Chiều 6-12, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Diễn đàn “TP.HCM - Gỡ vướng cho kinh tế xanh”. Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định TP đang hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bốn nội dung, ba trụ cột lớn
Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết ngày 1-10-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chiến lược này đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Từ đây, nhu cầu về thúc đẩy các hoạt động kinh tế bền vững trên tất cả lĩnh vực được đặt lên hàng đầu và là mối quan tâm của nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp (DN).
TP.HCM có vai trò là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước, địa phương tiên phong trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách trọng điểm của quốc gia, cũng đang hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Khung chiến lược phát triển xanh này gồm bốn nội dung: Phát triển nguồn lực xanh; xây dựng hạ tầng xanh; phát triển hành vi xanh; xác định ngành và lĩnh vực tiên phong. TP.HCM xác định xây dựng ba trụ cột lớn: Thứ nhất là khung pháp lý (đang xây dựng gần 80 chương trình đề án, chiến lược, chính sách hỗ trợ cho tất cả lĩnh vực sản xuất).
Tôi cho rằng việc báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Diễn đàn “TP.HCM - Gỡ vướng cho kinh tế xanh” là sự kiện rất cần thiết, mang tính thời sự và mang lại nhiều giá trị thiết thực.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM
Thứ hai là bộ tiêu chí đo lường được (trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, từng phân xưởng, nhà máy, gia đình…). Thứ ba là mô hình mẫu, một địa phương xanh (huyện Cần Giờ), xưởng sản xuất xanh, công trình, bệnh viện, trường học xanh…
“Tôi cho rằng xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là lựa chọn tất yếu để vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, vừa góp phần đảm bảo cho người dân TP một môi trường sống lành mạnh và vì sự phát triển bền vững. Đây là chủ trương hoàn toàn phù hợp với những định hướng được Đại hội XIII của Đảng đề ra và cũng là mục tiêu phát triển của Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI” - ông Nguyễn Văn Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, kinh tế xanh trở thành một lĩnh vực sôi động thu hút sự hưởng ứng của nhiều nhà đầu tư, DN và đông đảo người dân. Quá trình này được đánh giá là gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng đối diện với những khó khăn, thách thức, nhất là các vướng mắc liên quan đến các quy định, hành lang pháp lý cho các cơ chế, chính sách.
“Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng việc báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Diễn đàn “TP.HCM - Gỡ vướng cho kinh tế xanh” là sự kiện rất cần thiết, mang tính thời sự và mang lại nhiều giá trị thiết thực” - ông Nguyễn Văn Dũng khẳng định.
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030 nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
TP.HCM đưa ra 14 nhóm nhiệm vụ chính bao gồm tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối xanh, năng lượng xanh, nước sạch và tuần hoàn nước, tuần hoàn vật liệu, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, tòa nhà xanh và tiết kiệm năng lượng, khởi nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo xanh, mảng xanh đô thị - nông nghiệp xanh và hệ sinh thái Cần Giờ xanh.
Tìm giải pháp, vượt qua rào cản để tăng trưởng xanh
Ở góc độ đơn vị tổ chức diễn đàn, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, đánh giá chủ trương phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững đã được Đảng, Nhà nước ban hành cách đây hơn 10 năm. Kể từ đó đến nay, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành và chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để hiện thực hóa chủ trương ấy.
Thành quả bước đầu đã có, khi nhiều DN theo định hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, năng lượng xanh; các nhà đầu tư, tổ chức tài chính - tín dụng trong lĩnh vực tăng trưởng xanh đã đến Việt Nam (VN) và quyết định đầu tư.
Thế nhưng, dư địa trong lĩnh vực kinh tế xanh vẫn còn rất lớn. Một mặt vì VN nói chung và TP.HCM giàu tiềm năng phát triển kinh tế xanh nhưng mặt khác, đáng phải suy ngẫm hơn là do cơ chế, chính sách của chúng ta còn nhiều điểm nghẽn.
“Đơn cử như quá trình thể chế hóa các chủ trương, xây dựng hành lang pháp lý cho các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế xanh vẫn còn chậm so với nhu cầu thực tiễn. Các cơ chế khuyến khích DN, nhà đầu tư dấn thân vào hệ sinh thái kinh tế xanh còn chưa đủ sức thuyết phục, thiếu tính hấp dẫn. Độ trễ trong thực thi chính sách, nói cách khác là có luật rồi thì việc hướng dẫn, áp dụng luật cũng còn chậm, giảm đi sự mặn mà của các nhà đầu tư” - ông Bình nói.
Sự tham gia chủ động của Nhà nước là vô cùng cần thiết
VN đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách pháp luật liên quan đến kinh tế tuần hoàn. Các địa phương cũng tích cực triển khai các chương trình, dự án liên quan. Cùng với đó, DN, đặc biệt là các DN lớn và vừa, đã chủ động ứng dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn vào sản xuất, kinh doanh. Sự kết hợp giữa chính sách, DN và cộng đồng đang tạo ra một động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế.
Kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường. Để khai thác tối đa những giá trị này, sự tham gia chủ động của Nhà nước là vô cùng cần thiết.
Việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách hỗ trợ, cùng với các chương trình nâng cao nhận thức sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các DN và cộng đồng cùng nhau phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả. Đặc biệt, sự hợp tác với các tổ chức quốc tế sẽ giúp VN tiếp cận những công nghệ và kinh nghiệm tiên tiến trong lĩnh vực này.
TP.HCM có thể tiếp cận kinh tế tuần hoàn theo hướng trên nền tảng công nghệ 4.0, đổi mới sáng tạo, cải thiện, tạo môi trường sống xanh sạch, hiện đại, đồng thời bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái.
Chẳng hạn, TP.HCM phát triển dự án công trình xanh, cải tạo và nâng cấp đô thị trên cơ sở lồng ghép các giá trị mới xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu hay xem xét tái chế, tái sử dụng nguồn nguyên vật liệu...
PGS-TS NGUYỄN HỒNG QUÂN - Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn, ĐH Quốc gia TP.HCM
Theo ông Bình, cách đây vài tuần, đại diện cơ quan ngoại giao của vài nước ở VN có trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM về kỳ vọng của họ đối với đất nước chúng ta. Họ đánh giá cao quyết tâm đổi mới, đột phá thể chế để phát triển theo hướng bền vững của VN, trong đó họ ấn tượng và hứa sẽ đồng hành với cam kết net zero năm 2050 của VN.
“Họ rất phấn khởi khi VN ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp, đồng thời cho rằng các động thái này sẽ mở ra các cơ hội đầu tư từ nước ngoài vào các dự án năng lượng tái tạo ở VN.
Những kỳ vọng đó đặt vào các nỗ lực về gỡ vướng những khó khăn, mở rộng hành lang pháp lý, mở rộng hệ sinh thái đầu tư, tạo cảm hứng tích cực và niềm tin mạnh mẽ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Khi con đường lớn về thể chế, chính sách được khơi thông, các rào cản không còn đáng kể nữa, chắc chắn dòng vốn, công nghệ, nhân lực trình độ cao, hạ tầng phục vụ phát triển xanh, phát triển bền vững sẽ chảy mạnh vào TP.HCM nói riêng và VN nói chung” - ông Bình nói.•
Ông TỐNG VIẾT THÀNH, Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn Sở TN&MT TP.HCM:
Hoàn thiện khung pháp lý
Rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP phát sinh trung bình khoảng 13.000 tấn/ngày. Sau phân loại, tái chế và đưa về các nhà máy xử lý trung bình phát sinh khoảng 10.000 tấn/ngày.
Để hướng tới tăng trưởng xanh, Sở TN&MT tiếp tục rà soát, tham vấn Bộ TN&MT để hoàn thiện khung pháp lý, triển khai quy hoạch xử lý chất thải và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý rác thải trên địa bàn TP. Ưu tiên chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt hiện hữu theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường gắn với việc xây dựng, triển khai thực hiện đề án giảm phát thải trên địa bàn TP.
Nghiên cứu, triển khai thực hiện các mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn để từng bước hoàn thiện, nhân rộng các mô hình phân loại, tái chế chất thải theo hướng tuần hoàn vật liệu, giảm phát sinh chất thải hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…
Ông LƯƠNG THANH HẢI, chuyên gia phát triển dự án Công ty Skye Renewables VN:
Ba rào cản của dự án điện năng lượng mặt trời
Hiện nay, dù tiềm năng lớn về bức xạ tương đối cao và nhu cầu lớn, các dự án năng lượng mặt trời (NLMT) tại VN vẫn luôn gặp nhiều khó khăn và rào cản từ nhiều phía. Thứ nhất, về pháp lý, cơ chế mua điện NLMT áp mái lên lưới được khuyến khích nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Về lâu dài, các nhà đầu tư, DN tư nhân đang mong chờ cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Thứ hai, NLMT áp mái chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện. Lợi ích từ NLMT đối với DN không đồng đều vì phụ thuộc vào cá nhân từng DN. Hợp đồng NLMT áp mái có thời gian lâu dài, với nhiều yêu cầu, cam kết của DN với nhà đầu tư. Thứ ba, khó khăn của nhà đầu tư NLMT như thị trường cạnh tranh, các vấn đề pháp lý, thủ tục, giấy phép phát triển dự án cũng khá phức tạp, chưa đồng nhất…
PGS-TS NGUYỄN THỊ HỒNG NGUYỆT, Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH TN&MT TP.HCM:
Cần có chính sách phát triển năng lượng tái tạo
VN có nhiều tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn đối với NLTT như chưa có dự luật chính sách cụ thể. VN cũng chưa hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia về phát triển NLTT, bị giới hạn công suất, cơ sở hạ tầng, công nghệ còn thiếu và yếu...
Thời gian tới cần: Luật hóa về NLTT, lập quy hoạch và kế hoạch phát triển NLTT; hoàn thiện cơ chế đấu thầu; mở cửa và đảm bảo cạnh tranh, kết nối với thị trường trong khu vực và thế giới; nguồn nhân lực, tài chính.