Điển hình thành công trong ngành chế biến sữa

Trên chặng đường gần 40 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ lãnh đạo và người lao động củaVinamilk luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX diễn ra ngày 7-12 tại thủ đô Hà Nội, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), đã mở đầu bài diễn văn rất đơn giản và mộc mạc như thế.

Thi đua là yêu nước

Ra đời từ một năm sau ngày giải phóng đất nước đến nay, Vinamilk đã lớn mạnh trở thành doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam. Để làm được điều đó là cả một quãng đường rất dài phía sau, biết bao con người, bao thế hệ đã vun vén, bồi đắp.

Năm 1976, công ty khởi đầu từ muôn vàn khó khăn, thiếu thốn máy móc thiết bị, công nhân kỹ thuật, nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu hoàn toàn, không chủ động được nguồn ngoại tệ mạnh. Bà Liên chia sẻ: “Làm sao có thể phục hồi sản xuất, tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ tiến tới chủ động nguồn nguyên liệu, từ đó giảm giá thành sản phẩm đưa công ty phát triển bền vững? Đó là những trăn trở mà Vinamilk phải đối mặt”. Sự đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm đã giúp các công ty đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Trong 10 năm gần đây kể từ khi cổ phần hóa, doanh số trung bình tăng trên 20%/năm; lợi nhuận tăng 15%/năm; nộp ngân sách nhà nước trung bình trên 3.000 tỉ đồng/năm. Tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước từ sau khi cổ phần hóa năm 2003 đến nay đạt trên 22.000 tỉ đồng.

Từ phong trào Thi đua hiến kế tìm nguồn nguyên liệu, phục hồi sản xuất, đưa doanh nghiệp phát triển lớn mạnh và bền vững, lãnh đạo công ty đã chủ động liên kết với đơn vị xuất nhập khẩu lấy ngoại tệ nhập nguyên liệu. Sau đó là mở rộng sản xuất, tăng tích lũy nhằm đổi mới công nghệ. Cũng trong thời gian này đội ngũ cán bộ kỹ thuật Việt Nam, đội ngũ khoa học trong nước của Viện khoa học, các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP.HCM đã mạnh dạn hồi phục nhà máy, tiết kiệm cho Nhà nước 2,7 triệu USD. Đây là khoản ngoại tệ rất lớn lúc bấy giờ so với phương án của các công ty nước ngoài đề xuất. 

Cuộc cách mạng trắng

Dấu ấn không thể bỏ qua là sự ra đời của cuộc Cách mạng trắng. Hơn ai hết công ty hiểu rằng yếu tố quan trọng cho việc phát triển bền vững là đảm bảo đầu ra sản phẩm sữa tươi nguyên liệu cho bà con nông dân. Bởi vậy, công ty triển khai thu mua sữa tươi nguyên liệu từ các hộ chăn nuôi bò sữa, gắn bó với bà con; chủ động xây dựng chiến lược phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi dài hạn. Chỉ trong vòng năm năm, 2011-2015, công ty đã nâng tổng đàn bò từ 3.000 con lên tới hơn 120.000 con; sản lượng sữa 200 triệu lít sữa/năm; lắp đặt 91 trạm thu mua 821.819 tấn sữa nguyên liệu của bà con với tổng giá trị thanh toán 9.818 tỉ đồng.

 Yếu tố quan trọng cho việc phát triển bền vững là đảm bảo đầu ra sản phẩm sữa tươi nguyên liệu cho bà con nông dân.

Suốt quá trình đổi mới, phong trào chăn nuôi bò sữa kết hợp với công nghệ tiên tiến đã đưa sản lượng của công ty chiếm lĩnh vị trí số một Việt Nam. Sữa tiệt trùng chiếm thị phần 53%; sữa đặc chiếm 75%; sữa chua các loại 80%; sữa bột và bột dinh dưỡng cho trẻ em chiếm 25% thị phần. Đặc biệt, công ty còn đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đầu tư hơn 6.500 tỉ đồng từ nguồn vốn tự có để hiện đại hóa máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất.

Có thể nói Vinamilk là một trong những thương hiệu hoạt động mạnh vì các chương trình cộng đồng. Quỹ học bổng Vinamilk - Ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam; Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam; Quỹ 1 triệu cây xanh dành cho Việt Nam... được khởi xướng và được hưởng ứng nhiệt liệt. Sức mạnh của chương trình lan tỏa đến những nơi khó khăn suốt chiều dài đất nước, nâng đỡ gia đình nghèo hay đứa trẻ cần dinh dưỡng để phát triển. Đến nay, dù trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng công ty đủ mạnh mẽ, dũng cảm để vượt qua tất cả. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới