.

Trả lời câu hỏi của tòa, các bị cáo đều thừa nhận sai phạm nhưng cho rằng bản thân không tư lợi, không nhận được lợi ích gì từ việc xét duyệt cho vay. Việc thẩm định hồ sơ của Công ty Huy Hoàng dựa trên quy chế, quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do quan điểm chủ quan, sự đánh giá và nhận thức pháp luật của bản thân nên không biết đang vi phạm quy định của pháp luật.

Cựu trưởng phòng phải dùng thiết bị trợ thở, được xét xử vắng mặt

Trong phần thủ tục phiên tòa, luật sư của bị cáo Nguyễn Quốc Thái (cựu phó trưởng phòng Quản lý công nghệ) đã thay mặt bị cáo này gửi đơn xin xét xử vắng mặt vì đang điều trị bệnh tại bệnh viện. Ngay trong ngày, tòa án và VKSND TP.HCM đã xác minh tình trạng bệnh của bị cáo Thái.

Kết quả xác minh thể hiện bị cáo Thái đang điều trị ngoại trú và thực hiện khám định kỳ tại bệnh viện, không phải nhập viện để điều trị bệnh. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình bệnh lý và ý kiến của bị cáo này tại tòa (chiều cùng ngày, bị cáo Thái đã đến tòa và sử dụng thiết bị trợ thở), HĐXX đã quyết định đồng ý cho bị cáo Thái xét xử vắng mặt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới