Theo tờ báo New York Times của Mỹ việc diễn giải lại Hiến pháp của Thủ tướng Nhật Bản diễn ra sau những căng thẳng trên thế giới được đánh dấu bởi việc Trung Quốc đang ngày càng mong muốn tăng cường tầm ảnh hưởng và sức mạnh quân sự của mình cũng như việc Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn xoay trục sang châu Á và việc Triều Tiên liên tục “rút kiếm” nhằm phô trương sức mạnh của mình.
Cân bằng sức mạnh quân sự với Trung Quốc
Trong một loạt bài viết cho tạp chí Project Syndicate, ông Abe đã nêu rõ quan điểm tăng cường sự hiện diện quân sự của Nhật Bản trong một bài viết có tựa đề: “Bình minh mới của Nhật Bản”.
“Nhật Bản đã cam kết sẽ không bao giờ gây chiến nữa và chúng tôi không bao giờ ngừng việc tạo ra một thế giới luôn có hòa bình. Châu Á không nên lãng phí tiền chi cho phát triển vào việc tăng cường sức mạnh quân sự. Chúng ta cần phải sử dụng số tiền này vào việc cải tiến và đầu tư vào con người”, ông Abe viết.
“Tuy nhiên, việc bảo vệ nhà nước pháp quyền là quan trọng nhất”, Thủ tướng Abe viết trong một bài khác gửi tạp chí Project Syndicate trong đó có đoạn, “Nhật Bản sẽ hỗ trợ tối đa cho các nước thành viên ASEAN để đảm bảo an ninh và tự do hàng không và hàng hải”.
Quan điểm này của ông Abe được cho là thể hiện tham vọng đưa Hải quân ra hiện diện tại các hòn đảo tranh chấp trên Biển Đông.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản- vốn được trang bị nhiều công nghệ tối tân, vẫn đang phải đối mặt với một vài hạn chế trong các sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, ít nhất lực lượng này đã lần đầu tiên được phép tham gia vào các hoạt động hỗ trợ các tàu của Mỹ trong trường hợp những tàu này bị tấn công.
Ngoài ra, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có số lượng quân tương đối nhỏ so với các nước khác trong khu vực- chỉ bằng 1/5 quân số của Mỹ và Triều Tiên và 1/10 quân số của Trung Quốc.
Hơn thế nữa, chi tiêu quân sự của Nhật Bản cũng chỉ chiếm 1% GDP của nước này, thấp hơn con số 5% của Mỹ, 2% của Trung Quốc và 25% của Triều Tiên.
Diễn giải lại Hiến pháp- còn nhiều tranh cãi
Tạp chí Times nhấn mạnh: “Thật khó mà không nói quá tầm quan trọng của những gì mà ông Abe đã làm được. Triển vọng về việc thay đổi vai trò của quân đội Nhật Bản là rất đáng tranh cãi cũng như có thể gây ra nhiều hệ lụy khôn lường nhất là khi nhiều công dân Nhật Bản bày tỏ lo ngại về việc nước này có thể bị kéo vào những vấn đề quốc tế”.
Ngoài ra tờ Times cũng cho biết, trong một vài cuộc thăm dò gần đây có tới 50% người tham gia phản đối việc Nhật Bản diễn giải lại Hiến pháp và thậm chí còn có hàng nghìn người đã biểu tình trước tư dinh của ông Abe.
Một hạm đội Hải quân Nhật Bản (Ảnh AP)
Tuy nhiên, các nước Đồng minh trong khu vực đã bày tỏ quan điểm ủng hộ ông Abe. Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III cho biết Philippines “không coi đó là một hành động cảnh báo nếu đó là nguyện vọng của người dân Nhật Bản đặc biệt là khi điều này sẽ giúp củng cố vai trò của Nhật Bản trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế cũng như đạt được mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực”.
Thủ tướng Australia Tony Abbott cũng ủng hộ triển vọng về việc Nhật Bản sẽ tăng cường sự hiện diện trong khu vực. Theo Reuters, hai nước đã ký “một thỏa thuận kinh tế cũng như một thỏa thuận về chuyển giao trang thiết bị quân sự và công nghệ”.
Trước Quốc hội Australia, ông Abbott tuyên bố: “Trong hàng chục năm qua, Nhật Bản đã trở thành một hình mẫu lý tưởng trên toàn thế giới, vì vậy Australia hoan nghênh những quyết định gần đây của Nhật Bản để có thể trở thành một đối tác chiến lược có sức mạnh lớn hơn trong khu vực”.
Trên tờ Wall Street Journal, ông Bruce Bennett, một nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại tập đoàn RAND về các vấn đề quân sự tại châu Á, viết: “Mỹ ủng hộ việc Nhật Bản tham gia phòng vệ tập thể bởi đây là điều rất quan trọng trong việc củng cố quốc phòng của Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á”.
Ông Bennett cho biết, việc Nhật Bản tăng cường năng lực quân sự có nghĩa là Mỹ có thể yên tâm hơn trong việc đối phó với sự hiếu chiến của Triều Tiên và nói thêm rằng “Hải quân Hàn Quốc và Mỹ chưa đủ khả năng để đối phó với các tàu của Triều Tiên, bao gồm cả các tàu cá chở vũ khí hoặc các chuyên gia về vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Ông Bennett nhận định: “Nhật Bản có đủ tàu trong Lực lượng phòng vệ trên biển của mình và các tàu này chủ yếu đậu gần Triều Tiên. Các tàu này có thể triển khai chiến dịch một cách nhanh chóng nếu Triều Tiên định tấn công”.
Trung Quốc phải e dè?
Trong khi đó, Bắc Kinh đã có những lời lẽ gay gắt về kế hoạch này của ông Abe.
“Một quan chức cao cấp của Trung Quốc ngày 7/7 đã buộc tội Thủ tướng Abe là lợi dụng tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông để thay đổi chính sách an ninh của Nhật Bản”, bà Kristine Kwok viết trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.
Bà Kwok dẫn lời bà Fu Ying, cựu Thứ trưởng Ngoại giao và hiện là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc: “Theo tôi quan sát thì ngay sau khi ông ta (Thủ tướng Abe) nhậm chức, ông ấy không hề quan tâm đến việc giải quyết tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Thay vì thế, ông Abe cố ý biến nó thành một vấn đề to tát hơn. Theo ông Abe, Trung Quốc là quốc gia đang đe dọa Nhật Bản. Do vậy ông ta đã thay đổi chính sách an ninh của Nhật Bản. Điều này khiến cả khu vực và Trung Quốc lo ngại”.
Tuy nhiên, trên thực tế, ông Abe đã rất thẳng thắn trong việc tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản. Nhiều quốc gia đã hoan nghênh nỗ lực của ông Abe trong việc yêu cầu Chính phủ các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở nên minh bạch hơn nữa trong chi tiêu quốc phòng.
“Để ngăn ngừa một quốc gia có thể bất ngờ tăng cường quân sự tại châu Á thì chi tiêu quốc phòng của các nước cần phải hoàn toàn minh bạch và được công khai để có thể được kiểm chứng. Hơn thế nữa, Chính phủ các quốc gia châu Á cần phải tạo ra cơ chế quản lý khủng hoảng và tạo ra một kênh liên lạc tốt hơn giữa quân đội các nước”, ông Abe nêu rõ.
Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh: “Chỉ khi làm được điều này thì chúng ta mới có thể đạt được phồn vinh và phát triển trong châu Á và điều này cho phép chúng ta khai thác hết tiềm năng của mình”./.